📞

Người lao động trước các đợt 'sóng' Covid-19

MỘC LAN 14:45 | 03/06/2021
Qua bốn làn sóng Covid-19 bùng phát ở Việt Nam, những người lao động cảm nhận rõ hơn hết những tác động nặng nề của đại dịch đến đời sống. Nhưng với họ, nghiêm túc tuân thủ các chính sách chống dịch chính là lợi ích của chính mình và của đất nước.
Thực hiện yêu cầu của UBND TP. Hà Nội về đóng cửa các cửa hàng, quán ăn, cà phê... để phòng chống dịch Covid-19, đường phố và vỉa hè Hà Nội vắng vẻ.

Từ tâm sự của tài xế xe taxi

Như một thói quen nghề nghiệp, mỗi khi bắt xe công nghệ di chuyển trong thành phố, tôi thường bắt chuyện với tài xế. Câu chuyện cũng chỉ loanh quanh về giao thông đô thị, về công việc của những người lái xe thời kỹ thuật số… Chỉ là những câu đối thoại thông thường để cảm giác quãng đường di chuyển ngắn lại, nhưng cũng phần nào tăng thêm vốn sống và trải nghiệm cho những người làm báo.

Hồi tháng 8/2020, tôi bắt xe từ nhà sang siêu thị Aeon Mall, Long Biên – quãng đường khoảng 6 cây số. Nhìn dáng anh tài xế có thể đoán cậu mới ngoài đôi mươi. Tôi hỏi: Trời nắng nóng như thế này, chắc em bận rộn lắm nhỉ?

Mong đợi câu trả lời tích cực từ tài xế, ý như là do thời tiết khắc nghiệt nên người dân ưa chuộng bắt xe ô tô công nghệ để di chuyển, em chạy xe liên tục, thu nhập ổn.

Ai dè, cậu tài xế tuôn một tràng dài: Từ sáng đến giờ đây là chuyến đầu tiên của em đấy. Dịch bệnh thế này (thời điểm đợt dịch Covid-19 lần thứ 2 bùng phát ở Việt Nam, đặc biệt là điểm nóng Đà Nẵng) ít người di chuyển lắm. Dù em đã tự trang bị hộp khẩu trang sẵn phòng khách quên, mua thêm nước rửa tay khô… nhưng mọi người vẫn đề phòng xe công cộng, sợ không an toàn.

Cậu tài xế tâm sự: Vừa tốt nghiệp cấp 3, em định xin đi làm công nhân ở khu công nghiệp nhưng thấy bạn bè bảo làm lái xe công nghệ thu nhập tốt nên nhờ bố mẹ hỗ trợ một phần, phần còn lại vay ngân hàng, em mua chiếc xe cũ để làm công cụ kiếm sống. Không ngờ vừa quen việc được vài tháng thì đại dịch Covid-19 ập đến. Tiền ngân hàng chưa trả hết, chi phí đổ xăng, tiền gửi xe ban đêm và các phụ phí khác làm em đang không biết xoay xở ra sao. Bán xe thì cũng lỗ mà để xe thì không biết những ngày trước mắt như thế nào. Bạn bè của em nhiều người bỏ nghề về quê làm nông nghiệp rồi. Dịch cứ rập rình trước cửa, chẳng biết bao giờ yên ổn để yên tâm kiếm sống!

Rồi cậu tài xế cũng tự an ủi mình: Nhưng chị ạ, em vẫn thấy dù gì thì mình vẫn có thể đi làm, vẫn có chút thu nhập. Đọc báo, xem ti vi thấy nhiều nước đang phải phong tỏa, không được ra ngoài; bệnh viện quá tải; người chết tăng lên từng ngày, em thấy hãi quá. May mắn là nhà nước mình chống dịch rất nghiêm nên số ca nhiễm không nhiều. Còn người, còn của chị nhỉ!

