📞

Ngọc Hoàng bàn thế sự

06:00 | 27/01/2017
Năm nay Trẫm không vào facebook nữa bởi có kẻ mát mẻ rằng chỉ có rỗi hơi mới chơi trò này. Ta cũng không tin mấy ở giới truyền thông bởi họ cứ khẳng định rằng ông Donald Trump gì đó sẽ thất cử làm ta bị hố to.

Nói thế không phải là vơ đũa cả nắm vì vẫn còn hàng trăm tờ báo đã phản ánh tình hình rất trung thực. Hơn nữa, ta vẫn là chỗ thân tình với Bút Trúc nên ta quyết định lại vi hành và kết hợp tham gia truyền hình trực tiếp.

Nhiều ý kiến cho rằng năm con Khỉ là “năm kinh khủng”. Có lẽ cũng không ngoa chút nào. Vừa đọc bài “Sẽ không có Brexit” của Bút Trúc được 1 tuần,  ta biết tin cử tri Anh quốc đã quyết ly dị sau 43 năm chung sống với Liên minh châu Âu. Rõ ràng là cuộc bỏ phiếu này thể hiện sự nổi dậy của người dân Anh và trở nên phổ biến ở phương Tây. Có lẽ, toàn cầu hóa làm gia tăng sự bất bình đẳng và tạo ra sự chia rẽ ngay trong lòng xã hội phương Tây. Cũng chính cơn phẫn nộ đó là nguyên nhân dẫn đến thắng lợi của tỷ phú Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi tháng 11/2016. Một sự kiện gây bất ngờ không kém là việc Rodrigo Duterte có xu hướng dân túy đã đắc cử Tổng thống Philippines dẫn đến việc định hướng lại chính sách đối ngoại của Manila. Rồi còn nhiều bất ngờ khác nữa như tình hình Trung Đông chẳng hạn…

Kinh tế thế giới năm qua cũng xấu đi đáng kể, giá dầu vẫn giảm, nhiều ngân hàng vẫn chìm trong thua lỗ, quá trình toàn cầu hóa đang thụt lùi… Điều bất ngờ ở đây là kinh tế nước Nam vẫn có tốc độ tăng trưởng gấp đôi mức bình quân của thiên hạ cho dù thiên tai dồn dập, nạn ô nhiễm môi trường đến mức báo động đỏ. Điểm sáng nữa là lạm phát vẫn ở mức thấp, xuất khẩu vẫn tăng, có thêm 110.000 doanh nghiệp chào đời. Suýt nữa ta trúng số độc đắc là khách du lịch nước ngoài thứ 10 triệu đến Việt Nam trong năm 2016.

Là “fan ruột” của nước Nam, ta vốn quen phản biện. Ta đã dị ứng với các báo cáo rập khuôn hàng năm của Bút Trúc, hình như copy từ trước chỉ đổi tháng thay năm. Ta đã cảnh báo ít nhất 5 lần rằng chớ có thu hút FDI, ODA bằng mọi giá. Cứ thử tính xem có bao dự án ngàn tỉ đang nằm đắp chiếu, có bao nhiêu dự án nhận về chỉ toàn công nghệ lạc hậu tới 50 năm đang quần quật xả thải vào Việt Nam. Kẻ thì bảo không làm thép thì ngu, đứa khác lại bảo muốn có thép thì đừng ăn cá. Ngoài thảm họa cá chết dọc bờ biển các tỉnh miền Trung do nguồn thải nhiễm độc của nhà máy Formosa gây ra, các hệ thống sông hồ ở những thành phố lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cũng chứng kiến cảnh cá chết hàng loạt.

Ngoài ô nhiễm nguồn nước, tình trạng ô nhiễm không khí ở Việt Nam cũng đã lên đến mức báo động. Đây đang là mối lo đối với những người nước ngoài muốn đến sinh sống và làm việc tại nước này. Đó là chưa kể thực phẩm bẩn là con đường ngắn nhất dẫn người ta ra nghĩa địa. Thiên Lôi nói với ta rằng nguyên nhân chính của vấn đề này nằm ở sự yếu kém trong quản lý và thực thi luật pháp.

Tốc độ tăng trưởng vẫn là con số tạm được nhưng cái mà người ta theo đuổi phải là phát triển bền vững. Cứ bám vào giá nhân công rẻ và bán tháo tài nguyên thì đến thế kỷ sau cũng chưa hẳn thoát khỏi cái bẫy đói nghèo và lạc hậu. Mục tiêu công nghiệp hóa còn xa vời thế mà nạn ô nhiễm môi trường đã là thảm họa, giao thông đi lại thì ách tắc. Nguy kịch nhất là nông nghiệp Việt Nam không được cải cách mà ngày nay nông dân, tức là 60% dân số toàn quốc, còn là nạn nhân đầu tiên của hiện tượng công nghiệp hóa nửa vời với môi trường sinh sống bị ô nhiễm nặng. Ta mừng là lãnh đạo nước Nam đang chuyển từ chính quyền cai quản sang chính quyền phục vụ người dân. Phong trào khởi nghiệp đang phát triển mạnh, nông nghiệp công nghệ cao đang được quan tâm. Thế nhưng ta khuyên trước, chớ có đổ xô theo phong trào bằng mọi giá! 

