Nghiên cứu mới cho thấy 59% người Nhật cảm thấy có lỗi khi đi nghỉ mát, chỉ đứng sau Hàn Quốc, nơi mà 69% số người được hỏi có trải nghiệm tương tự. Số liệu vừa được trang web du lịch Expedia tiết lộ sau khi tiến hành nghiên cứu về tình trạng thất vọng trong kỳ nghỉ của người lao động ở các nước châu Á năm 2016.
Người Nhật cảm thấy không thoải mái khi đi nghỉ mát theo chế độ. (Nguồn: Pixabay) |
Tuy nhiên, không phải tất cả các nước châu Á đều có thái độ tương tự. Ở Buhtan, khi hoàng đế trẻ nhất vương quốc Phật giáo Himalaya lên ngôi năm 2008, họ đã đánh dấu sự kiện trọng đại này bằng 40 ngày kỷ niệm, trong đó có hai tuần nghỉ việc hoàn toàn.
Hệ lụy từ cách nuôi dưỡng
Chuyên gia tâm lý học, Tiến sỹ tại Viện Tâm lý học (Học viện Khoa học Nga) Nadezhda Mazurova - người đang làm việc cả ở Nga và Nhật Bản cho hay, sở dĩ có hiện tượng như vậy một phần là do người châu Á vốn nổi tiếng làm việc chăm chỉ. Bà nói: "Ngoài tâm lý dân tộc, nhiều khả năng lý do bắt nguồn từ hệ thống tư tưởng họ được nuôi dạy từ khi còn nhỏ”.
Bà giải thích thêm rằng, trẻ em châu Á nói chung và trẻ em Nhật Bản nói riêng được dạy từ nhỏ là không nên khóc lóc và gây rắc rối cho những người xung quanh. Lớn thêm một chút, chúng được yêu cầu phải nghe lời giáo viên và cư xử một cách ngoan ngoãn. Khi trưởng thành, những bài học này đã ăn sâu vào tiềm thức của trẻ. Bởi vậy, việc có hành xử khác biệt hoặc gây phiền phức cho ai đó trở thành là điều tồi tệ nhất. Tâm lý này khiến nhiều người chỉ có thể cảm thấy thoải mái khi hành xử đúng mực và làm việc chăm chỉ.
Tuy nhiên, cảm giác tội lỗi khi vi phạm bất kỳ một quy tắc nhỏ nhất nào hoặc kết quả công việc không tốt có thể dẫn đến những hoảng loạn về tâm lý, chuyên gia tâm lý học này cho biết. Bà cũng lưu ý rằng người Nhật quen với việc không được nghỉ mát theo chế độ. Hành vi này của họ đã được hình thành từ cách đây rất lâu, theo kiểu "Tôi nợ nhà nước này, tôi nợ công ty này, và họ không phải trả nợ cho tôi".
"Rất có thể vì lý do này mà nhiều nhân viên người Nhật cảm thấy không thoải mái khi đi nghỉ mát theo chế độ", bà lý giải.
Giải pháp bắt buộc
Có một thực tế thú vị là Nhật Bản đứng hàng đầu thế giới về số lượng đồ đạc bị bỏ quên trên các phương tiện giao thông công cộng. Người Nhật thường ngủ trên đường về hoặc đi làm.
Có khoảng 10.000 người chết mỗi năm tại Nhật Bản do làm việc quá sức. Tình trạng này phổ biến tới mức ở Nhật đã có riêng một thuật ngữ đặc biệt là Karoshi - nghĩa đen theo tiếng Nhật là "chết do làm việc quá sức".
Tuy nhiên, cũng trên một tạp chí của Nhật Bản, người Nhật xếp hàng đầu thế giới về số lượng người không cảm thấy "cần phải nghỉ ngơi".
Nadezhda Mazurova cho biết có sự mâu thuẫn nhất định giữa những gì con người nghĩ và những gì họ cảm thấy.
"Về nhận thức, có thể họ nhận ra rằng cơ thể cần phải nghỉ ngơi nhưng lại không thể thư giãn hoặc ngủ ngon vào ban đêm. Do vậy, nhiều người phải dựa vào một số phụ trợ bên ngoài như rượu hay thuốc nhưng bản thân họ lại không nhận ra mình đang phụ thuộc điều đó", bà nói. Do đó, nếu biết mình nghỉ ít số ngày hơn những người nước khác, người Nhật có thể cảm thấy thoải mái hơn rất nhiều.
Theo Alexander Panov, cựu Đại sứ Nga tại Nhật Bản (1996-2003), người Nhật thường bắt đầu đi du lịch và nghỉ ngơi khi về hưu.
“Tuy vậy, khi đi du lịch, người ta sẽ hiếm khi thấy người Nhật nghỉ ngơi trên bãi biển, tắm nắng, bơi lội hoặc không làm gì cả. Họ thường di chuyển từ thành phố này sang thành phố khác để ngắm nhìn và học hỏi càng nhiều càng tốt. Có lẽ vì vậy nên họ vẫn cảm thấy hài lòng khi ngày nghỉ của họ đang ít đi", ông Alexander Panov lý giải.
Thái độ về việc nghỉ ngơi đã và đang trở thành mối quan tâm lớn đối với các nhà chức trách Nhật Bản, những người cố gắng khuyến khích cư dân của mình nghỉ ngơi nhiều hơn, để giảm thiểu xu hướng làm việc quá sức của họ, đơn cử như việc yêu cầu người lao động phải trải nhận một kỳ nghỉ ít nhất năm ngày.