Bức ảnh Đại tá Nguyễn Xuân Mai (người thứ hai, từ phải) chụp cùng Bác Hồ, tháng 1/1969. (Ảnh: NVCC) |
Sinh năm 1935, Đại tá Nguyễn Xuân Mai quê gốc ở làng Văn Hội, xã Văn Bình, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây (nay thuộc Hà Nội). Cha mẹ là công nhân Nhà máy diêm. Khi còn nhỏ, gia đình ông sống ở khu dành cho công nhân và người lao động nghèo. Tuy nhiên, ông vẫn được bố mẹ cho đi học ở trường của người Pháp.
Năm 1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, cha mẹ mất, ông về sống với bác ruột ở Hưng Yên, trong vùng địch tạm chiếm. Chứng kiến hành động tàn bạo của quân xâm lược, ông xung phong nhập ngũ, trở thành người lính cụ Hồ.
Những ngày vui ở mặt trận
Đại tá Nguyễn Xuân Mai kể: “Lúc ấy, tôi chưa đến 17 tuổi và chỉ nặng 44kg. Để được đi bộ đội, tôi đã khai tăng tuổi và vào một cửa hàng lò rèn ở chợ xin mấy cục sắt để giấu trong người. Thế là được ngót 45kg theo đúng tiêu chuẩn nhập ngũ”.
Tham gia đơn vị phòng không trợ chiến của Đại đoàn 316 (Đại đoàn Bộ binh 316), khi ấy, ông Mai là chiến sĩ thuộc loại trẻ nhất, thường được cử tham gia biểu diễn văn nghệ. Không chỉ chiến đấu cùng các đồng đội qua các chiến dịch Thượng Lào, Tây Bắc, Điện Biên Phủ, ông còn được giao phụ trách làm “báo liếp” của đại đội - kỷ niệm khó quên ở
mặt trận. Đó là loại báo được dán trên các tấm liếp đan ở sân các lán trại của đại đội. Cấp trên động viên anh em trong đơn vị sáng tạo nội dung cho báo với nhiều thể loại: thơ ca, hò vè, chủ đề về kháng chiến, quân đội... Ngoài ra, ông được cử làm đội trưởng đội văn nghệ, làm công tác tư tưởng cho anh em yên tâm chiến đấu tại chiến dịch Tây Bắc.
Thời gian sau, tại chiến dịch Điện Biên Phủ, trong trận đánh ở bản Tà Lèng đến Khe Chít, gần cứ điểm Him Lam vào ngày 6/2/1954, Đại đội ông đã bắn rơi tại chỗ chiếc máy bay đầu tiên ở Điện Biên Phủ. Mừng chiến công, ông lại cùng đồng đội làm “báo hầm” - báo viết trong hầm của đại đội với bài “Tết bánh chưng chay, chiến công đậm” được đại đội hoan nghênh. Sau này, “báo hầm” của họ được nhiều người biết đến và nổi tiếng, trở thành món ăn tinh thần quan trọng cho chiến sĩ của đơn vị ở mặt trận Điện Biên Phủ.
Giải phóng Điện Biên, Đại tá Nguyễn Xuân Mai trở về Hà Nội vào năm 1955. Do có năng khiếu làm báo nên ông được đơn vị cử đi học làm báo và tốt nghiệp Trường Đảng Trung ương Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh). Thời gian sau đó, ông được phân công về tòa soạn báo Phòng không - Không quân và làm lính trên mặt trận mới là phóng viên chiến trường.
Những cơ duyên gặp Bác Hồ
Có lẽ, không phải ai cũng có cơ duyên được nhiều lần gặp Bác Hồ như Đại tá Nguyễn Xuân Mai. Chính nhờ công việc của một phóng viên chiến trường mà ông có vinh dự được tiếp xúc, ghi lại mọi khoảnh khắc cũng như lưu giữ những bức ảnh quý về Người.
Mỗi lần gặp Bác là một kỷ niệm khó quên với vị Đại tá đã ngót 90 tuổi, chúng trở về như những thước phim quay chậm.
Lần đầu tiên vào năm 1961 khi Bác đến thăm Trung đoàn 230, lúc đó lấy bí danh là Đoàn Thống Nhất với ý nghĩa đại đội này được thành lập toàn là chiến sĩ miền Nam ra Bắc tập kết và có nhiều thành tích trong huấn luyện. Hôm đó, chưa có máy ảnh nên ông không chụp được hình ảnh Bác mà chỉ ghi âm. Khi vào trận địa, xem nơi ở, bếp ăn và nói chuyện với các chiến sĩ, ông vẫn nhớ mãi Bác căn dặn các chiến sĩ phải đoàn kết, yêu thương nhau như anh em một nhà, nêu cao tinh thần chiến đấu và ở với dân phải giúp đỡ nhân dân…
Còn lần gặp vào năm 1965, khi Bác đến thăm các chiến sĩ tại trận địa pháo cao xạ trong sân bay Bạch Mai là lần đầu tiên ông được chụp ảnh Bác. Cho đến tận giờ, ông vẫn tiếc vì khi đó được giao nhiệm vụ gấp, chỉ kịp cầm theo hai cuộn phim, một trong số đó đang chụp dở chỉ còn bốn kiểu.
Lần thứ hai ông chụp ảnh Bác vào tháng 4/1966 khi Người đến tận nơi xem xác chiếc máy bay không người lái bị ta bắn rơi từ độ cao 18 km, được đưa về phòng khoa học quân sự của quân chủng để nghiên cứu.