Năm con Khỉ là năm Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vừa tròn một tuổi. Mới ở sân chơi khu vực thôi nhưng nhiều kỳ vọng chưa được thỏa mãn. Có tới 75% doanh nghiệp không quan tâm tới cộng đồng kinh tế này. Nghịch lý là kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nước trong AEC năm 2016 sụt hơn 8% so với năm ngoái. Việt Nam lại trở thành nhà nhập khẩu lớn của ASEAN. Các đại gia của Thái Lan đang nắm dần những ngành then chốt của nước Nam. Hơn 20 năm có mặt tại đây, người Thái đã âm thầm thâu tóm những BigC, Metro, Nguyễn Kim... và sắp tới là Vinamilk.

Cũng như nhiều nước, Việt Nam đã kỳ vọng nhiều vào TPP nhưng kết cục thế nào thì ai cũng rõ. Theo ta, TPP nếu được thông qua sẽ cần nhiều thời gian, dứt khoát có tác động đến kinh tế Việt Nam trong nhiều mặt, kể cả thể chế, phát triển doanh nghiệp bởi độ mở của kinh tế Việt Nam gấp 4 lần Trung Quốc. Không còn TPP nữa, hàng loạt luật phải thay đổi lại bị “đóng băng” trở lại. Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị đánh thuế, nhiều vụ kiện tụng sẽ xuất hiện. Chính phủ kêu gọi đất nước khởi nghiệp, nhưng lại chưa có chính sách cụ thể để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, tỷ lệ doanh nghiệp phi sản xuất quá lớn. Việc Mỹ rút khỏi hiệp định TPP sẽ tạo sức ép rất lớn đến quan hệ  với Việt Nam. Khi TPP dừng lại, vai trò Trung Quốc lại trở thành trung tâm, nếu chúng ta không chủ động sẽ lún sâu vào việc ngày càng phụ thuộc hơn vào kinh tế nước này. Trong tình thế đó phải quan tâm nhiều hơn đến thị trường trong nước, đổi mới và sáng tạo để chọn đường đi riêng…

Tại buổi truyền hình trực tiếp, ta lại nghe thêm nhiều điều nghịch lý, đại loại như là giữa nội thành chật chội, nhiều khu đất vàng lại thành chung cư cao đến 50 tầng mà cũng không rõ lỗi tại ai. Có tin năng suất lao động của 1 người Singapore bằng 23 người Việt. Tính từ 1975, số người nhận lương từ ngân sách tăng tới 6,5 lần với hơn 6,5 triệu (đấy là chưa tính biên chế của lực lượng vũ trang). Nghe đâu lại dự kiến tăng tuổi nghỉ hưu, tức là lại mâu thuẫn với chủ trương giảm biên chế. Đó là chưa kể nạn lạm phát cán bộ lãnh đạo thì không nước nào theo kịp. Việc bổ nhiệm người nhà thay người tài đã phổ biến từ thành thị đến tận vùng sâu vùng xa. Có sở 46 người mà chỉ có 4 nhân viên, có kẻ 26 tuổi đã là cấp Vụ mặc dù đang đi học. Còn nhiều chuyện tréo ngoe khác nhưng người ta thản nhiên bảo đúng qui trình.

Thật tai hại, nhóm từ “đúng qui trình” chẳng có tội gì, nhưng nay nghe qua, người ta lại nực cười và chua chát. Cơ chế và qui trình là sản phẩm do con người làm ra, nên khi nào không còn phù hợp thì phải sửa, nó mới có cơ tồn tại. Ta đã nói ý này với Bút Trúc nhưng hắn bảo: “Chuyện này đã có cấp trên / Cớ gì Ngài phải lo đêm, lo ngày”. Thật là đồ vô trách nhiệm!

Thấy ta giận, Bút Trúc vội lảng sang chuyện khác: Năm con Khỉ, Ngọc Hoàng từng phán: “Mùa Xuân con khỉ đánh đu / Kẻ nào tham nhũng bỏ tù mọt gông…” thực tế quả đúng vậy. Tuy nhiên bầy sâu này còn nhiều lắm mà nó lại biến tướng sang dạng tham ô quyền lực, câu kết thành từng nhóm lợi ích như hội chứng củ khoai tây. Còn như cách nay vừa một giáp, nhằm đúng năm Gà, Ngài từng than: “Cúm chim báo hại năm Gà…” Vậy năm nay liệu có nan y gì không ạ? Ngài có tác phẩm gì mới không? Ngọc Hoàng chỉ trầm ngâm: Để tránh vấn nạn “Mẹ hát, con khen hay”, chỉ mấy câu vè mà các khanh đưa ta lên mây, năm nay ta mượn thơ người khác. Dân gian họ kháo nhau rằng:

Kiếp sau xin chớ làm người

Làm con gà sống giữa đời tự do

Sáng sáng thì gáy o…o

Cả ngày theo mái chẳng lo ưu phiền…

 

Còn chúc tụng ư? Tạm thế này nhé:

Đinh Dậu Gà gáy tẻ tè te…

Đường rộng chớ leo hé hẻ hè,

Thành tựu thật cao von vót vót,

Mừng công, nhiều dịp khỏe khòe khoe…

 Nó trục trặc như cóc gặm vì ta nhái thơ “vĩ tam thanh” của các cụ. Còn chúc riêng Bút Trúc, ta mượn câu của một đại gia, rằng: “Sáu mươi là tuổi dậy thì…”. Ta chúc các khanh yêu quí: “Năm mới, nói đi đôi với làm, đừng theo kiểu gà què ăn quẩn cối xay”.