📞

Ngoại trưởng các nước EU nhóm họp, đặt trọng tâm Trung Quốc, Lithuania nói về bài học 'đoạn tuyệt' với Nga

Bảo Minh 06:58 | 13/05/2023
Ngày 12/5, tại thủ đô Stockholm (Thụy Điển), ngoại trưởng các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) nhóm họp để tìm kiếm một cách tiếp cận chung và điều chỉnh lại lập trường của châu Âu đối với Trung Quốc.
EU chỉ có thể thành công trong mối quan hệ với Trung Quốc khi liên minh này đoàn kết. (Nguồn: Reuters)

EU kêu gọi 27 nước thành viên thống nhất quan điểm về cách giao thiệp với Trung Quốc, trong bối cảnh Bắc Kinh ngày càng quyết đoán hơn đang gia tăng ảnh hưởng trên trường thế giới.

Đại diện cấp cao EU về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell cho biết, ông đã trình bày với các ngoại trưởng của liên minh nhằm tìm cách "xác định" và "điều chỉnh lại lập trường đối với Trung Quốc".

Theo ông, nếu EU muốn liên quan đến sự trỗi dậy của Trung Quốc như một cường quốc lớn, "các quốc gia thành viên phải đoàn kết hơn và hành động theo một chính sách chung".

Cơ quan hành động đối ngoại châu Âu (EEAS) đã vạch kế hoạch điều chỉnh chính sách đối với Trung Quốc, nhằm giảm thiểu rủi ro phụ thuộc kinh tế vào Bắc Kinh trong khi tiếp tục hợp tác về các vấn đề toàn cầu. Đề xuất này nằm trong một văn kiện 7 trang được gửi tới các nước EU trước thềm hội nghị trên.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Lithuania Gabrielius Landsbergis cho rằng, EU cần chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó với những hậu quả từ nguy cơ quan hệ với Trung Quốc xấu đi.

Khẳng định không ủng hộ việc EU "tách rời" Trung Quốc, nhưng ông Landsbergis chỉ ra rằng, sự "đoạn tuyệt" với Moscow do xung đột ở Ukraine là kiểu nguy cơ mà khối này cần phải sẵn sàng ứng phó nếu xảy ra với Bắc Kinh.

Nhà ngoại giao Lithuania nói: "Ai đó phải đưa ra một khả năng rằng sự tách rời có thể xảy ra, không phải vì chúng ta mong muốn điều đó mà là do tình hình thực tế".

Cũng trong ngày 12/5, Tổng thống Czech Petr Pavel tuyên bố, EU và các nền dân chủ khác cần có lập trường thống nhất và thực tế đối với Trung Quốc vì ngay cả những quốc gia lớn nhất trong khối cũng không thể cư xử bình đẳng được với Bắc Kinh.

Theo ông Pavel, EU đã cố gắng đạt được sự cân bằng giữa quan điểm của 27 quốc gia thành viên và mong muốn duy trì cách tiếp cận đặc biệt của khối này đối với Trung Quốc, đồng thời cũng duy trì quan hệ đối tác gần gũi với Mỹ.

Tuy nhiên, "các mục tiêu chiến lược của Bắc Kinh thực sự không tương thích với các mục tiêu của EU khi các giá trị nền tảng xây dựng nên xã hội Trung Quốc không và sẽ không phải là các giá trị của khối".

Nhà lãnh đạo Czech nhận định, nếu muốn cân bằng quan hệ với Trung Quốc, "EU cần hoạt động theo một cách thống nhất nếu có thể, không chỉ trong khối hay châu Âu, mà còn với tất cả các quốc gia dân chủ trên thế giới".

Chỉ có một EU đoàn kết mới có thể được Bắc Kinh đối xử như một đối tác bình đẳng và EU chỉ có thể thành công trong mối quan hệ với Trung Quốc khi liên minh này đoàn kết.

(theo AFP, Reuters)