Trong bối cảnh số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 liên tiếp gia tăng tại Campuchia những ngày qua, Hội Khmer-Việt Nam tại Campuchia đã kịp thời gửi nhiều thông báo, tuyên truyền đến chi nhánh hội tại 25 tỉnh/thành về các biện pháp phòng chống dịch, vệ sinh cá nhân cũng như thực hiện đúng các hướng dẫn liên quan tới phòng chống dịch bệnh của chính quyền sở tại.
Chủ tịch Hội Khmer-Việt Nam tại Campuchia Sim Chy cho biết đã liên lạc thường xuyên với tỉnh hội Takeo trong trường hợp cần sự hỗ trợ và khẳng định cho đến thời điểm này, chưa có xác nhận ca lây nhiễm Covid-19 nào liên quan đến bà con người Campuchia gốc Việt. Tính đến tối 25/3, Bộ Y tế Campuchia ra thông cáo báo chí xác nhận thêm 5 ca nhiễm mới, nâng tổng số trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 lên 96 người.
Trước đó, ngày 24/3, Ban thường trực Hội Khmer-Việt Nam đã có thông báo đề nghị bà con người Campuchia gốc Việt hạn chế đi lại, tạm dừng xuất cảnh ra nước ngoài trong thời điểm này và tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch mà Chính phủ Campuchia đưa ra.
Hội Khmer-Việt Nam tại Campuchia cũng khuyến cáo nếu có trường hợp bà con nào nhiễm bệnh hoặc bị cách ly tập trung, cần thông báo cho các cấp hội tỉnh thành nơi sinh sống, hoặc số điện thoại (+85588.999.5162) của Văn phòng Hội Khmer-Việt Nam để hội kịp thời nắm bắt tình hình, hỗ trợ và giúp đỡ bà con.
Nói về những khó khăn hiện tại của bà con thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, bà PhạmThanh Thủy - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khmer-Việt Nam tại Campuchia nhận định sau khi được hội vận động và tuyên truyền, đa số bà con đã ổn định tâm lý, không quá lo lắng tìm cách về nước. Đa số bà con người Campuchia gốc Việt tại thủ đô Phnom Penh làm nghề kinh doanh và buôn bán nhỏ.
Bà Thủy cũng cho biết khoảng 50% bà con tiểu thương này đã đóng cửa hàng buôn bán, hạn chế tụ tập đông người, tuân thủ tốt các khuyến cáo về chống dịch của chính quyền sở tại. Tuy nhiên, theo bà, trong thời gian tới, bà con sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu Chính phủ Campuchia công bố tình trạng khẩn cấp, hạn chế đi lại vì bà con làm kinh doanh nhỏ hàng ngày, không đủ khả năng tích trữ nhiều lương thực, thực phẩm.