Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn chỉ trích quyết định rút khỏi WHO của Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Nguồn: AFP) |
Trên mạng xã hội Twitter, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn cũng cho rằng WHO "cần cải cách" nếu tổ chức này "tạo ra bất kỳ sự bất đồng nào" và "Liên minh châu Âu (EU) phải đóng một vai trò dẫn dắt, cũng như tham gia về mặt tài chính nhiều hơn".
Đây sẽ là một ưu tiên của Berlin khi nắm giữ vai trò Chủ tịch luân phiên của khối từ ngày 1/7 tới.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 29/5 tuyên bố chấm dứt quan hệ của Mỹ với WHO do tổ chức này không nỗ lực đủ để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19 khi mới bùng phát.
Phát biểu với phóng viên tại Vườn Hồng ở Nhà Trắng, Tổng thống Trump nêu rõ: "Vì họ không thể đưa ra những cải tổ cần thiết và được yêu cầu, ngày hôm nay, chúng tôi sẽ chấm dứt quan hệ với WHO". Mỹ sẽ chuyển các khoản tài trợ đó cho các nhu cầu y tế công cộng cấp bách trên toàn cầu khác xứng đáng hơn.
Tổng thống Mỹ cho rằng, các quan chức Trung Quốc đã phớt lờ nghĩa vụ báo cáo với WHO về Covid-19 và gây áp lực cho cơ quan này "đánh lừa thế giới". "Trung Quốc có toàn quyền kiểm soát với WHO mặc dù chỉ đóng góp 40 triệu USD, trong khi Mỹ chi 450 triệu USD một năm".
"Thế giới cần những câu trả lời của Trung Quốc về virus. Chúng ta cần sự minh bạch", ông Trump phát biểu.
Hiện chưa rõ khi nào quyết định của ông Trump có hiệu lực. Nghị quyết năm 1948 của Quốc hội Mỹ về tư cách thành viên WHO viết rằng Mỹ "có quyền rút khỏi tổ chức nếu thông báo trước một năm". Mỹ là thành viên duy nhất có thể rút khỏi WHO một cách hợp pháp - đặc quyền mà Washington đã yêu cầu khi gia nhập tổ chức.
Trong một diễn biến khác, theo báo Politico (Mỹ), trong tuần qua đã diễn ra cuộc điện đàm “tranh cãi” giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Đức Angela Merkel về các vấn đề liên quan đến tuyến đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và quan hệ với Trung Quốc.
Cuối năm 2019, Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc 2, đưa khí đốt từ Nga sang châu Âu. Dù các lệnh trừng phạt của Mỹ bị cả chính quyền Nga và Đức phản đối nhưng do những hạn chế đưa ra, việc xây dựng tuyến đường ống này đã bị dừng lại.
Ngoài ra, chính quyền Đức không ủng hộ quyết định mới đây của Mỹ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở. Trong khi đó, tại Đức cũng nổ ra cuộc tranh luận về sự phù hợp của việc tiếp tục triển khai vũ khí hạt nhân Mỹ ở nước này.