Thực trạng của người béo phì
Sau khi bị sa thải khỏi công ty cung cấp dịch vụ truyền hình cáp Comcast, Shavonne Patrice Owens nghĩ rằng cuối cùng cô cũng kiếm được một công việc mới vào năm ngoái tại một trung tâm chăm sóc trẻ em ở Huntsville, bang Alabama do một người bạn giới thiệu. Tuy nhiên, thay vì báo kết quả trực tiếp cho Shavonne, trung tâm lại gọi cho người bạn kia và nói rằng họ không thể nhận Shavonne vì cô ấy có thân hình quá khổ. Sharonne bức xúc cho biết, cô đã từng có kinh nghiệm làm việc tại một trung tâm chăm sóc trẻ em như thế trước đây và bản thân cô có đủ điều kiện để đảm nhận công việc này. Trước đó, Shavonne đã thuyết phục nhà tuyển dụng rằng với chiều cao hơn 182cm và nặng hơn 227kg, cô vẫn có thể dễ dàng vận động và tương tác với các bé tại trung tâm.
Mặc dù có đủ điều kiện nhưng người béo phì vẫn khó có đươc việc làm. (Nguồn: BBC) |
Tình trạng phân biệt đối xử những người béo phì cũng như giới tính, tuổi tác, chủng tộc, sắc tộc, xu hướng tình dục, tôn giáo hoặc những khiếm khuyết của cơ thể ngày càng được nhiều nước coi là hành vi phạm pháp. Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp vẫn từ chối tuyển dụng hoặc sa thải những người béo phì.
Nhà tuyển dụng thường đánh giá sai năng lực của những người béo phì và phán đoán rằng họ không thể xử lý các công việc khó khăn hoặc làm việc trong thời gian dài mà không cảm thấy mệt mỏi. Tuy nhiên, một số những người thừa cân thực sự khỏe mạnh và có sức bền cao hơn chúng ta nghĩ. Giáo sư Abigail Saguy, nhà xã hội học tại Đại học California ở Los Angeles và là tác giả của cuốn sách "What’s Wrong with Fat" (tạm dịch: Béo thì có gì sai?) đưa ra quan điểm như sau: chúng ta cần phải đánh giá khách quan từng cá nhân và không nên có thành kiến với người béo rằng vì thân hình to lớn nên họ không thể làm một số việc liên quan đến thể chất. Thực tế nhiều người to xác nhưng trông họ rất gọn gàng; hoặc vẫn có những trường hợp được liệt kê vào nhóm béo phì, nhưng sức bền của họ chẳng kém những vận động viên chạy marathon.
Một số người tuy béo nhưng dẻo dai hơn chúng ta tưởng. (Nguồn: BBC) |
Phó giáo sư Enrica Ruggs đã tiến hành một nghiên cứu để xác định xem những người béo phì sẽ gặp những tình huống phân biệt đối xử ra sao khi đóng vai một người đi xin việc hoặc khách hàng tại các cửa hàng bán lẻ. Trước tiên, ông cho một người có cân nặng bình thường đi đến các cửa hàng với bộ dạng thật sự của anh ta, sau đó đi đến những cửa hàng khác với vẻ ngoài hóa trang giống như một người thừa cân. Kết quả thu được cho thấy người thừa cân gặp phải sự phân biệt đối xử ở phạm vi giữa các cá nhân với nhau. Đối với những ứng viên có thân hình quá khổ, người phỏng vấn thường ít mỉm cười với họ, hạn chế nhìn vào mắt người đối diện, cũng như giữ khoảng cách nhất định và cố gắng kết thúc buổi phỏng vấn nhanh chóng hơn so với những người có cân nặng bình thường.
Trở ngại đối với phụ nữ
Một số nghiên cứu cho thấy rằng phụ nữ béo phì gặp phải sự kỳ thị nhiều hơn nam giới. Các nhà khoa học tại Đại học Exeter đã phát hiện những bằng chứng cho thấy phụ nữ thừa cân đánh mất nhiều cơ hội trong cuộc sống, bao gồm cả việc thu nhập thấp hơn. Các chuyên gia đã nghiên cứu hơn 70 biến thể gen có liên quan với chỉ số khối lượng cơ thể, sử dụng dữ liệu từ kết quả nghiên cứu trên 120.000 người trong độ tuổi từ 40 đến 70 tại Vương Quốc Anh.
Tim Frayling, giáo sư về di truyền con người, cho biết biến thể di truyền chẳng những khiến cho phụ nữ trở nên béo hơn, mà đồng thời cũng khiến cho cô ấy kiếm ít tiền đi. Dựa theo nghiên cứu này và làm phép so sánh giữa hai người có chiều cao tương đương cho thấy, mỗi năm những phụ nữ béo chỉ kiếm được khoảng 1.500 Bảng Anh ít hơn một người có thân mình mảnh mai bình thường. Ngay cả khi phụ nữ béo phì có được công việc liên quan đến lĩnh vực chăm sóc khách hàng, họ vẫn kiếm được ít hơn so với những phụ nữ khác.
