Huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đang là một đại công trường, đó là những gì mà ai cũng nhận thấy khi đặt chân lên huyện đảo này. Trên nhiều diện tích trồng hành, tỏi đang mọc lên những nhà hàng, khách sạn kiên cố.
Việc xây dựng ồ ạt các cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch đang làm thu hẹp dần diện tích trồng hành, tỏi những sản phẩm được coi là đặc sản ở vùng đảo tiền tiêu này.
Diện tích trồng tỏi ở Lý Sơn đang bị thu hẹp. (Nguồn: VOV) |
Người dân ở Lý Sơn đang lo lắng một ngày không xa những đặc sản này sẽ mất đi vì đất phục vụ cho nông nghiệp không còn.
“Bây giờ hết đất làm rồi. Họ lấy làm nhà nghỉ, khách sạn nên hết đất làm. Đất trồng hành, tỏi ở Lý Sơn giờ lấy đâu mà làm. Họ lấy vùng này qua vùng khác để mở đường. Chúng tôi rất lo, vì còn đất đâu mà làm. Ở dưới kia, tôi có 1 sào nhưng bị lấy đi không còn bao nhiêu đâu để làm”.
Những lo lắng trên của bà Nguyễn Thị Loan ở xã An Hải và Lê Thị Lan ở xã An Vĩnh cũng là nỗi niềm chung của người trồng tỏi ở Lý Sơn hiện nay. Không khó nhận ra trên những thửa ruộng hành, tỏi xanh mơn mởn trước kia ở Lý Sơn giờ là những nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ, quán ăn...
Từ một huyện đảo thanh bình, Lý Sơn bỗng trở thành một đại công trường. Nếu như năm 2014 chỉ có 1 khách sạn, 11 nhà nghỉ, với 95 phòng, thì đến nay, Lý Sơn có 4 khách sạn, 31 nhà nghỉ, tổng cộng 440 phòng. Sẽ không có gì phải đáng nói nếu việc xây dựng nằm trong quy hoạch tổng thể. Thế nhưng, hầu hết các công trình từ nhà dân đến các khách sạn cao tầng đều xây dựng một cách tự phát.
Mặc dù huyện Lý Sơn đã quy hoạch khu vực lõi đô thị thị trấn Lý Sơn với diện tích 150ha, theo quy định, người dân xây dựng nhà phải xin giấy phép xây dựng, nhưng hầu hết người dân và chủ đầu tư các công trình cao tầng đều không xin phép, khiến quy hoạch trên đảo bị phá vỡ. Đáng nói là chính quyền địa phương không phát hiện xử lý kịp thời, có trường hợp lập biên bản đình chỉ thi công nhưng thiếu kiểm tra, giám sát nên người dân và doanh nghiệp vẫn cố tình tổ chức thi công.
Ông Võ Minh Phương, người dân ở xã An Hải, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi bức xúc: “Đa số những dịch vụ tự phát, mình chưa có một quy hoạch, một chiến lược nào cụ thể. Tình hình ào ạt như thế này rất khó vì diện tích hiện nay trên đảo có mức, cho nên, cái vấn đề này trong tương lai hy vọng lãnh đạo của tỉnh, lãnh đạo của huyện có một chiến lược để quy hoạch một cách cụ thể, nếu không thì đến một ngày nào đó diện tích nông nghiệp, đặc biệt là các cây đặc sản như hành, tỏi ở Lý Sơn sẽ rất khó khăn”.
Bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi thừa nhận, việc giữ diện tích trồng hành, tỏi như hiện nay rất khó khăn trước nhu cầu xây dựng nhà cửa và các dịch vụ kinh doanh ngày càng tăng. Tuy nhiên, bà Phạm Thị Hương lại cho rằng, phần lớn các diện tích đất cho thuê để làm khách sạn, nhà hàng hay đường giao thông đều nằm trong quy hoạch của huyện. Việc xây dựng này được các cơ quan, ban ngành của huyện giám sát chặt chẽ theo đúng quy định của Nhà nước.
Bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Những điểm đang xây dựng đều có quy hoạch là làm cái gì thì làm theo cái đó, ngoài ra không lấy những diện tích bà con đang làm tập trung để xen kẽ những dịch vụ khác. Chắc chắn về sau này Lý Sơn không giữ được hơn 300ha tỏi nữa, nó sẽ giảm đi. Giảm diện tích nhưng giá trị của cây tỏi tăng lên, đó là xu hướng và định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp của huyện Lý Sơn”.
Lý Sơn đang phát triển nhanh kể từ khi có điện lưới quốc gia là điều đáng mừng. Thế nhưng, nếu như không có định hướng và quy hoạch cụ thể mà để phát triển tự phát như hiện nay thì giá trị văn hóa, những nét đẹp, sản vật độc đáo riêng có của Lý Sơn sẽ khó có cơ hội tìm lại được.