Người dân Pakistan oằn mình gánh chịu cơn 'đại hồng thuỷ' lớn nhất hơn 10 năm qua
Kha Ninh
21:59 | 02/09/2022
Người dân Pakistan đang phải đối mặt với trận lũ lụt kinh hoàng, nhấn chìm khoảng 1/3 diện tích nước này, khiến gần 1.200 người thiệt mạng, cuộc sống của 33 triệu người bị ảnh hưởng.
Đợt mưa kéo dài từ tháng 6/2022 đã gây ra trận lũ lụt tồi tệ nhất trong hơn một thập niên qua ở Pakistan, cuốn trôi mùa màng, làm hư hại và phá hủy hàng triệu ngôi nhà. Trong ảnh: Những ngôi nhà ngập nước sau mưa và lũ lụt ở Dera Allah Yar, quận Jafferabad. (Nguồn: Reuters)
Tính đến ngày 1/9, các trận lũ đã cướp đi sinh mạng của 1.191 người, trong đó 399 nạn nhân là trẻ em. (Nguồn: Reuters)
Hơn 33 triệu người, tức 15% dân số Pakistan chịu ảnh hưởng. Giới chức nước này ước tính cần 10 tỷ USD chỉ để sửa chữa cơ sở hạ tầng. (Nguồn: Reuters)
Gần như toàn bộ Pakistan chịu ảnh hưởng bởi đợt lũ lụt năm nay. Trong đó, các khu vực bị thiệt hại nặng nề nhất là tỉnh Balochistan lớn nhất đất nước và tỉnh Sindh ở miền Nam. Trong ảnh: Người đàn ông bơi trong nước lũ ở Charsadda, Pakistan. (Nguồn: Reuters)
Theo Guardian, nước lũ dâng còn kéo theo một mối nguy nghiêm trọng khác là khả năng bùng phát các dịch bệnh nguy hiểm. Mưa kéo dài vài tháng cộng với việc các dòng sông băng trên núi cao tan chảy trong nắng nóng khiến người dân bị mắc kẹt và không được tiếp cận với nước sạch, số ca tiêu chảy và sốt rét ở Pakistan tăng chóng mặt. (Nguồn: Reuters)
Tình trạng lũ lụt hiện tại ở Pakistan được đánh giá là tồi tệ hơn so với trận lũ lịch sử mà nước này phải hứng chịu vào năm 2010. (Nguồn: Reuters)
Các trại cứu trợ tạm thời mọc lên trên khắp Pakistan, trong cả các trường học và căn cứ quân sự. (Nguồn: Reuters)
Thảm họa ập đến vào thời điểm tồi tệ khi nền kinh tế của Pakistan đang đối mặt với khó khăn. (Nguồn: Reuters)
Thủ tướng Shehbaz Sharif mô tả đây là đợt lũ lụt tồi tệ nhất trong lịch sử Pakistan. (Nguồn: Reuters)
Người dân tại Pakistan rất dễ bị tổn thương bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan gây ra bởi biến đổi khí hậu. (Nguồn: Reuters)
Trước tình trạng trên, chính phủ Pakistan đã kêu gọi sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế, đồng thời ban bố tình trạng khẩn cấp. (Nguồn: Reuters)
Ngày 30/8, Liên hợp quốc kêu gọi quyên góp 160 triệu USD để tài trợ cho công tác viện trợ khẩn cấp. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hy vọng khoản tiền này có thể sẽ cung cấp thực phẩm, nước, thiết bị vệ sinh, giáo dục và y tế khẩn cấp cho 5,2 triệu người. (Nguồn: Reuters)
Các chuyến bay viện trợ từ Thổ Nhĩ Kỳ, UAE đã hạ cánh xuống Pakistan, trong khi các quốc gia khác bao gồm Canada, Australia và Nhật Bản cũng đã cam kết hỗ trợ. (Nguồn: Reuters)
Các nhà chức trách và tổ chức từ thiện đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ cung cấp hàng cứu trợ cho hơn 33 triệu người bị ảnh hưởng. Đây là một nhiệm vụ đầy thách thức, đặc biệt là ở những khu vực giao thông bị cắt đứt. (Nguồn: Reuters)
Quốc gia Nam Á này thường đón những trận mưa lớn vào mùa gió mùa hằng năm. Nhưng đợt mưa từ tháng 6/2022 đến nay lớn chưa từng thấy trong suốt 3 thập niên. Một trong những nguyên nhân chính, theo các quan chức Pakistan, là do tình trạng biến đổi khí hậu. (Nguồn: Reuters)
Các nhà khoa học cố gắng xác định tầm quan trọng của tình trạng nóng lên toàn cầu trong việc gây ra các trận lũ tại Pakistan. Trong trận lũ lớn gần nhất vào năm 2010, biến đổi khí hậu được coi là một trong những nguyên nhân chủ đạo. (Nguồn: Reuters)
Bà Liz Stephens, giáo sư về rủi ro và chống chịu biến đổi khí hậu tại Đại học Reading - một thành viên của hệ thống cảnh báo lũ lụt quốc tế cho biết, trận lụt đang diễn ra tại Pakistan được dự báo chỉ có thể xảy ra một lần mỗi thế kỷ. Theo bà Stephens, hai nguyên nhân chính gây ra thiệt hại lớn về người trong trận lũ hiện tại ở Pakistan chính là tình trạng lũ quét và hệ thống đê điều xuống cấp. (Nguồn: Reuters)
Trước khi những cơn mưa xuất hiện, Pakistan từng trải qua nắng nóng hồi tháng 5/2022, thúc đẩy tốc độ tan chảy của sông băng trên các dãy núi, khiến đất đai trở nên ẩm ướt. Dù lượng thải khí nhà kính chiếm phần rất nhỏ trên toàn cầu, Pakistan và quốc gia láng giềng Afghanistan đang gánh chịu hậu quả của hiện tượng biến đổi khí hậu. (Nguồn: Reuters)
Theo nhà khí tượng học Scott Duncan, một nguyên nhân khác được cho là góp phần gây ra trận lũ lịch sử tại Pakistan là hiện tượng El Nino - Dao động phương Nam (ENSO). Theo ông, hiện tượng ENSO ở thời điểm hiện tại đang trong giai đoạn La Niña, giống với thời điểm xảy ra trận lũ lớn ở Pakistan vào năm 2010. (Nguồn: Reuters)
Một điều có thể dễ dàng nhận thấy chính là việc tình trạng biến đổi khí hậu có ảnh hưởng lớn tới sự gia tăng tần suất các thảm họa tự nhiên và hiện tượng thời tiết cực đoan cho dù nhiệt độ trung bình Trái đất mới chỉ tăng 1,1 độ C kể từ thời kỳ tiền công nghiệp. Pakistan là quốc gia mới nhất phải chịu thiệt hại nặng nề về nhân mạng và vật chất vì tình trạng này. (Nguồn: Reuters)
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Malaysia của Tổng Bí thư Tô Lâm, hai bên đã nâng cấp quan hệ Việt Nam-Malaysia lên Đối tác chiến lược toàn diện.
Trở lại Nhà Trắng một cách mạnh mẽ, áp đảo, Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ 'đối đãi' với thế giới như thế nào trong nhiệm kỳ 2.0 vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ.
Chuyên gia Trung Quốc: Bài viết 'Chống lãng phí' của Tổng Bí thư Tô Lâm nêu bật nhiệm vụ quan trọng của Việt Nam trước cơ hội lịch sử của “kỷ nguyên vươn mình".