Theo một nghiên cứu của Jennifer Bennett Shinall, phó giáo sư luật tại Đại học Vanderbilt (Mỹ), so với phụ nữ có cân nặng bình thường, những phụ nữ thừa cân thường đảm nhận những công việc lao động chân tay, chẳng hạn như chăm lo sức khỏe cho cả gia đình, nấu nướng và chăm sóc trẻ em, và ít có cơ hội nắm giữ các chức vụ có liên quan đến lĩnh vực tiếp xúc với cộng đồng... Nguyên nhân một phần vì công việc tay chân có xu hướng trả lương ít hơn những ngành nghề khác. Tuy nhiên ngay cả những phụ nữ thừa cân không làm công việc chân tay, họ vẫn kiếm tiền ít hơn những người phụ nữ mảnh mai, thon gọn.
Xã hội ngày càng coi trọng tiêu chí ngoại hình của phụ nữ, vì vậy điều này có thể giải thích được tùy thuộc vào sở thích của mỗi cá nhân. Shinall cho biết thêm những khách hàng có lẽ sẽ cảm thấy đàn ông béo phì trông có vẻ dễ nhìn hơn phụ nữ béo phì. Do đó, những người chủ công ty sẽ không tuyển những phụ nữ quá khổ cho những vị trí đòi hỏi phải giao tiếp trực tiếp với khách hàng.
Kêu gọi thay đổi
Hiệp hội hành động vì người béo phì (The Obesity Action Coalition) có trụ sở tại Tampa, Florida, đã phát triển một dự án nhằm cung cấp thông tin cho các nhà tuyển dụng trên toàn thế giới về sự đối xử bất công đối với người thừa cân tại nơi làm việc và phương pháp để giảm thiểu tình trạng đó. Cụ thể, Hiệp hội này khuyến khích các công ty áp dụng việc chống lại sự phân biệt đối xử về trọng lượng cơ thể, củng cố những quy định phản đối việc bắt nạt người béo phì, cũng như tổ chức những khóa đào tạo kỹ năng chuyên biệt đối với người tuyển dụng.
Phân biệt đối xử với người béo phì xảy ra tại nhiều nơi làm việc. (Ảnh: BBC) |
Tại Mỹ, chỉ có bang Michigan và một số thành phố ban hành luật cấm phân biệt đối xử dựa trên cân nặng cơ thể. Ủy ban Cơ hội việc làm bình đẳng Mỹ đã ban hành một vài quy định đối với việc tuyển dụng dựa trên bộ luật lao động liên bang về việc cấm phân biệt đối xử với người tàn tật. Tuy nhiên, nỗ lực này đến nay vẫn chưa nhận được nhiều kết quả thành công. Rebecca Puhl, Phó Giám đốc Trung tâm Rudd về chính sách lương thực & Bệnh béo phì tại Đại học Connecticut nhận định thách thức đặt ra khi áp dụng điều luật này là tình trạng béo phì ở một số người thật sự không được xem là một dạng khiếm khuyết trên cơ thể, vì vậy nên nó không thể hoàn toàn bảo vệ quyền lợi của tất cả những người thừa cân.
Tranh cãi về pháp lý
Hầu hết các tòa án đã bác bỏ lập luận rằng béo phì là một dạng khuyết tật. Đầu năm nay, một tòa án phúc thẩm liên bang Mỹ đã phán quyết một người béo phì không phải là người khuyết tật và khẳng định không hề xảy ra trường hợp phân biệt đối xử trong phán quyết của toà án cấp dưới. Một công ty đã không thuê một người làm việc ở vị trí thợ máy khi cho rằng rằng chỉ số BMI của ông ta vượt quá 40. Theo họ điều này thật sự không phù hợp với một công việc đòi hỏi tay nghề khéo léo và độ chính xác cao. Trong trường hợp này, tòa phúc thẩm chỉ công nhận béo phì là một loại khuyết tật với điều kiện chỉ khi nó là kết quả của tình trạng rối loạn sinh lý của cơ thể hoặc sự suy giảm về thể chất theo luật người khuyết tật.
Tuy nhiên trước đó Ủy ban Cơ hội việc làm bình đẳng Mỹ đã nhận bồi thường khoảng 125.000 USD vào năm 2012 khi họ đâm đơn kiện một một cơ sở sản xuất thuốc men đã sa thải một nhân viên vì cân nặng của anh ta. Trong trường hợp đó, tòa án liên bang Mỹ đã công nhận căn bệnh béo phì đáp ứng đủ điều kiện điều kiện để được coi như như là một dạng khuyết tật, bất kể nó có phải do sự rối loạn sinh lý gây ra hay không.