📞

Người lao động không trình độ sẽ làm gì trong Cách mạng 4.0?

11:50 | 31/10/2018
Sáng 31/10, tại Diễn đàn Khoa học Việc làm, tiền lương và năng suất lao động ở Việt Nam trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) do Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức, TS. Nguyễn Văn Thuật đã đặt ra một bài toán có thể gọi là "ngược", khi thay vì đưa ra các yêu cầu, tiêu chuẩn, giải pháp cho lao động Việt Nam trong cuộc CMCN 4.0, vị chuyên gia này đã đưa ra vấn đề ở một góc cạnh khác, đó là vị thế và cầu lao động giản đơn ở thị trường Việt Nam trong thời đại mới này. 

Với cách đặt vấn đề này, TS. Nguyễn Văn Thuật và nhóm nghiên cứu tiếp tục khẳng định rõ, cầu lao động giản đơn ngày càng giảm mạnh, tạo nên bức tranh lao động tự do, lao động trong khu vực phi kết cấu ngày càng phình to trong sự phát triển mạnh mẽ của CMCN 4.0, nếu chúng ta không có giải pháp đột phá và mang tầm chiến lược.

Diễn đàn Khoa học Việc làm, tiền lương và năng suất lao động ở Việt Nam trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0. (Ảnh: CV) 

Có thể nói, trong xu thế phát triển của cuộc CMCN 4.0, các công việc nặng nhọc đang được chuyển giao cho máy móc, công việc đòi hỏi kỹ năng tinh tế và chính xác hay công việc được thực hiện theo quy trình lập sẵn cũng đang được robot đảm nhận ngày càng nhiều dưới sự giám sát và điều khiển của con người. Vì thế, dự báo trong tương lai chủ yếu sẽ chỉ còn những lao động có tiềm năng về tư duy trí tuệ, lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật phù hợp với nhu cầu phát triển. Còn lao động giản đơn sẽ chỉ có thể đảm nhận những công việc mang tính chất dịch vụ phục vụ nhu cầu thiết yếu đòi hỏi kỹ năng mềm ngày càng cao. Đây cũng chính là tính tất yếu trong phân công lao động xã hội thời đại CMCN 4.0.

Trong khi đó, là một quốc gia đang hội nhập quốc tế sâu rộng và nền kinh tế có độ mở cao, nhưng lao động trong nền kinh tế Việt Nam chỉ "vàng" về số lượng chứ chưa "vàng" về chất lượng.

TS. Nguyễn Văn Thuật cho biết, có gần 77% lực lượng lao động Việt Nam không có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Đây là một nút thắt lớn trong trục phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam và được cho là không dễ khai thông trong "một sớm một chiều", bởi một lực lượng lao động giản đơn vẫn còn quá đông và chưa có dấu hiệu giảm nhanh trong suốt hàng thập kỷ qua.

Số liệu thống kê cho thấy, số lao động giản đơn hằng năm của Việt Nam gần như không giảm hoặc giảm rất chậm, giảm không đáng kể trong giai đoạn từ năm 2012 - 2017. Với khoảng 43 triệu lao động giản đơn hiện nay thì phần lớn không phải là lao động làm công ăn lương trong khu vực chính thức, mà chủ yếu là lao động nông nghiệp, lao động tự do và lao động trong khu vực phi chính thức, có công việc không ổn định và thu nhập thấp.

Thực tế đã bắt đầu cho thấy, loại hình lao động này đã khá ít trong khu vực chính thức, tương lai sẽ càng ít hơn, bởi giới chủ doanh nghiệp đều đã phải tính đến bài toán áp dụng tự động hóa nói riêng, công nghệ hiện đại đa tiện ích nói chung, để nâng cao hiệu quả kinh tế và sức cạnh tranh. Xu hướng này cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp sẽ cắt giảm nhân lực không phù hợp trong tương lai, chuyển dịch ngày càng nhanh chóng từ tận dụng lao động giản đơn, giá rẻ sang tận dụng máy móc, công nghệ hiện đại.

Có gần 77% lực lượng lao động Việt Nam không có trình độ chuyên môn kỹ thuật. (Nguồn: Baodansinh)

Vậy, người lao động giản đơn sẽ làm gì và phát triển thế nào trước những thách thức chưa từng có này?

Câu trả lời là, trong sự phát triển công nghệ mạnh mẽ của CMCN 4.0, để đảm bảo phục vụ những nhu cầu thiết yếu trong đời sống xã hội, lao động giản đơn trong một số ngành, lĩnh vực dịch vụ vẫn luôn có một vị thế và vai trò khá quan trọng trong bất kỳ giai đoạn phát triển nào của kinh tế thị trường ở mỗi quốc gia. Và thời đại CMCN 4.0 là một giai đoạn mới của tiến trình phát triển kinh tế thị trường.

Nghiên cứu của TS. Nguyễn Văn Thuật và nhóm nghiên cứu khẳng định, trong thời đại mới, dù robot, nhà máy thông minh hay dây chuyền sản xuất hiện đại hoàn toàn có thể thay thế, làm tốt hơn người lao động ở một số công việc nhất định, nhưng điều này sẽ không thể diễn ra theo hướng một chiều. Trên thực tế, việc làm truyền thống trong một số ngành nghề giảm đi, thậm chí sẽ mất đi, nhưng bên cạnh đó, xu hướng việc làm mới cũng sẽ được tạo ra cho người lao động nói chung và lao động giản đơn, đặc biệt là việc làm trong một số ngành, lĩnh vực dịch vụ, phục vụ những nhu cầu thiết yếu trong đời sống xã hội ngày càng đa dạng.

Tuy nhiên, nhu cầu cấp bách về nguồn nhân lực đáp ứng CMCN 4.0 vẫn là bài toán lớn cho nền kinh tế, cần giảm nhanh số lao động giản đơn theo hướng tinh gọn để gia tăng lực lượng lao động có trình độ tay nghề, phù hợp với nhu cầu xã hội.