Theo Đại tá Nguyễn Xuân Mai, vào năm 1966, Mỹ đã đưa B-52 vào chiến trường miền Nam, cho nên từ rất sớm Bác đã suy nghĩ đến việc đánh máy bay B-52.
Ông còn nhớ rõ lời dạy của Bác với các chiến sĩ: “Các chú muốn bắt được cọp phải vào tận hang”. Thực hiện lời dạy ấy, Trung đoàn tên lửa 238 được lệnh lên đường vào “chảo lửa” Vĩnh Linh để tìm cách đánh B-52. Ngày 17/9/1967, tại trận địa Nông trường Quyết Thắng, Tiểu đoàn 84 đã hạ gục chiếc B-52 đầu tiên trên chiến trường Việt Nam.
Tự hào vì sở hữu nhiều bức ảnh quý về Bác, Đại tá Nguyễn Xuân Mai ưng ý nhất lần tác nghiệp Bác Hồ đến ăn Tết cùng với các chiến sĩ vào sáng mùng Một Tết Đinh Mùi năm 1967 ở sân bay Nội Bài. Ông nhớ lúc đó vào sáng sớm, trời mưa và khá lạnh, Bác đến nơi thì các chiến sĩ đã tập hợp thành đội hình với đội mũ sắt, mặc áo sơ mi và một áo trấn thủ cộc tay. Thấy vậy, Bác kiểm tra trong ngực áo của một chiến sĩ xem mặc có đủ ấm không, rồi Bác hỏi: “Chú mặc thế này có rét không?”.
Ảnh chụp Bác Hồ vào mùng Một Tết năm 1969 đến gặp một đơn vị phòng không - không quân. (Ảnh: NVCC) |
Ông còn được gặp Bác Hồ vào mùng Một Tết năm 1969, khi Bác đến gặp một đơn vị phòng không - không quân. Ngày hôm đó, ông nhận nhiệm vụ ghi âm những lời Bác nói và viết thành bài.
Chiếc máy này sau đó được dùng để ghi âm nhiều sự kiện như các đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp đến động viên bộ đội trên trận địa tên lửa… Hiện chiếc máy được ông tặng lại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Điều đặc biệt, trong lần cuối cùng được gặp Bác Hồ, Đại tá Nguyễn Xuân Mai đã được chụp ảnh cùng với Bác.
Thời gian sau này tuy không còn cơ hội nào được gặp Bác nữa nhưng những kỷ niệm đó luôn là động lực và niềm khích lệ giúp ông thực hiện tốt nhiệm vụ công tác từ trận chiến Điện Biên Phủ trên không năm 1972 cho đến Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước năm 1975.
Đại tá Nguyễn Xuân Mai chia sẻ về lịch sử tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. (Ảnh: Hà Anh) |
Giữ mãi phẩm chất người lính
Kết thúc kháng chiến chống Mỹ, Đại tá Nguyễn Xuân Mai được đề bạt làm Phó phòng tuyên huấn của Quân chủng Phòng không-Không quân kiêm Tổng biên tập báo Phòng không-Không quân. Đến năm 1990, ông nghỉ hưu và đến năm 2004, trở thành Tổng biên tập báo Cựu chiến binh Việt Nam.
Đến năm 2005, khi đã 70 tuổi, ông nghỉ hưu nhưng vẫn tham gia viết bài cộng tác với nhiều báo khác nhau và có nhiều bài viết với tư cách là nhân chứng lịch sử. Học tập ở Bác đức tính giản dị, gần gũi và quan tâm mọi người, Đại tá Nguyễn Mai Xuân luôn sống gương mẫu, được gia đình và bạn bè quý trọng.
Hiện những bức ảnh chụp về Bác Hồ được ông lưu giữ rất cẩn thận và giới thiệu với những ai quan tâm. Đặc biệt, mỗi khi được hỏi về lịch sử, những trận chiến và những kỷ niệm về Bác Hồ, vị Đại tá ngót 90 tuổi lại say sưa chia sẻ với niềm tự hào vô bờ bến...
| Đơn giản là người Việt Nam làm tròn bổn phận với đất nước... Tham gia phục vụ về công tác thông tin, tuyên truyền của Phái đoàn Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt ... |
| 50 năm Hiệp định Paris: Những ý nghĩa lịch sử 50 năm trôi qua kể từ khi Hiệp định Paris được ký kết, việc bàn về những bài học rút ra từ thỏa thuận lịch ... |
| Tổ chức lễ hội đua ghe Ngo mừng Ngày Giải phóng miền Nam Không thuần túy là một cuộc thi thể thao, đua ghe Ngo còn là một lễ hội truyền thống đặc trưng của đồng bào Khmer ... |
| Ngày 30/4: Nỗi day dứt của anh Bộ đội Cụ Hồ trên trận tuyến mới... Ngày 30/4 với Đại tá Nguyễn Hùng Phong có rất nhiều cảm xúc. Ông từng nghĩ, nếu sống sót qua chiến tranh, ông sẽ mang ... |
| Trưng bày ‘Chung một con đường’ mừng Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước Giới thiệu gần 200 tài liệu, hiện vật tiêu biểu, trưng bày làm nổi bật vai trò của Tổng Hành dinh Quân đội Nhân dân ... |