Tiến sĩ văn học Nguyễn Huy Hoàng trong Lễ ra mắt cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm bằng tiếng Nga. |
Hành trình thực hiện lời hứa
Đó là cuộc gặp gỡ tình cờ trên chuyến bay từ Mátxcơva về Hà Nội vào năm 2006. Lúc đó khoảng 21h, cô chiêu đãi viên rút về ghế riêng của mình, lặng lẽ ngồi đọc một cuốn sách. Buồn vì mấy tờ tạp chí đã đọc hết, sách lại nằm cả ở khoang hành lý nên ông đề nghị mượn cuốn sách của cô. Bất ngờ nhận ra tác phẩm mình cầm trên tay là Nhật ký Đặng Thùy Trâm, ông đã đọc một mạch đến khi máy bay tiếp đất. Tới nhà, đặt vali xuống, ông gọi điện cho người bạn vong niên là nhà phê bình Vương Trí Nhàn để tìm điện thoại và địa chỉ nhà chị Đặng Thùy Trâm. Hôm tới nhà, ông đã nói với bà Doãn Ngọc Trâm, mẹ của nữ bác sĩ - liệt sĩ: "Cháu sẽ cố gắng tổ chức dịch cuốn nhật ký này sang tiếng Nga. Bởi vì cháu có cảm tưởng rằng tác phẩm này chị viết ra không chỉ dành cho bạn đọc Việt Nam".
Sau lời hứa ở nhà liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, quay trở lại Nga, TS Nguyễn Huy Hoàng vội tìm gặp các tổ chức, doanh nghiệp người Việt ở Nga để tìm sự hỗ trợ nhưng gặp trở ngại. Phải đến đầu tháng 6/2011, ở Nga ra đời một Câu lạc bộ May Thăng Long của anh em người Việt. Điều kỳ diệu là họ cũng có ý tưởng chuyển tải cuốn nhật ký ra tiếng Nga, sẵn sàng tài trợ toàn bộ việc in cuốn sách và ông đã đủ dũng cảm quay về gặp bà Doãn Ngọc Trâm để xin phép gia đình cho dịch và in cuốn nhật ký này.
“Tài sản của thế hệ chúng tôi"
Theo TS Nguyễn Huy Hoàng, dù chưa đến nước Nga, nhưng trong nhật ký, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm đã viết rất nhiều về nước Nga, từ hình ảnh Paven Kortraghin trong tác phẩm Thép đã tôi thế đấy tới những tấm gương anh hùng sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì nước Nga. Hơn thế nữa, Đặng Thùy Trâm chưa bao giờ qua một lớp viết văn nào nhưng chị đã viết như một nhà văn. Nhật ký Đặng Thùy Trâm bản tiếng Nga do Tiến sĩ Anatoli Sokolov - Viện Đông phương học (Nga), Tiến sĩ Lê Văn Nhân - nguyên Trưởng khoa Tiếng Nga, ĐH Ngoại ngữ Hà Nội hợp tác dịch được đặt tên là Nhật ký của một bác sĩ trong chiến tranh. Xuất bản 3.500 bản, cuốn sách này in ra chỉ để tặng độc giả. Sau khi giới thiệu và tặng các độc giả Việt Nam, 2.500 cuốn sẽ được mang sang giới thiệu và tặng các bạn đọc Nga vào tháng 9 tới.
Cũng theo thông tin của TS Hoàng thì 20 năm qua, kể từ năm 1992 đến nay gần như không có tác phẩm văn học Việt Nam nào được dịch giới thiệu tới công chúng Nga. Vì vậy, không riêng có người Nga mà một thế hệ người trẻ Việt Nam sinh sống tại đây khi biết tin cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm được xuất bản cũng rất hồi hộp đón đợi. Nói như lời giới thiệụ ông: "Giờ đây nó đã trở thành tài sản của thế hệ chúng tôi, trở thành cuốn sách gối đầu giường của những người yêu hòa bình và căm ghét chiến tranh trên trái đất này".
HẢI THANH