📞

Người Italy xuống đường phản đối viện trợ quân sự Ukraine

Minh Quân 16:18 | 06/11/2022
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế Italy chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ xung đột Nga-Ukraine và đại dịch Covid-19.
Cuộc tuần hành với biểu ngữ 'Bất bạo động' của người dân Italy tại Rome ngày 5/11 nhằm phản đối viện trợ quân sự cho Ukraine. (Nguồn: AFP/Getty Images)

Ngày 5/11, vẫy những biểu ngữ về “hòa bình”, “bất bạo động”, hàng chục nghìn người dân Italy đã tuần hành tại thủ đô Rome, kêu gọi ngừng hỗ trợ vũ khí cho Ukraine cũng như ngừng bắn. Thành viên của các liên đoàn lao động và hiệp hội Công giáo, hướng đạo sinh, sinh viên và các nhà hoạt động xã hội đã kêu gọi chấm dứt giao tranh, yêu cầu chính phủ nước này tìm ra một sáng kiến ngoại giao quốc tế nghiêm túc cho cuộc xung đột này.

Bà Cynthia Masini, bác sĩ 56 tuổi, nói: “Người Ukraine đang chết, người Nga đang chết và điều này chẳng có nghĩa lý gì. Chúng ta đang hỗ trợ vũ khí. Trong khi đó, con cái chúng ta đang êm ấm, trẻ em ở đó đang chết chóc. Thật không thể chịu đựng được".

Trước đó, ngày 2/11, Italy đã tạm dừng gói viện trợ quân sự thứ 6 cho Ukraine “vì cần phối hợp với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và xem xét chi tiết yêu cầu quân sự của Ukraine. Chỉ khi đó, chúng tôi mới biết Kiev cần gì và có thể cung cấp những vũ khí nào”.

Trước đó, Kiev được cho là đã yêu cầu Rome viện trợ các hệ thống tên lửa phòng không SAMP-T, song Bộ Quốc phòng Italy khẳng định không dư thừa vũ khí này và có thể gửi một loại vũ khí thay thế. Trong gói viện trợ quân sự thứ 5, Rome đã cung cấp “20 đến 30” khẩu pháo tự hành M109L cho Kiev. Italy cũng chuyển giao cho Ukraine các xe bọc thép M113, 6 khẩu pháo tự hành PzH 2000 và 2 hệ thống tên lửa phóng loạt trong 4 gói viện trợ trước đó.

Thủ tướng Italy Giorgia Meloni, người vừa tuyên thệ nhậm chức 2 tuần trước, là người ủng hộ Ukraine và cam kết sẽ tiếp tục duy trì quan điểm cứng rắn của người tiền nhiệm Mario Draghi trước Nga. Song bà đang phải đối mặt với làn sóng phản đối viện trợ quân sự cho Kiev, trong bối cảnh nền kinh tế Italy lao đao vì ảnh hưởng của xung đột và tăng trưởng chậm, với lạm phát đạt 12% vào tháng 10, cao nhất trong gần 3 thập kỷ.

(theo Euronews)