📞

Người lao động “mở cửa” kỷ nguyên số ra sao?

14:59 | 14/11/2017
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh (Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp – Bộ GD&ĐT) cho rằng, doanh nghiệp chính là “nhà trường thứ hai” song hành với trường học để hình thành năng lực cho người lao động trong thời đại 4.0.
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh (Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp – Bộ GD&ĐT).

Thưa ông, Cách mạng Công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đã và đang tạo ra những thay đổi đột phá, tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế – xã hội mỗi quốc gia, từng khu vực và toàn cầu. Trong bối cảnh đó, giáo dục kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đang đứng trước những thách thức gì?

Chúng ta đang đứng trước không ít cơ hội và cả thách thức. Về thách thức, tôi cho rằng nền kinh tế của Việt Nam, trong đó doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) đang đóng góp trên 40% vào tăng trưởng GDP, còn lại phần khá lớn là của các doanh nghiệp FDI.

Với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, có lẽ yếu kém nằm ở sự manh mún, công nghệ còn lạc hậu. Phần lớn đội ngũ nhân lực làm việc trong các đơn vị này vẫn quen với thiết bị công nghệ 1.0 và 2.0. Một số doanh nghiệp FDI cũng sử dụng công nghệ chưa hiện đại nhất để khai thác lao động phổ thông.

Có thể nói, thách thức đối với lao động Việt Nam chính là về kỹ năng sử dụng công nghệ, khả năng tự học, thái độ hợp tác, tác phong làm việc, tư duy hệ thống, logic… Do hệ thống bao gồm các khâu công việc kết nối nhau có thể được tự động hoá và vẫn có khâu phải sử dụng lao động trong một chuỗi cung ứng sản phẩm. Một khâu tắc nghẽn, chắc chắn ảnh hưởng đến khâu khác.

Trước sự bùng nổ của CMCN 4.0, để đối phó với nhu cầu nhân lực, Việt Nam  cần phải chuẩn bị gì, thưa ông?

Trước hết, để biết nhân lực cần phải chuẩn bị gì, chúng ta nên xác định nhân lực cho CMCN 4.0 có đặc trưng gì? So sánh với nhân lực hiện tại của Việt Nam đang ở đâu trong mỗi lĩnh vực kinh tế, để từ đó xác định nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng. Hiện nay, trước những thay đổi rất nhanh của công nghệ và sự phức tạp trong giao tiếp người – máy, người ta cũng chưa thực sự hiểu hết bản chất việc làm thuộc một lĩnh vực nghề trong tương lai.

Với nhu cầu nhân lực cho công nghiệp 4.0, chúng ta cần phải chuẩn bị ngay từ bây giờ. Trước hết, sớm đưa chương trình STEM ở các mức độ khác nhau vào trong hệ thống giáo dục đào tạo. Mặt khác, với bối cảnh phải làm việc trong môi trường toàn cầu, đa dạng văn hóa đòi hỏi nhân lực

Việt Nam chuẩn bị đầy đủ các kỹ năng. Trong đó, họ cần có kỹ năng văn hóa, thái độ hợp tác, tác phong làm việc kỷ luật, ham học hỏi, đặc biệt là kỹ năng về công nghệ thông tin và ngoại ngữ.

Trong cuộc cách mạng công nghệ này, thị trường lao động sẽ bị tác động mạnh mẽ. (Nguồn:Tuoitrenews)

Để xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao có thể cạnh tranh, phù hợp với môi trường quốc tế, vai trò của sự liên kết giữa nhà trường và các doanh nghiệp ra sao?

Theo tôi, nhân lực chất lượng cao được đào tạo ra có thể thích nghi với sự thay đổi của thế giới, có năng suất lao động cao. Đồng thời, họ có khả năng làm tăng giá trị bản thân, của tổ chức và của cộng đồng nói chung.

Như vậy, người lao động tương lai được đào tạo trong nhà trường thôi chưa đủ, cần hình thành năng lực thông qua trải nghiệm thực tế. Cách tốt nhất là sự hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp để hình thành năng lực cốt lõi của người lao động.

Người lao động nên sớm làm quen với thực tế việc làm ở doanh nghiệp như môi trường văn hóa doanh nghiệp, trang thiết bị máy móc, cách thức giải quyết vấn đề trên thực tế... Ngoài tận dụng trang thiết bị và công nghệ sản xuất hoặc dịch vụ của doanh nghiệp, họ còn học được kinh nghiệm từ những chuyên gia, những thợ giỏi. Nói cách khác, doanh nghiệp chính là “nhà trường thứ hai” cùng song hành với trường học để hình thành năng lực cho người lao động.

Ông có đề xuất gì để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai?

Theo tôi, cốt lõi của vấn đề chính là nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông để hình thành năng lực nền tảng cho người lao động trong tương lai. Cần có sự điều phối nguồn lực hiệu quả cả công và tư. Ngoài ra, chương trình giáo dục cần được cải cách mạnh mẽ, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục các cấp, đội ngũ nhà giáo để hình thành các nhóm năng lực cốt lõi của công dân trong thời đại CMCN 4.0.

Bên cạnh việc trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục, cần khuyến khích mở rộng hợp tác với nước ngoài để tiếp nhận nguồn chất xám và kinh nghiệm trong phát triển nguồn nhân lực. Cuối cùng, muốn có nhân lực chất lượng cao để đương đầu với cuộc CMCN 4.0, bản thân người lãnh đạo dù ở cơ quan hành chính hay cơ sở giáo dục cũng cần phải có "năng lực 4.0" phù hợp.

 Xin cảm ơn ông!

PGS. TS. Hoàng Minh Sơn (Hiệu trưởng trường Đại học Bách Khoa Hà Nội):

"Có thể nói, CMCN 4.0 phát triển làm thay đổi hẳn thị trường lao động; thay đổi cơ cấu các ngành kinh tế - xã hội; thay đổi yêu cầu đối với chất lượng, kỹ năng nguồn nhân lực; thay đổi phương thức và cách thức tổ chức giảng dạy, học tập. Như vậy, nhiệm vụ của giáo dục đào tạo là cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Các trường cần căn cứ vào năng lực của mình, xác định rõ phân khúc thị trường lao động mà mình hướng tới. Đồng thời, họ nên xem lại sứ mạng cũng như xây dựng lại chiến lược phát triển, sẽ chuyển về đào tạo theo lĩnh vực nào, chương trình đào tạo thay đổi ra sao? Bên cạnh đó, các trường phải làm mới mình, sử dụng công nghệ mới như học trực tuyến kết hợp học tại chỗ. Với các trường đại học nghiên cứu và phát triển công nghệ cũng phải làm sao để đáp ứng và cung cấp được tri thức mới. Họ phải phát triển và áp dụng được tri thức mới của xã hội và thế giới nhằm tạo ra những sản phẩm, giải pháp để ứng dụng hiệu quả trong sản xuất và đời sống. Các trường cần xem xét biến động của CMCN 4.0 làm thay đổi cấu trúc xã hội như thế nào và những tác động tới xã hội ra sao. Trong đó, trọng tâm là các vấn đề việc làm, thất nghiệp, vấn đề chênh lệch mức thu nhập… Nhưng khó nhất chính là sự thay đổi từ phía người thầy. Không còn cách nào khác, giảng viên các trường cũng phải thay đổi, phải cập nhật kiến thức, tự học tập, đổi mới phương pháp giảng dạy để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động".

(thực hiện)