📞

Người Nga nghĩ cách biến đất Mặt trăng thành... 'bê tông'

09:45 | 22/07/2019
Các nhà khoa học Nga đang nghiên cứu phát triển công nghệ nung kết đất Mặt trăng thành bề mặt cứng, ở căn cứ Mặt trăng tương lai, để có thể loại bỏ lớp bụi dính dưới chân các phi hành gia.    
Lớp đất mặt (regolith) trên Mặt trăng có độ bám dính rất cao vào bộ áo giáp vũ trụ.

Ông Evgeny Slyuta, Trưởng phòng thí nghiệm hóa học Mặt trăng và các hành tinh thuộc Viện Hóa học và Hóa phân tích (Viện Hàn lâm Khoa học LB Nga) cho biết: "Để xây dựng cơ sở hạ tầng Mặt trăng trong tương lai, chúng tôi đang phát triển cách thức cho phép nung kết đất bề mặt Mặt trăng tạo thành một lớp phủ vững chắc".

Để nung kết đất bề mặt, các nhà khoa học đang nghiên cứu khả năng sử dụng năng lượng mặt trời tích hợp, cộng lực chiếu tia laser và bức xạ vi sóng.

“Công trình nghiên cứu này đang ở giai đoạn ban đầu. Nhưng giải pháp của bài toán sẽ cho phép bảo vệ chủ thể cơ sở hạ tầng khỏi tác động của bụi Mặt trăng”, ông Slyuta cho hay.

Chuyên gia này giải thích rằng, lớp đất mặt (regolith) trên Mặt trăng có độ bám dính rất cao vào bộ áo giáp vũ trụ và thiết bị khoa học.

"Sở dĩ như vậy là do hình dạng của các hạt, bởi không giống như bụi cát Trái đất, lớp regolith này không bị gió và nước cuốn đi, thêm nữa có những góc nhọn sắc. Sức bám dính đó cũng do đặc điểm tĩnh điện của các hạt regolith. Trong khoảng thời gian Mặt trời chiếu sáng, bụi đất tích điện và nổi lên trên bề mặt. Nó rất nhỏ, kích thước khoảng vài chục micron vì thế không thể nhìn thấy rõ”, nhà khoa học nói thêm.

(theo Dân trí/Sputnik)