Đại sứ Trần Hải Hậu (trái) và em trai, Đại sứ Trần Thanh Huân. |
Mỗi nhà ngoại giao đến với nghề trong một hoàn cảnh khác nhau. Nhiều người tốt nghiệp Học viện Ngoại giao hoặc học ở đâu đó rồi được tuyển dụng vào Bộ Ngoại giao; thời trước, nhiều người được Nhà nước cử đi học nước ngoài rồi vào Ngành; có người chăm chỉ học hành theo nghiệp cha; cũng có người đơn giản để Nghề chọn mình…
Tôi biết chắc em trai tôi, Trần Thanh Huân vào nghề ngoại giao là theo bước anh trai. Chúng tôi hân hạnh cùng được lăn lộn trong ngành ngoại giao thời mở cửa hội nhập, nhưng đời ngoại giao của Huân đa sắc, đa màu hơn.
Còn nhớ thời nhỏ, cả nhà hay nói Huân có khiếu văn, khiếu toán, học môn nào cũng xuất sắc, vừa giỏi giang, vừa khéo tay nhanh nhẹn. Mỗi lần trời nóng bức, mẹ cần uống nước dừa là Huân đã thoăn thoắt trèo lên cây dừa cao vút, bẻ vài quả xuống cho cả nhà giải khát. Bố mẹ và anh em đều trông đợi chắc Huân học đến nơi đến chốn, có chí, quyết là làm, rồi sẽ nên người.
Đầu năm 1982, tôi tốt nghiệp Đại học Ngoại giao ra trường thì Huân nhập học năm thứ nhất cùng ngôi trường thân yêu của tôi. Được Bộ Ngoại giao cử đi học tiếng Khmer rồi công tác nhiệm kỳ ở Đại sứ quán ta tại Phnom Penh, tôi để Huân ở lại trong căn phòng 9m2 do Bộ Ngoại giao phân cho ở khu Hào Nam, quận Đống Đa.
Như bao người khác, cuộc sống sinh viên thời bao cấp thiếu thốn đủ đường. Huân vừa miệt mài học, vừa quần quật làm thêm đủ việc, cả nuôi chim, làm lồng chim, xoay xở kiếm thêm tiền đắp đổi sinh hoạt qua ngày.
Mẹ tôi dành nhiều thời gian trực tiếp chăm bẵm Huân, nhất là những đợt thi cử gắt gao ở Trường Ngoại giao trong mùa nóng oi nồng tháng Tư, tháng Năm Hà Nội. Căn phòng cấp bốn bí bức ngột ngạt, hai mẹ con chung cái quạt nhựa “Điện cơ” cỏn con (thời đó giá 35 đồng).
Ăn uống thanh đạm, nhưng Huân đặc biệt chú ý tập luyện sức khỏe. Học ngoại ngữ thời đó, ở nhà không có băng đĩa, máy móc, chỉ bằng sự cần cù, chăm chỉ đến kiệt sức.
Rồi trái ngọt cũng đến. Năm 1987, đang công tác tại Đại sứ quán ta ở Phnom Penh, tôi nhận được tin Huân tốt nghiệp thủ khoa K17 Đại học Ngoại giao.
Niềm vui vỡ òa! Tôi vui khôn tả, chắc chắn sẽ có em ruột làm đồng nghiệp ở ngành ngoại giao. Cả nhà vui lắm khi cậu bé năm nào hay ngượng ngùng, kiệm lời, chăm chỉ đã có tấm thông hành vào đời.
Tháng 9 năm đó, thưởng công cho thủ khoa, Bộ Ngoại giao cử Huân đi học Kinh tế Đối ngoại ở Viện Quan hệ Quốc tế La Habana, Cuba. Sau sáu năm học, Huân về nước và chính thức vào ngành ngoại giao năm 1994. Sau này Huân còn được cử đi học thạc sĩ ở Trường Fletcher, Đại học Tufts (Mỹ).
Đại sứ Trần Hải Hậu và Đại sứ Trần Thanh Huân tại lễ kỷ niệm Quốc khánh Singapore. |
Nói về các nhiệm kỳ luân chuyển đi công tác ở các Cơ quan đại diện ở nước ngoài, trong khi tôi có bốn, năm nhiệm kỳ với gần như trải qua mọi chức vụ ngoại giao thấp nhất từ tùy viên thì Trần Thanh Huân có hai nhiệm kỳ duy nhất đều làm Trưởng Cơ quan đại diện, đầu tiên làm Đại sứ ta tại Venezuela và cuối cùng làm Tổng Lãnh sự tại Hong Kong, Macau (Trung Quốc).
Ở trong nước, công việc của Huân phong phú hơn tôi nhiều, hết làm ở Vụ Châu Mỹ, sang làm Giám đốc Quỹ Ngoại giao kinh tế, rồi Cục trưởng Quản trị Tài vụ và cuối đời làm Cục trưởng Cục Ngoại vụ.
Huân được luân chuyển qua nhiều mảng việc khác nhau, từ chính trị đối ngoại sang ngoại giao kinh tế, trông coi mảng “cơm áo gạo tiền” của Bộ, rồi công tác gắn với đối ngoại các bộ, ngành và địa phương trên cả nước. Ở đâu, Huân cũng tỏ ra quyết liệt, suy nghĩ độc lập, coi trọng hiệu quả, tận tâm cống hiến, được cấp trên đánh giá tin cậy và đồng nghiệp quý mến ủng hộ.
Đón từng đoàn đến đưa tiễn Đại sứ Trần Thanh Huân về nơi an nghỉ cuối cùng, đọc những dòng chia buồn bàng hoàng của anh em, đồng nghiệp và bạn bè, càng xúc động về cuộc đời cống hiến mấy chục năm của em.
Gia đình tự hào về em đã dành cả đời công tác hòa trong trùng điệp đội quân ngoại giao Việt Nam thời hội nhập.
Em đã mãi trở về với đất mẹ, quê hương Nam Định. Thương nhớ Em, người đồng nghiệp đặc biệt của tôi.
Đại sứ Trần Thanh Huân (sinh ngày 15/9/1964, mất ngày 9/1/2022), nguyên Cục trưởng Cục Ngoại vụ, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Hong Kong, Macau (Trung Quốc), Cục trưởng Cục Quản trị Tài vụ, Đại sứ Việt Nam tại Venezuela; được Nhà nước phong hàm Đại sứ năm 2013. |
| Biến nguy thành cơ trong công tác ngoại vụ địa phương Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng mọi mặt đời sống xã hội và công tác ngoại vụ địa phương cũng không phải ngoại lệ. Đại sứ ... |
| Tổng Lãnh sự Trần Thanh Huân: Toàn tâm toàn ý thực hiện công tác bảo hộ công dân tại Hong Kong và Macau TGVN. Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Hong Kong và Macau Trần Thanh Huân khẳng định, với vai trò là địa bàn “cận kề” tâm ... |