Ảnh minh họa |
Theo Le Figaro, sau khi mở nhiều cửa hàng bán thức ăn nhanh châu Á, cộng đồng hơn 500.000 người Hoa nhập cư vào Pháp tiếp tục tiến sang lãnh vực may mặc, cạnh tranh với khu thời trang Sentier truyền thống của người Do Thái lâu nay. Gần đây, họ lại tiếp tục mua lại các quán bar, cửa hàng thuốc lá và sổ xố… Cảnh sát Pháp đang theo dõi chặt chẽ hiện tượng này bởi họ nghi ngờ có việc rửa tiền hoặc trốn thuế.
Theo cảnh sát Pháp, bộ phận người Hoa kể trên đang làm chủ nhiều cửa hàng bán túi xách, giày dép, nữ trang, vi tính tại Paris và vùng phụ cận, và mới đây là các bar-tabac và PMU, nơi được phép bán lẻ thuốc lá, thức uống có cồn, tem, vé số… Từ những khu vực người châu Á như quận 13 hay Belleville, những ông chủ người Hoa trong mấy tháng gần đây đã xuất hiện tại các khu phố sang trọng của Paris. Có đến phân nửa các thương vụ mua lại các cửa hàng này là do người Hoa. Họ thích mua các cửa hàng có giá từ 300.000 đến 1,2 triệu euro và tỏ ra rất hào phóng. Trong bối cảnh thị trường đang ảm đạm, nhu cầu của người Hoa tại đây đã đẩy giá lên đến 20%.
Tuy nhiên, vài tháng gần đây, hoạt động mua lại các cửa hàng này đột ngột chấm dứt. Khi bộ phận chuyên theo dõi về lĩnh vực đua ngựa và xổ số của Cảnh sát "đưa ra ánh sáng" một mạng lưới người Hoa sử dụng các chứng từ giả để chứng minh nguồn gốc tiền. Có 22 người đã bị điều tra.
Rất nhiều người Hoa đã đến Pháp từ thập niên 80, có người hợp pháp, cũng có không ít người nhập cư trái phép. Trong lĩnh vực may mặc, người Hoa đã lần lượt mua lại nhiều cửa hàng tại khu vực Sédaine-Popincourt để bán sỉ quần áo, hình thành một khu vực tập trung. Sau khi cảnh sát phát hiện ra nhiều xưởng may bất hợp pháp, nơi nhiều người Hoa nhập cư trái phép phải làm việc quần quật để trả món nợ vượt biên, nhiều xưởng may lén lút kiểu này đã phải tản mác khắp nơi, nhất là ngoại ô. Người Hoa bèn nhắm vào các lĩnh vực có vẻ ngon lành hơn như bar-tabac, vì khu vực này được nhà nước quản lý chặt chẽ, không có việc một cửa hàng cạnh tranh bất thần mọc lên.
Muốn mở một cửa hàng bar-tabac bán thuốc lá, rượu… phải có quốc tịch Pháp và có số vốn tối thiểu tương đương 33% trị giá cửa hàng. Hải quan thường không hỏi đến nguồn gốc số tiền, và để hỗ trợ cho khu vực này, kể từ hè 2010, không cần phải có vốn gốc. Còn riêng các cửa hàng PMU bán vé số, có tổng doanh thu đến gần 10 tỉ euro, thì trong năm qua các ông chủ mới người Trung Quốc chiếm đến 20%.
Một điều tra viên đã chú ý đến hồ sơ của hai anh em người Hoa có quốc tịch Pháp. Họ còn quá trẻ để nắm trong tay số vốn 100.000 euro dùng mua lại một bar-tabac ở Levallois. Hai người này cho biết họ được thừa kế của một người bà con ở Triết Giang, và chứng minh với giấy tờ công chứng bằng tiếng quan thoại, là tiền bán nhà ở Trung Quốc. Nhưng một căn nhà giá 100.000 euro ở vùng đó là khá hiếm, và khi xem xét kỹ hơn, các nhà điều tra phát hiện công chứng viên này cũng chứng thực cho nhiều hồ sơ mua lại các cửa hàng PMU khác. Các giấy tờ trên là giả mạo, và hơn 20 người Hoa ở Paris và vùng phụ cận đã bị điều tra. Kể từ đó đến nay, không có người gốc Trung Quốc nào đòi mua lại các cửa hàng PMU nữa.
Các thẩm phán nghiên cứu 11 hồ sơ có chứng từ công chứng giả, và nghi ngờ đây là nạn rửa tiền và trốn thuế. Tiền được chuyển từ Ngân hàng Trung Quốc, và đôi khi các điều tra viên truy ra được một vòng luân chuyển: tiền gửi từ Pháp về Trung Quốc, và quay trở lại Pháp dưới dạng tiền biếu tặng để mua lại một cửa hàng kinh doanh. Ngành tư pháp của Pháp chuẩn bị mở rộng phạm vi điều tra ra quốc tế, và cho biết vẫn chưa chứng minh được có liên hệ với mafia, chỉ giả thiết đây là việc trốn thuế. Các thẩm phán cũng nghi ngờ việc chơi hụi với lãi suất rất cao, còn một số nhân viên của các bar-tabac này cho biết có dấu hiệu rửa tiền. Hiện nay người Hoa có thể đang hướng sang việc mua lại khách sạn, các cửa hàng hoa tươi, hoặc mua lại đất trống ở Paris và vùng phụ cận để trồng trọt.
Thụy Vy