Nhỏ Bình thường Lớn

Ngoại trưởng Mỹ thăm Trung Đông: Chuyến đi nhiều mục đích và kỳ vọng đột phá trong vai trò cầu nối của Washington

Là địa bàn hội tụ lợi ích quan trọng của Washington, Trung Đông chuẩn bị có lần thứ 4 đón tiếp Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, cùng với đó là những thông điệp mà ông mang theo.
Ngoại trưởng Mỹ thăm Trung Đông: Chuyến đi nhiều mục đích và kỳ vọng đột phá trong vai trò cầu nối của Washington
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đóng vai trò cầu nối giữa tầm nhìn đối ngoại của Nhà Trắng và triển vọng hòa bình Trung Đông. (Nguồn: AFP)

Đã 12 năm kể từ dấu mốc ban hành chính sách xoay trục - tái cân bằng của cựu Tổng thống Barack Obama, Mỹ vẫn kiên trì xác định Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh số một và châu Á-Thái Bình Dương là nơi hội tụ lợi ích chiến lược.

Song điều đó không có nghĩa Washington bỏ rơi hoàn toàn mục tiêu của mình tại các địa bàn quan trọng khác, đặc biệt là Trung Đông. Do đó, Mỹ vẫn sát sao với tình hình khu vực này và tìm ra giải pháp tốt nhất cho tiến trình hòa bình Trung Đông.

Đây là cơ sở cho chuyến thăm sắp tới của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đến Israel, dự kiến vào ngày 17/10, nhằm thúc đẩy thỏa thuận hòa bình giữa Israel và Saudi Arabia. Vậy chuyến công du này mang hàm ý gì và những thách thức nào đang chờ đợi Washington sắp tới?

Một mũi tên trúng nhiều đích

Đây sẽ là chuyến thăm thứ tư của ông Blinken tới Israel kể từ khi nhậm chức vào tháng 1/2021. Ngoại trưởng Mỹ có lần công du đầu tiên tới Israel hồi tháng 5/2021, gặp mặt Thủ tướng Benjamin Netanyahu ở Jerusalem và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas ở bờ Tây.

Đến tháng 3/2022, theo lời mời của Ngoại trưởng Israel Yair Lapid, ông Blinken trở lại quốc gia Trung Đông này để tham dự Hội nghị thượng đỉnh Negev của Ngoại trưởng 6 nước Israel, Mỹ, Bahrain, UAE, Ai Cập và Morocco nhằm tạo khuôn khổ hợp tác khu vực. Lần gần nhất ông Blinken công du tới Israel là vào tháng 1/2023.

Tin liên quan
Chủ tịch lâm thời Hạ viện Mỹ: Chuyên ngành lịch sử, khởi nghiệp từ truyền thông và một lối đi riêng Chủ tịch lâm thời Hạ viện Mỹ: Chuyên ngành lịch sử, khởi nghiệp từ truyền thông và một lối đi riêng

Thông qua hàng loạt chuyến thăm, Washington muốn xây dựng và thúc đẩy mạng lưới quan hệ với các nước Trung Đông với ba mục đích chính, bao gồm kiềm chế Iran, hàn gắn chia rẽ lịch sử giữa Israel và Palestine, giảm bớt ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.

Điều kiện để Mỹ hoàn thành các mục tiêu trên nằm ở việc trở thành bên trung gian thúc đẩy tiến trình bình thường hóa quan hệ Israel-Saudi Arabia và qua đó, nâng tầm ảnh hưởng của chính sách đối ngoại Mỹ với khu vực.

Nếu Mỹ hoàn thành vai trò và giúp quan hệ Israel-Saudi Arabia đạt kết quả tốt đẹp, các nước Arab khác sẽ có thêm động lực để thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel và góp phần vào tiến trình hòa bình Trung Đông.

Chông gai chờ đợi

Cùng với nỗ lực từ Mỹ, cả Israel và Saudi Arabia đang tích cực xây dựng nền móng cho hiệp ước hòa bình lịch sử. Song để đạt được điều đó, các nước cần vượt qua một số rào cản nhất định.

Thứ nhất, các bên chưa tìm được tiếng nói chung về vấn đề lãnh thổ. Trước khi tiến đến bình thường hóa, Riyadh muốn Israel nhượng bộ Palestine trên phương diện lãnh thổ, vốn là một vấn đề vấp phải làn sóng phản đối từ phe cánh hữu của Israel. Thậm chí, nội bộ chính quyền Mỹ cũng không nhất trí với ý kiến từ phía Saudi Arabia về việc Israel từ bỏ đất đai.

Theo tờ Al-Monitor, Riyadh đề xuất rằng Israel nên chuyển đất ở khu C do mình quản lý sang khu B - khu vực nằm dưới quyền kiểm soát của cả Israel và Palestine. Một kiến nghị khác là Israel ngừng xây dựng và mở rộng khu định cư ở bờ Tây, vốn là nơi Israel chiếm cứ được trong cuộc đụng độ kéo dài 6 ngày vào năm 1967.

Thứ hai, Saudi Arabia và Mỹ gặp khó trong vấn đề hợp tác quốc phòng. Một trong những điều kiện để Riyadh chấp nhận vai trò trung gian của Mỹ là Washington hỗ trợ Riyadh phát triển chương trình hạt nhân và ký kết hiệp ước phòng thủ chung. Tuy vậy, đề nghị này khiến Nhà Trắng chần chừ bởi nó có thể khuyến khích các nước khác phát triển chương trình tương tự và gia tăng nguy cơ chạy đua vũ trang hạt nhân.

