Đã nhiều lần đến thị trấn Lim (Bắc Ninh) nhưng những chuyến đi công tác dường như quá gấp gáp với tôi để có thể có cơ hội trò chuyện và thấu hiểu về những đóng góp của người dân nơi đây đối với các di sản văn hóa.
Lần này, theo chân ông Nguyễn Sỹ Đang - Bí thư chi bộ thôn Lũng Giang, thị trấn Lim và các cháu bé trong đội hát Quan họ nhí của làng, tôi đã được gặp một nghệ nhân không chỉ cả đời gắn bó với Lim, với Quan họ mà còn là một thanh đồng có tiếng.
Nghệ nhân dân gian Trần Nguyễn Thị Trung cùng 3 thế hệ làng quan họ hát bài quan họ “Mời nước mời trầu”. (Ảnh MH) |
Từ duyên nợ với dân ca…
Chúng tôi đến đền Vọng từ Côn Sơn Kiếp Bạc của gia đình bà Trung khi các học viên lớp Quan họ của bà đang học hát vô cùng say sưa. Từ xa, người ta đã nghe giọng trẻ con trong trẻo: “Khách đến (í) đến chơi (hự hừ) nhà là chơi (hự hừ) nhà…”. Đây là lớp học Quan họ miễn phí mà bà Trung dành cho các cháu thanh thiếu nhi từ 6-18 tuổi.
Thấy tôi còn đang ngỡ ngàng, ông Sỹ Đang giải thích luôn: “Ngày trước, lớp được tổ chức ở nhà văn hóa của thôn. Chị Trung đã đóng góp rất tích cực cho lớp học này, cả về vật chất lẫn trực tiếp tham gia giảng dạy. Nhưng không hiểu sao, học ở nhà văn hóa thì các cháu lại nghịch ngợm, thiếu tập trung. Lớp học đành ngưng. Thế rồi chị Trung (nay là Phó Chủ nhiệm CLB Quan họ ) và chị Hồng Thái (Chủ nhiệm CLB) mở lớp học tại gia đình, thì rất ngạc nhiên là các cháu lại đi đều đặn và chăm chỉ”.
Tiếp chúng tôi với sự xởi lởi, và dễ mến đặc trưng của người Quan họ, bà Trung chia sẻ: “Tôi sinh ra và lớn lên tại làng Quan họ nên chất dân ca đã đi vào tiềm thức và thấm đẫm trong con người từ thuở ấu thơ cho đến tận bây giờ. Mẹ tôi kể, từ khi bắt đầu biết bập bẹ, tôi đã để ý lắng nghe người lớn cất tiếng hát. Đến khi được 5-7 tuổi, tôi đã theo người lớn đến hát ở các Nhà chứa Quan họ để học hát và tham gia các đội Quan họ của thị trấn Lim… Đấy, cứ dần dần, người lớn dạy trẻ con rồi ai cũng biết hát”.
Bà kể, từ lâu bà ấp ủ mong muốn góp phần truyền đạt tất cả vốn liếng dân ca của mình cho thế hệ trẻ, để chúng giữ gìn đúng cách. Thế nhưng, lớp học lại không duy trì được như ý muốn, vì nhiều lý do. Không chấp nhận thực tế đó, bà Trung đã cùng một người bạn của mình là bà Hồng Thái mời các em đến đình làng Lim và đền thờ của gia đình học hát. Vẫn giáo án đó, vẫn là “cô giáo Trung, cô giáo Thái”, nhưng dường như sự thay đổi không gian khiến bọn trẻ chuyên tâm hơn vào việc học. Và, lớp học đó được duy trì đến tận bây giờ.
Nghệ nhân dân gian Trần Nguyễn Thị Trung với cây đàn tính trong giá Cô bé thượng ngàn. (Ảnh: MH) |
…đến thanh đồng tâm huyết
Câu chuyện giữa chúng tôi thoắt trở nên gần gũi hơn bao giờ hết khi tôi hỏi bà về lý do người ta gọi bà là “bà Trung thanh đồng”. Mắt người nghệ nhân dân gian ấy như ánh lên niềm vui khi nói về việc sinh hoạt tín ngưỡng thờ mẫu mới đây được tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hóa ra, đây cũng là điều mà bà Trung vô cùng tâm huyết.
Sinh ra trong một gia đình có nền nếp thờ Thánh, thờ Mẫu ở xứ Kinh Bắc, bà là đời thứ 5 của dòng họ vẫn duy trì truyền thống này. Bà Trung cho biết từ thời bao cấp đời sống còn rất khó khăn, bà đã cắp cặp theo cố nội lên chùa lễ bái và học hầu thánh khi mới hơn 10 tuổi. “Hồi đó, tôi không hiểu lắm về ý nghĩa của tục thờ Mẫu, của văn hóa hầu Thánh, nhưng thấy cố nội làm thì tôi làm theo và thấy thích. Cố chính là người dạy tôi viết chữ nho, dạy rằng văn hóa của người Việt là thờ cúng ông bà, tổ tiên, nguồn gốc của mình. Cụ tôi bảo, con theo đạo Mẫu thì sau này các con sẽ là người mẹ mà nhà chồng phải nhớ, thiên hạ phải nhớ. Tôi lại làm dâu một gia đình có truyền thống thờ Mẫu. Văn hóa thờ Mẫu cứ như thế được bồi đắp cho tôi từng ngày”, bà Trung chia sẻ.
Kỷ niệm đáng nhớ nhất của nghệ nhân dân gian này là lần đi cùng đoàn của Giáo sư Ngô Đức Thịnh (Trung tâm Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam) mang di sản thờ Mẫu sang trình diễn tại Thái Lan. Tại đây, bà đã hầu đồng với ba giá: quan Đức Trần Triều, giá Bà Chúa Đệ Nhị và giá Cô đôi cam đường. Bà bảo: “Lúc tôi hầu giá Trần Triều, đại biểu cả 10 nước cúi đầu kính cẩn như thánh hiện thân vậy. Tiết mục của Việt Nam được Bộ Văn hóa Thái Lan đánh giá cao và vinh dự nhất là tôi được phía Thái Lan trao bằng khen Nghệ nhân dân gian thế giới”.
Hiện nay, công việc chính của bà Trung, ngoài dạy hát Quan họ, là duy trì đạo Mẫu và dạy chữ Nho. Bà tâm sự: “Mong muốn của tôi là được khỏe mạnh, tiếp tục giữ gìn văn hóa của dân tộc mình, làm sao để di sản của mình lan tỏa đi khắp thế giới”.
Với bà, Quan họ và thờ Mẫu giống như là duyên, là nợ. Dù bà kiệm lời khi nói về mình, thế nhưng, nhìn nghệ nhân U60 này say sưa uốn nắn cho “những chồi non Quan họ”, trong không gian đậm đà của văn hóa thờ Mẫu, tôi có thể cảm nhận được tâm huyết của bà dành cho loại hình văn hóa phi vật thể của quê hương, của thế giới này lớn lao biết nhường nào.