1. Người lao động trực tết được tính lương như thế nào?
Theo điểm b khoản 1 Điều 112 Bộ luật Lao động 2019 nêu rõ, người lao động được nghỉ làm, hưởng nguyên lương trong 5 ngày Tết Âm lịch.
Nếu ngày Tết Âm lịch trùng với ngày nghỉ hằng tuần thì người lao động được nghỉ bù ngày nghỉ hằng tuần vào ngày làm việc kế tiếp.
Do đó, người lao động được nghỉ làm vào ngày Tết Âm lịch theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, nếu do tính chất công việc mà bắt buộc phải có người trực vào ngày này, công ty phải trả lương cho người lao động theo quy định tại Điều 98 Bộ luật Lao động 2019 như sau:
- Đi làm vào ban ngày: Hưởng ít nhất là bằng 300% lương của ngày làm việc bình thường.
- Đi làm vào ban đêm: Hưởng ít nhất là bằng 390% lương của ngày làm việc bình thường. (300% (tiền lương làm thêm giờ ngày lễ, tết) + 30% (làm việc vào ban đêm) + 20% x tiền lương thực trả theo công việc làm vào ban ngày của ngày lễ, tết (300%) = 390%)
Do đó, nếu người lao động làm thêm giờ trong ngày Tết Âm lịch sắp tới, tính cả tiền lương của ngày hôm đó thì người lao động làm việc ban ngày sẽ được hưởng 400% tiền lương của ngày làm việc bình thường.
Đồng thời, đối với người làm thêm vào ban đêm vào ngày Tết Âm lịch, người lao động sẽ được hưởng 490% tiền lương của ngày làm việc bình thường.
2. Trường hợp nào người lao động không được từ chối làm thêm giờ vào ngày Tết?
Căn cứ theo quy định tại Điều 59 Nghị định 145/2020/NĐ-CP thì khi tổ chức làm thêm giờ, người sử dụng lao động phải được sự đồng ý của người lao động tham gia làm thêm về các nội dung như thời gian, địa điểm, công việc làm thêm…
Tuy nhiên, người sử dụng lao động có quyền yêu cầu người lao động làm thêm giờ vào bất kỳ ngày nào mà không bị giới hạn về số giờ làm thêm và người lao động không được từ chối trong trường hợp sau đây:
- Thực hiện lệnh động viên, huy động bảo đảm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật;
- Thực hiện các công việc nhằm bảo vệ tính mạng con người, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng ngừa, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm và thảm họa, trừ trường hợp có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của người lao động theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.
Như vậy, nếu thuộc các trường hợp nêu trên, người sử dụng lao động có quyền yêu cầu người lao động làm thêm giờ ngay cả vào ngày Tết Âm lịch và người lao động không được từ chối.
3. Người sử dụng lao động không trả đủ tiền lương trực tết bị phạt bao nhiêu tiền?
Theo khoản 2 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định phạt tiền đối với người sử dụng lao động không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm thêm giờ cho người lao động vào dịp tết như sau:
- Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
- Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
- Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
- Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
- Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
Như vậy, nếu người sử dụng lao động không trả lương làm thêm giờ vào ngày Tết Âm lịch thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Mức phạt tiền cụ thể sẽ tùy thuộc vào số người lao động không được trả lương, cao nhất là 50.000.000 đồng.
Theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP thì mức phạt nêu trên áp dụng cho cá nhân, trường hợp tổ chức vi phạm thì mức phạt gấp 2 lần mức phạt đối với cá nhân.