Các chủ doanh nghiệp Hàn Quốc đã xuống đường biểu tình kêu gọi tẩy chay các sản phẩm của Nhật Bản trước cửa Đại sứ quán Nhật Bản tại Seoul ngày 15/7. (Nguồn: Nikkei) |
Ngày 18/7, hai nhãn hàng lớn của xứ sở hoa anh đào là Uniqlo và Kirin đã lên tiếng cảnh báo về tác động của quan hệ “rạn nứt” Tokyo - Seoul, trong khi các nhà phân tích dự đoán lượng khách Hàn Quốc đến Nhật Bản sẽ “giảm mạnh”.
“Sức nóng” lan tỏa
Hashtag #boycottjapan nhằm vào các thương hiệu tiêu dùng lớn của xứ sở kimono như Sony, Toyota, Uniqlo và Canon đang bắt đầu thịnh hành trên Instragram và các nền tảng truyền thông xã hội khác, sau khi giới chức Nhật Bản đưa ra quyết định hạn chế xuất khẩu sang Hàn Quốc vào tháng 6/2019.
Trả lời truyền thông, Tokyo cho biết, lệnh hạn chế xuất khẩu nguyên liệu sản xuất chip cho các nhà sản xuất chất bán dẫn như Samsung Electronics và SK Hynix xuất phát từ những lo ngại về kiểm soát xuất khẩu của Seoul. Tuy nhiên, giới quan sát lại coi đây là động thái “ăn miếng trả miếng” cho các phán quyết của Hàn Quốc nhằm tịch thu tài sản của các công ty Nhật Bản để bồi thường cho các nạn nhân xứ Hàn bị cưỡng bức lao động từ thời chiến tranh.
“Bất đồng” trước động thái của Nhật Bản, một số người dân Hàn Quốc đã xuống đường biểu tình và dẫm chân lên các hộp sản phẩm của Nhật Bản. Không chỉ vậy, một YouTuber nổi tiếng của xứ sở kim chi còn chia sẻ đoạn video xé vé máy bay bay tới Nhật Bản.
Căng thẳng thương mại Nhật - Hàn đang ngày một leo thang vì vấn đề bồi thường cho lao động bị cưỡng bức từ thời chiến. (Nguồn: Reuters) |
Nhà bán lẻ thời trang Uniqlo và nhà sản xuất đồ uống Kirin Holdings của Nhật Bản cho biết, họ đã cảm thấy “sức nóng” của chiến dịch tẩy chay này.
Trong cuộc họp báo mới đây, Giám đốc phụ trách bán lẻ của Uniqlo Takeshi Okazaki nhận định, việc tẩy chay đang ảnh hưởng đến doanh số bán hàng tại Hàn Quốc, nhưng không rõ điều đó sẽ kéo dài bao lâu. "Việc người dân xứ kim chi tẩy chay hàng Nhật sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh trong ngắn hạn. Chúng tôi đang quan sát thêm các tác động trong tương lai."
Về phần mình, Phát ngôn viên của Kirin cho biết, tập đoàn kinh doanh đồ uống này đã dừng kế hoạch tung ra quảng cáo truyền hình mới để quảng bá bia tại Hàn Quốc, vì việc tẩy chay "có thể ảnh hưởng đến các lô hàng, nếu các nhà bán lẻ không thể bán được hàng".
Các cửa hàng ở Hàn Quốc dán biển hiệu tẩy chay hàng hóa Nhật Bản. (Nguồn: AP) |
Trước đó, Công ty Thuốc lá Nhật Bản tuyên bố sẽ ra mắt sản phẩm thuốc lá vapor Ploom Tech mới tại Hàn Quốc trong tháng 7, nhưng kế hoạch này đã bị hủy vì "lý do nội bộ" của công ty. Trong khi đó, một số tập đoàn khác, bao gồm Sony và Shiseido cũng đang "cẩn thận theo dõi tình hình".