Như nhiều người lao động khác, cậu thanh niên vừa mới chập chững lập nghiệp phải đương đầu với những ảnh hưởng không lường trước và chưa có tiền lệ của đại dịch. Dù khó khăn nhưng cậu vẫn lạc quan, tin tưởng vào chính sách chống dịch quyết liệt của Nhà nước.

Đến nỗi niềm của chị chủ quán cà phê

Có thâm niên 15 năm bán cà phê nhưng chị Nga, chủ quán cà phê ở phường Trúc Bạch (quận Ba Đình, Hà Nội) chưa bao giờ rơi vào tình cảnh ế khách như hiện nay. Không kể đến các thời điểm thực hiện chính sách đóng cửa các cửa hàng ăn uống, giải khát trong thời điểm dịch căng thẳng, từ đầu năm 2020, khách hàng của chị giảm hẳn.

Chị Nga lý giải, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhiều người đang hình thành thói quen giảm ăn uống ở ngoài mà chuyển sang tự làm ở nhà. Hơn nữa, tác động của dịch bệnh nên thu nhập của nhiều người giảm, một số người mất việc làm nên khoản chi tiêu dành cho “giải trí, ăn uống bên ngoài’ cũng bị cắt.

Hiểu được thói quen sinh hoạt thay đổi do dịch bệnh và ủng hộ chính sách “chống dịch như chống giặc” của Chính phủ nhưng công việc kinh doanh của chị Nga cũng không khỏi lao đao.

Không còn cách nào khác, chị đành cho một số nhân công làm việc lâu năm nghỉ việc do không đủ chi phí trả lương. Một mình chị xoay đủ việc từ mua nguyên liệu, chế biến, phục vụ khách. Chị cũng đang thử nghiệm bán hàng online vì xác định chưa biết bao giờ dịch hết. Chị cũng đang tính phương án trả mặt bằng quán do doanh thu không bù được chi phí thuê cửa hàng. Với việc bán hàng online, chị có thể làm bán hàng từ nhà mình, tiết kiệm chi phí thuê cửa hàng.

Tháo gỡ khó khăn cho người lao động

Để duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế, phấn đấu thực hiện cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, song hành với việc chống dịch, ngày 29/5/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 84/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và đảm bảo an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Theo đánh giá của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, đợt dịch Covid-19 bùng phát từ cuối tháng Tư đến nay đã tác động mạnh vào nhiều ngành, nghề, khu vực, nhóm lao động.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong quý I/2021, dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến 9,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên, trong đó 540.000 người bị mất việc và hàng triệu lao động phải tạm nghỉ, nghỉ giãn việc, giảm thu nhập.

Các số liệu thống kê cho thấy lao động ở khu vực thành thị bị tác động mạnh của dịch Covid-19 khi phải tiến hành các biện pháp phòng dịch tại các nhà máy, công xưởng, các cơ sở dịch vụ. Trong 3 khu vực thì lao động khu vực nông, lâm, nghiệp và thủy sản chịu ít tác động tiêu cực của dịch nhất (7,5%), tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng (16,5%), khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất (20,4%).

Trước thực trạng này, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ được tổ chức đầu tháng 5/2021, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề xuất Chính phủ giao Lao động – Thương binh và Xã hội nghiên cứu, thực hiện các chính sách, giải pháp hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19; đồng thời, đẩy mạnh kết nối cung cầu thị trường, hỗ trợ tìm việc làm cho người lao động.

Dù cậu tài xế, chị Nga chủ quán cà phê chưa rõ mình thuộc đối tượng được hỗ trợ như thế nào theo các chính sách hỗ trợ người lao động của Chính phủ nhưng cả hai đều chỉ có mong ước duy nhất: dịch Covid-19 sớm được khống chế để công việc trở lại bình thường.

Dù thu nhập có ít đi nhưng họ nhiệm túc thực hiện 5K và hết lòng ủng hộ các chính sách phòng chống dịch của Chính phủ.