Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. (Nguồn: AFP) |
Ông Mike Pompeo đánh giá, nhiều năm qua, đầu tư của Mỹ đã giúp châu Á vượt qua đói nghèo, phát triển thịnh vượng. Ông cũng chỉ trích hành động của Trung Quốc khi coi Đông Nam Á là “sân sau”.
“Chúng tôi không xây đường sá để phá bỏ chủ quyền quốc gia của nước khác. Chúng tôi không dựng cầu để lấp khoảng trống về lòng trung thành”, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhấn mạnh.
Theo Ngoại trưởng Mỹ, Trung Quốc đang coi khu vực Đông Nam Á là “sân nhà” với những dự án đầu tư về cơ sở hạ tầng khổng lồ nhưng nhiều nước đã lên tiếng chỉ trích bẫy nợ của Trung Quốc, cũng như hành vi cải tạo và quân sự hóa phi pháp các đảo nhân tạo ở Biển Đông. Đồng thời khẳng định, Washington muốn duy trì khu vực Biển Đông cởi mở và tự do, vì đây là một trong những tuyến hàng hải quan trọng nhất thế giới.
Ông Pompeo khẳng định, Mỹ luôn là bạn và là đối tác tin cậy của ASEAN, ủng hộ các nỗ lực của ASEAN đóng góp duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực. Ngoại trưởng Mỹ cũng nhấn mạnh các nước trong khu vực cần có tiếng nói kiên quyết, không nên lảng tránh những vấn đề phức tạp.
Tại cuộc họp với các đối tác ASEAN hôm 1/8, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định Washington không bao giờ ép các nước phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc.
“Hãy nhìn xem, chúng tôi không bao giờ yêu cầu bất kỳ quốc gia Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nào phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc. Trong nhiều thập kỷ, ngoại giao của Mỹ với ASEAN luôn được dẫn dắt bởi mong muốn hợp tác, sự tôn trọng chủ quyền quốc gia và cam kết chung của chúng tôi đối với các quy tắc cơ bản của pháp luật, nhân quyền, tăng trưởng kinh tế bền vững”, ông Mike cho hay.
Tuyên bố của ông Pompeo được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo sẽ áp thuế 10% đối với 300 tỷ USD hàng hóa và sản phẩm nhập khẩu Trung Quốc từ ngày 1/9 dù các cuộc đàm phán nhằm hạ nhiệt căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới được tiếp tục.
Tại cuộc họp với các đối tác ASEAN hôm 1/8, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định Washington không bao giờ gây sức ép để các nước phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc. |
Biển Đông gần đây căng thẳng khi nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở phía Nam Biển Đông.
Trước những động thái ngang ngược của Trung Quốc, ngày 20/7, Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra thông cáo với tiêu đề “Sự áp bức của Trung Quốc với hoạt động dầu khí trên Biển Đông”, nhấn mạnh “hành động lặp đi lặp lại” của Trung Quốc nhằm vào hoạt động phát triển dầu khí ngoài khơi “đe dọa an ninh năng lượng khu vực, đồng thời làm suy yếu thị trường năng lượng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở”.
Ngày 26/7, Hạ nghị sĩ Eliot L.Engel, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ cũng ra tuyên bố về sự can thiệp của Trung Quốc vào vùng biển do Việt Nam kiểm soát. Theo đó nêu rõ, sự hung hăng gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông là một minh chứng đáng lo ngại về việc một quốc gia công khai bỏ qua luật pháp quốc tế.
Theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, các hành động của Trung Quốc là một sự vi phạm chủ quyền của Việt Nam và các quyền hợp pháp của quốc gia này trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ).