TIN LIÊN QUAN | |
Câu chuyện của những người lính Mỹ trở lại Việt Nam | |
Việt Nam qua ống kính AP ngày ấy |
“Buồng hạnh phúc”
Ở cái thời “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai”, như bao bạn bè đồng trang lứa, chàng trai Trần Hồng 18 tuổi khi ấy cũng rời ghế giảng đường, dấn thân vào vùng lửa đạn để giải phóng đất nước.
Đại tá, nhà báo Trần Hồng (phải) chụp cùng Nhà báo, Tiến sĩ Trần Bá Dung. (Ảnh do nhân vật cung cấp) |
Nhưng không biết tại làm sao, Bộ Quốc phòng gọi ông về và cho theo học Đại học Báo chí đầu tiên của Việt Nam (khóa 1969-1974). Ngã rẽ ấy đã đưa ông chạm tay vào máy ảnh. Bộ Quốc phòng đề nghị lớp nếu ai có nguyện vọng học nhiếp ảnh thì đăng kí bởi chiến trường thời điểm đó rất cần phóng viên ảnh.
Đại tá Hồng là một trong những người xung phong chuyển sang học nhiếp ảnh. Quyết định này không phải xuất phát từ lời mời gọi của Bộ Quốc phòng mà đơn giản bởi “nghe tới nhiếp ảnh tôi đã thích rồi”.
Trong bối cảnh đất nước khó khăn trăm bề, nhiếp ảnh có lẽ còn là một cái gì đó xa xôi với những con người luôn nơm nớp lo sợ những làn đạn bom. Trong cả khóa học, ông Hồng chỉ có cơ hội chụp... 5 kiểu ảnh. Với vốn lý thuyết và thực tế quá ít ỏi, công việc chụp ảnh sau khi ra trường với ông thực sự là một hành trình gian nan khi thất bại nhiều hơn là thành công.
Song cũng vì những cuộn phim hỏng mà ông lại say sưa hơn với nghề. “Có lẽ nếu thành công ngay thì chắc tôi đã không đi hết cuộc đời với nhiếp ảnh”. Ở ông Hồng có một niềm say nghề tới cuồng nhiệt. Với ông, vào buồng tối để rửa ảnh chính là đi vào “buồng hạnh phúc”!
Mọi thứ phía trước ống kính của ông đều có linh hồn, có nhịp thở. Đó là cảnh đường Phan Đình Phùng mỗi buổi chiều, mọi cành cây, ánh đèn, con xe đều như mang trong mình một câu chuyện riêng. Ông Hồng chụp rất nhiều ảnh quang cảnh nhưng vẫn trăn trở rằng chưa có gì ẩn náu đằng sau đó. Ông lại đi kiếm tìm cho mình một “mảnh đất” riêng.
Nhà báo Trần Hồng được biết đến là một “tay ảnh” chuyên về đề tài bà mẹ Việt Nam. Đó là “mảnh đất” rộng vô cùng mà ông khai phá bằng chính xúc cảm lòng mình từ những khoảnh khắc tình cờ trong cuộc sống.
“Hồi ấy, mỗi chiều, đứng trên gác ba nhà mình nhìn xuống, tôi thấy hình ảnh đứa cháu chạy từ trong nhà ra đón bà đi chợ về. Khuôn mặt người bà rạng rỡ lạ thường. Tôi thấy mối quan hệ bà cháu ấy hay quá và nghĩ rằng mình cần khám phá nội tâm của họ”, ông Hồng kể lại.
Nguồn cảm hứng chụp ảnh về người mẹ của ông còn bắt nguồn từ trải nghiệm làm con. Trong một lần về quê, ông “bắt” được ánh mắt hạnh phúc vô bờ của một người mẹ khi gội đầu cho đứa con trai. “Tôi nhận ra đây là hạnh phúc của mẹ. Hạnh phúc nhỏ nhoi là vậy nhưng hàng vạn bà mẹ trên dải đất hình chứ S này đã không có được hạnh phúc ấy! Bởi con của các mẹ đã ra đi không bao giờ trở lại”, ông Hồng tâm tình.
Nét đẹp trên khuôn mặt Mẹ
Từ đó, những nét đong đầy thời gian, hạnh phúc, vui buồn trên khuôn mặt của người mẹ Việt Nam là đề tài ông theo đuổi qua năm tháng. Có lẽ, chẳng có khuôn mặt nào giống nhau bởi chẳng có nỗi buồn nào cùng tên. Vì vậy, mỗi bà mẹ Việt Nam đều là một cuộc đời đáng ghi lại.
Trong ông, các bà mẹ Việt trong 30 năm chiến tranh đều là mẹ anh hùng. Ông kể, năm 1994 ông về Hải Dương và gặp một bà mẹ già đội nón rách tả tơi, đi liêu xiêu giữa cánh đồng trải dài. Ông thuyết phục mẹ để được chụp ảnh nhưng mẹ không đồng ý. Bà nói: Chú vào kia kìa, Tỉnh ủy Hải Dương đang tuyên dương các mẹ Việt Nam anh hùng. Các mẹ ấy ăn mặc đẹp còn tôi rách rưới thì chụp làm gì! Ở cái đất này, cả trăm người mẹ có một con hy sinh như tôi. Chẳng ai thắc mắc tại sao không được mẹ anh hùng cả! Có ai lại muốn các con của mình hy sinh để trở thành anh hùng cơ chứ!?".
"Khi nghe mẹ nói câu ấy, nước mắt tôi chảy ròng, người chết lặng!”. Lần đầu tiên ông gặp một người mẹ có cùng suy nghĩ với mình rằng bất cứ người mẹ Việt nào cũng là mẹ anh hùng. Ông ngồi trầm tư một lúc lâu, quên đi cả cái mục đích chuyến đi của mình. “Sao chú chưa về”, mẹ hỏi. Ông trả lời: “Chưa chụp được ảnh mẹ con chưa về”. Khi ấy, giao cảm giữa hai người đã giúp ông có được những bức ảnh đẹp về mẹ.
Cảm giác sung sướng nhất với Đại tá Hồng không phải là nhận được một danh hiệu cao quý mà là khi bắt được những khoảnh khắc “sống lâu nhất với cuộc đời”. Bà Nguyễn Thị Thứ (Quảng Nam) có chồng, 9 con trai, một con rể và hai cháu ngoại của mẹ là liệt sỹ trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ. Bà từng là cô gái hái dâu xinh đẹp, mạnh mẽ bên dòng sông Thu Bồn. Trong bà có một nguồn năng lượng dồi dào nhưng dường như sự mạnh mẽ ấy sinh ra để chịu đựng nỗi đau khôn xiết.
Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ bên những bát cơm mong đợi con cháu trở về. |
Nhìn vào bức ảnh với chú thích “Đêm nhớ, ngày mơ con về” của nhà báo Hồng về mẹ Thứ, có lẽ người xem đều thấm được niềm đau ấy. “Tôi tới thăm mẹ vào một buổi trưa Hè. Do kẹt xe, tôi đến nơi hơi muộn, lúc ấy mẹ đã ngủ trưa rồi. Tôi ngồi bậc cửa nhìn vào giường mẹ ngủ. Từ cửa sổ có một luồng sáng rọi vào giường. Nhìn mẹ ngủ sao đẹp thế!
Khi zoom ống kính lại gần, tôi thấy di ảnh con mẹ. Có lẽ mẹ vừa xem ảnh xong. Chụp lại được hình ảnh kỳ diệu đó, với tôi là hạnh phúc nhất cuộc đời!”, ông Hồng trầm ngâm kể.
Hiện Đại tá Hồng đang ấp ủ kế hoạch chụp ảnh các bà mẹ bên kia chiến tuyến - bà mẹ của những người theo chính quyền Sài Gòn. Bà mẹ nào mất con mà chẳng có nỗi đau. Thậm chí, ông Hồng còn cảm thấy nỗi đau ấy càng day dứt khi nhiều gia đình trên bàn thờ có hai bát hương. Một bên thờ con là bộ đội giải phóng, một bên thờ con theo chính quyền Sài Gòn. Nỗi đau của người mẹ đứng giữa hai con thực sự rất khủng khiếp!
Ký ức về những con đường trong chiến tranh Việt Nam Ngày 27/4, nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2015), Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TP. ... |
Để hết ám ảnh về chiến tranh Việt Nam… tôi vẽ Hai năm hoạt động trong quân đội Mỹ ở Pleiku (4/1969-4/1970), ông David Thomas đã ghi lại trong đầu mình hình ảnh những đứa trẻ ... |
Việt Nam – 25 năm dưới ống kính của Catherine Carnow Nhân dịp kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao Việt - Mỹ và 40 năm kết thúc chiến tranh Việt Nam, ... |