Ngoại trưởng S Jaishankar và người đồng cấp Cho Tae-yul đồng chủ trì cuộc họp Ủy ban hỗn hợp Ấn Độ-Hàn Quốc lần thứ 10. (Nguồn: TRN) |
Người đứng đầu ngành ngoại giao Ấn Độ S Jaishankar đang có chuyến công du (từ ngày 5-8/3) tới Hàn Quốc và Nhật Bản. Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao, mục đích của chuyến thăm là xem xét toàn bộ mối quan hệ song phương, mở rộng hợp tác với hai đối tác hàng đầu ở Đông Bắc Á cũng như thảo luận về các vấn đề khu vực và toàn cầu cùng quan tâm.
Đặt chân tới Seoul sáng 5/3, Ngoại trưởng S Jaishankar đã tiến hành một loạt cuộc tiếp xúc, gặp gỡ cấp cao, bao gồm cuộc hội kiến với Thủ tướng nước chủ nhà Han Duck-soo, gặp Cố vấn an ninh quốc gia Chang Ho-jin, Bộ trưởng Thương mại, công nghiệp và năng lượng Ahn Dukg-eun và phát biểu tại Viện nghiên cứu chính sách của Hàn Quốc.
Trong ngày thứ hai, Ngoại trưởng S Jaishankar cùng người đồng cấp Cho Tae-yul chủ trì cuộc họp Ủy ban hỗn hợp Ấn Độ-Hàn Quốc (JCM) lần thứ 10, sau sáu năm kể từ kỳ họp lần thứ chín tại New Delhi vào tháng 12/2018.
Trong phát biểu khai mạc, người đứng đầu ngành ngoại giao của quốc gia đông dân nhất thế giới nhấn mạnh, Ấn Độ muốn mở rộng mối quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt đã có với Hàn Quốc từ năm 2015 sang các lĩnh vực mới và làm cho mối quan hệ song phương trở nên hiện đại hơn. Những lĩnh vực hợp tác mới mà ông đề cập bao gồm công nghệ quan trọng và mới nổi, chất bán dẫn và hydro xanh, hợp tác hạt nhân, nguồn nhân lực và khả năng phục hồi chuỗi cung ứng.
Theo nhà ngoại giao Ấn Độ, New Delhi và Seoul chứng kiến sự thống nhất ngày càng tăng về quan điểm trên các diễn đàn quốc tế. Ông nói: “Việc tập trung vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mang lại lợi ích cũng như sự ổn định, an ninh và thịnh vượng cho hai bên và khu vực”.
Sau các cuộc gặp, Ngoại trưởng S Jaishankar chia sẻ trên trang X rằng, chặng đầu tiên ở Seoul là một “khởi đầu tốt đẹp“. Ông miêu tả cuộc gặp với Cố vấn an ninh quốc gia là “rất tốt đẹp và hữu ích“, còn với Bộ trưởng Ahn Duk-geun là “cuộc trò chuyện trên phạm vi rộng về hợp tác kinh tế và thương mại, cả hiện tại và tương lai, vốn là trọng tâm của mối quan hệ Ấn-Hàn”...
Trong khi đó, Ngoại trưởng Cho Tae-yul nhấn mạnh rằng New Delhi là đối tác quan trọng hàng đầu của Seoul và mối quan hệ hai bên có thể nổi lên như một nhân tố quan trọng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Ông Cho Tae-yul cho biết “không thể đồng ý hơn“ với các đánh giá của người đồng cấp Ấn Độ về tiềm năng và tương lai của quan hệ hai nước.
Sau khi kết thúc các hoạt động tại Seoul, Ngoại trưởng S Jaishankar sẽ tới Tokyo, cùng người đồng cấp nước chủ nhà Kamikawa Yoko dự Đối thoại chiến lược giữa Ngoại trưởng Ấn Độ-Nhật Bản lần thứ 16. Nhà ngoại giao Ấn Độ cũng dự kiến tham dự tọa đàm Raisina Roundtable@Tokyo lần đầu tiên. Hội nghị bàn tròn là một bước quan trọng nhằm tăng cường trao đổi kênh 2 giữa hai đối tác chiến lược đặc biệt này.
Giới quan sát nhận định, việc New Delhi đang xích lại gần cả Seoul và Tokyo cho thấy các bên “đang có cùng chí hướng“ trong nhiều vấn đề song phương và khu vực. Đẩy mạnh hợp tác với New Delhi, Seoul và Tokyo sẽ có một thị trường đông dân nhất thế giới và tăng trưởng mạnh mẽ, có thể giúp giảm bớt phụ thuộc vào Trung Quốc. Đặc biệt, trong bối cảnh New Delhi được đánh giá cao nhờ chính sách "không liên kết" với các cường quốc như Mỹ, Trung Quốc và Nga.
Về phía New Delhi, trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn đang ngày càng rõ nét, chuyến đi tới hai đối tác quan trọng bậc nhất Đông Bắc Á, cho thấy New Delhi đang tiếp tục triển khai linh hoạt, nhất quán và hiệu quả chính sách Hành động hướng Đông. Bằng những bước đi cụ thể như thế, Ấn Độ tiếp tục cho thấy ngày càng rõ nét vai trò, vị thế một cường quốc châu Á-Thái Bình Dương của mình.