Kết quả cuộc thăm dò của Realmeter cho thấy, 54,6% số người Hàn Quốc được hỏi đang tẩy chay các sản phẩm của Nhật Bản để phản đối các chính sách hạn chế kinh tế của Tokyo đối với Seoul.
Nghiên cứu viên Michinori Naruse thuộc Viện nghiên cứu Nhật Bản lại nhận định, không có dấu hiệu nào cho thấy Chính phủ Hàn Quốc sẽ thay đổi lập trường liên quan đến phán quyết lao động thời chiến, do đó các công ty "cần xem xét khả năng tình trạng này sẽ tiếp diễn".
Du lịch chịu đòn đau
Theo các nhà phân tích, ngành du lịch và kinh doanh khách sạn của Nhật Bản được cho là gặp rủi ro lớn hơn, vì du khách Hàn Quốc có đóng góp không nhỏ cho ngành công nghiệp “không khói” của xứ phù tang. Theo KB Securities, khách du lịch Hàn Quốc chiếm 24% trong tổng số du khách nước ngoài đến Nhật Bản năm 2019.
Trang Naruse nhận định, ngành du lịch tăng trưởng chậm có thể sẽ gây thiệt hại nhiều hơn cho nền kinh tế Nhật Bản, so với việc tẩy chay hàng hóa. Nguyên nhân là vì các thương hiệu tiêu dùng của xứ sở kimono tiếp xúc tương đối hạn chế với thị trường Hàn Quốc.
Giám đốc Quan hệ công chúng tại Ngân hàng Hàn Quốc Hwang đang xem xét hủy chuyến du lịch cùng gia đình tới Nhật Bản trong năm nay, do căng thẳng gia tăng giữa hai nước. "Tôi đã lên kế hoạch đến Nhật Bản vào kỳ nghỉ hè này, nhưng tôi nghĩ bây giờ không phải là thời điểm tốt. Con gái tôi yêu Nhật Bản vì những điểm du lịch thú vị và thức ăn ngon, nhưng tôi không thể không nghĩ đến những điểm bất lợi khi ở đây."
Du khách Hàn Quốc đến Nhật Bản tại Sân bay quốc tế Gimpo - sân bay lớn thứ hai của Thủ đô Seoul, Hàn Quốc. (Nguồn: Nikkei) |
Về phần mình, nhà phân tích tại KB Securities Koo Kyung-hoe đã cảnh báo về những rắc rối phía trước. "Trước sự tẩy chay các sản phẩm Nhật Bản tại Hàn Quốc, rất có khả năng khách du lịch Hàn Quốc đến Nhật Bản sẽ giảm mạnh", chuyên gia chứng khoán Koo nhấn mạnh.
Công ty du lịch sở hữu lượng khách Hàn Quốc “khổng lồ” cho biết, mặc dù đang là mùa du lịch cao điểm, lượng khách hàng xứ Hàn hủy bỏ kế hoạch đến Nhật Bản của công ty ngày càng tăng.
Chuyên viên Daisuke Tomoda thuộc Vụ Trung Quốc và Bắc Á, Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản cho rằng, việc tẩy chay các sản phẩm Nhật Bản ở Hàn Quốc trước đây, chẳng hạn như năm 1995 và 2001, thường hạ nhiệt trong vòng một năm. "Tôi không thể nói chắc chắn rằng, lần này sẽ giống như vậy, vì vậy tôi đang theo dõi tình hình", chuyên viên Tomoda cho biết thêm.
Trong khi đó, tình cảm của người dân Nhật Bản đối với Hàn Quốc được đánh giá là không bị ảnh hưởng bởi căng thẳng chính trị. Theo báo cáo của truyền thông, Nhóm nhạc K-pop nổi tiếng BTS đã thu hút 210.000 người hâm mộ trong bốn ngày hòa nhạc tại Nhật Bản.