Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba. (Nguồn: Getty Imagesa) |
Trong cuộc họp báo với Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell, ông Kuleba nói rằng “mọi thứ rất khó hiểu”, đồng thời khẳng định Kiev đang phối hợp với phía Washington và nỗ lực để đảm bảo quyết định phê duyệt gói viện trợ mới của Mỹ được đưa ra càng sớm càng tốt.
Người đứng đầu ngành ngoại giao Ukraine cũng kêu gọi EU thực hiện "các bước đi khẩn cấp" để tăng cường giao đạn pháo, loại đạn mà Kiev cho rằng đang rất cần để bảo vệ tiền tuyến.
Kỳ vọng liên minh sẽ nới lỏng quy định và ký “các hợp đồng dài hạn” với các công ty quốc phòng để thúc đẩy sản xuất đạn pháo, Ngoại trưởng Kuleba nêu rõ: “Nếu ngài hỏi một người lính ở mặt trận điều anh ta cần nhất bây giờ thì câu trả lời sẽ là đạn pháo”.
Các nhà lãnh đạo EU đã vượt qua sự phản đối từ Hungary để đồng ý gói viện trợ trị giá 50 tỷ Euro, tương đương khoảng 54 tỷ USD cho Ukraine vào tuần trước, nhưng sự hỗ trợ từ Washington vẫn còn bị nghi ngờ do sự phản đối của đảng Cộng hòa.
Về phía Mỹ, theo AFP, cùng ngày 7/2, Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan tuyên bố, nước này có thể và sẽ cung cấp thêm viện trợ quân sự cho Kiev.
Trong buổi họp báo cùng Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg, ông Sullivan cho biết, không có lựa chọn nào khác ngoài việc Mỹ cần tăng cường tham gia và cung cấp các nguồn lực cần thiết về pháo binh, hệ thống phòng không và các khả năng khác mà Ukraine cần.
Khẳng định thời gian rất gấp rút, ông Sullivan tin rằng Mỹ vẫn có thể thực hiện được điều này.
Trong diễn biến liên quan, tại Nga, Hội đồng Liên bang (Thượng viện) đã thông qua thông cáo chính thức phản đối việc các nước phương Tây tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine.
Thông cáo nêu rõ rằng, các nhóm vũ trang Ukraine sử dụng chính những vũ khí được NATO và các nước thành viên EU cung cấp, trong đó có Mỹ, Đức, Anh, Pháp, Czech và các nước khác, để thực hiện các cuộc tấn công.