Dù hiện diện nhiều thách thức, song nỗ lực hòa giải giữa Saudi Arabia và Israel ghi nhận nhiều tiến triển mới. Từ ngày 26/9-3/10, Israel đã phái hai Bộ trưởng tới Riyadh và gần đây, ông Netanyahu còn tuyên bố rằng, Israel đang đến rất gần với một hiệp ước lịch sử cùng Saudi Arabia.

Hai thập kỷ sáng kiến

Chuyến thăm của ông Blinken là sự tiếp nối những nỗ lực của Mỹ đối với tiến trình hòa bình Trung Đông. Thời điểm tháng 3/2020 chứng kiến một bước đột phá quan trọng trong chặng đường hòa giải quan hệ giữa Israel và các nước Arab. Dưới vai trò trung gian của Mỹ, ba nước Israel, UAE, Bahrain đã ký kết hiệp định Abraham, góp phần khép lại những bất đồng lịch sử và mở ra triển vọng hòa bình cho khu vực.

Ngoại trưởng Mỹ thăm Trung Đông: Chuyến đi nhiều mục đích và kỳ vọng đột phá trong vai trò cầu nối của Washington

Một trong những mục tiêu của Mỹ trong Hội nghị thượng đỉnh Negev 2022 là trấn an các đồng minh trong khu vực về vấn đề hạt nhân Iran. (Nguồn: Arab Center Washington DC)

Kể từ thời điểm hiệp định Abraham đi vào hoạt động, hợp tác giữa các bên cho thấy dấu hiệu tiến bộ, đặc biệt là trên lĩnh vực thương mại. Trên đà đó, Israel tiếp tục đề xuất cơ chế hợp tác mới và tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Negev lần đầu tiên vào tháng 3/2022.

Tại đây, Ngoại trưởng 6 nước Mỹ, Bahrain, Israel, UAE, Morocco và Ai Cập đã gặp mặt để thảo luận về tiềm năng hợp tác an ninh-kinh tế, đặc biệt là thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông. Các bên mong muốn mâu thuẫn Israel-Palestine sẽ khép lại và đưa Hội nghị này trở thành diễn đàn thường xuyên, với hàm ý hình thành một liên minh khu vực.

Bên cạnh vai trò cầu nối của Mỹ đối với hiệp định Abraham, Saudi Arabia cũng từng nhiều lần thúc đẩy sáng kiến hòa bình của riêng mình. Năm 2002, cố Quốc vương Saudi Arabia Abdullah đã đề xuất sáng kiến hòa bình Arab, trong đó nêu rằng các nước Arab sẽ bình thường hóa quan hệ với Israel, với điều kiện nước này rút hoàn toàn khỏi vùng lãnh thổ mà họ chiếm đóng được vào năm 1967.

Sáng kiến này được thừa kế vào năm 2007 tại Hội nghị thượng đỉnh Arab Riyadh. Khi đó, các nước Arab tin rằng hòa bình là một lựa chọn chiến lược và tất cả các nước Arab và Hồi giáo sẵn sàng bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Israel, nếu như nước này nhất trí với quan điểm thành lập nhà nước Palestine.

Như vậy, với lần thứ 4 công du tới Israel, Ngoại trưởng Blinken mang trọng trách phát huy vai trò trung gian của Mỹ đối với tiến trình hòa bình Trung Đông, khép lại mâu thuẫn lịch sử giữa Israel và thế giới Arab. Sở dĩ đây không phải một mục tiêu dễ dàng là bởi các bên có lập trường đối nghịch về vấn đề nhượng bộ lãnh thổ của Israel, cũng như chương trình hạt nhân của Saudi Arabia.

Dù đối diện nhiều rào cản, các nước vẫn nỗ lực đề xuất nhiều sáng kiến thúc đẩy nền hòa bình khu vực trong vòng 2 thập kỷ qua. Hiệp định Abraham giữa Israel, UAE, Bahrain dưới vai trò trung gian của Mỹ đã mở ra cơ chế hợp tác mới giữa các bên trong Hội nghị thượng đỉnh Negev. Những nỗ lực này phần nào phát huy tinh thần sáng kiến hòa bình của Saudi Arabia vào các năm 2002 và 2007.

Đối đầu lưỡng đảng Mỹ và giờ khắc 0h01 của Nhà Trắng

Đối đầu lưỡng đảng Mỹ và giờ khắc 0h01 của Nhà Trắng

Trong bối cảnh Hạ viện Mỹ chưa tìm được tiếng nói chung về dự luật ngân sách, Nhà Trắng chỉ còn chưa đầy 1 ngày ...

Israel và Mỹ tái khởi động các chuyến thăm cấp cao

Israel và Mỹ tái khởi động các chuyến thăm cấp cao

Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant sẽ thăm Washington vào tháng này và dự kiến gặp người đồng cấp cùng các quan chức cấp ...

Mỹ thừa nhận một điều liên quan đến giá trần dầu Nga, tuyên bố đã sẵn sàng hành động

Mỹ thừa nhận một điều liên quan đến giá trần dầu Nga, tuyên bố đã sẵn sàng hành động

Mới đây, hãng tin Bloomberg đăng tải bài viết cho hay, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen thừa nhận, việc áp đặt trần giá ...

Mỹ muốn tránh đối đầu trực tiếp với Nga, chặn các khoản viện trợ mới cho Kiev

Mỹ muốn tránh đối đầu trực tiếp với Nga, chặn các khoản viện trợ mới cho Kiev

Ngày 2/10, phát biểu tại một trường đại học tại Mỹ, Ngoại trưởng Antony Blinken khẳng định kể từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng ...

(theo Al-Monitor, CIE)