📞

Người ra đề thi phải là “bộ lọc” thông minh

08:22 | 22/12/2017
Trong những ngày gần đây, dư luận xôn xao việc đưa các đề tài xã hội như chuyện đua đòi, bạo lực, thậm chí “tham nhũng để báo hiếu” vào đề thi. Nhiều người ủng hộ cách ra đề thi “mở” để khơi gợi sự sáng tạo cũng như tự chủ cho học sinh.

Bàn về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Khánh Trung (Trưởng Dự án Giáo dục Emile Việt) cho rằng, đề thi phải có tính văn hóa và giáo dục cao, vì thế người ra đề phải là những “bộ lọc” thông minh.

Mấy năm trở lại đây, chuyện đưa những vấn đề xã hội, thời sự vào đề thi trở thành trào lưu và được nhiều trường áp dụng. Là một chuyên gia, ông suy nghĩ như thế nào về các đề thi “mở” như vậy?

Tiến sĩ Nguyễn Khánh Trung (Trưởng Dự án Giáo dục Emile Việt)

Theo tôi, việc đưa các vấn đề xã hội, thời sự vào các đề thi là bình thường và cần thiết. Giáo dục nhà trường nên mang hơi thở của cuộc sống, nên hướng người học đến các vấn đề của xã hội thường nhật để tìm cách giải quyết.

Hơn nữa, khi bám sát vào cuộc sống nghĩa là bám sát vào những điều cụ thể, thân thuộc xung quanh học sinh. Qua đó, sẽ làm cho học sinh hứng thú, tạo ra động lực học tập cho các em nhiều hơn. Con người ta thường có động lực khi được làm, được học những điều nằm trong mối quan tâm, những gì thích thú, hữu ích gắn liền với cuộc sống của mình.

Tuy nhiên, cũng cần phân biệt giữa kiến thức, kinh nghiệm thường nhật với tri thức khoa học. Kiến thức và kinh nghiệm thường nhật là những kiến thức dân gian. Đó là những kinh nghiệm đời thường, vấn đề xã hội được đúc kết, được truyền tai nhau mà không cần đến trường lớp nào.

Còn tri thức khoa học là kiến thức được đúc rút từ những nghiên cứu, thí nghiệm, thường đã được kiểm nghiệm. Đó là sản phẩm của cộng đồng các nhà khoa học và các nhà giáo dục, được chuyển tải trong các ấn phẩm chính thức như sách giáo khoa.

Những kiến thức và kinh nghiệm thường nhật là chất liệu quý của các tri thức khoa học. Nó có thể làm biến đổi hay làm căn cứ tạo ra các tri thức mới. Nhưng cũng phải nói thêm rằng, đó không phải hoặc chưa trở thành các tri thức khoa học.

Sáng 11/12, học sinh khối lớp tám và chín trên địa bàn quận 3, TP. HCM làm bài kiểm tra cuối học kỳ I năm học 2017-2018 môn Giáo dục công dân. Trong đề kiểm tra dành cho học sinh lớp chín có câu: "Hiện nay trong xã hội, có những người dùng tiền thu lợi từ việc mua bán hàng gian, hàng giả; từ việc tham những, nhận hối lộ… để đem về phụng dưỡng, chăm sóc cha mẹ già. Họ nghĩ đó là cách để "báo hiếu" với cha mẹ của mình. Theo em, việc làm trên thể hiện lòng hiếu thảo có hợp lý không? Vì sao? Em hãy liên hệ với bản thân mình bằng những việc nên làm và việc không nên làm để báo hiếu với cha mẹ ngay ở hiện tại và cả tương lai".

(Nguồn: tuoitre)

Vậy việc lựa chọn đề tài cũng cần phải chọn lọc chứ không phải vấn đề gì cũng đưa vào đề thi?

Trường học là nơi tạo ra và chuyển tải các tri thức khoa học chứ không chỉ là nơi chuyển tải các kiến thức và kinh nghiệm đời thường. Nói như vậy để thấy rằng, hãy cứ đưa những vấn đề thời sự xã hội vào đề thi và các bài giảng một cách rộng rãi. Tuy nhiên, đề thi phải gắn kết với các tri thức, các lý thuyết khoa học để làm mới, làm sống động, làm dễ hiểu các tri thức khoa học được giảng dạy. Chúng ta không thể chạy theo theo tính thời sự mà bỏ quên chức năng học thuật của nhà trường.

Khi cho trẻ được làm bài kiểm tra, bài thi gắn với hơi thở thời sự sẽ giúp các em chủ động hơn. Tuy nhiên, người ra đề thi phải là “bộ lọc” thông minh trong việc đưa các vấn đề vào đề thi để đảm bảo tính giáo dục và có văn hóa. Bởi nếu quá đắm đuối trong chuyện này, hoặc lạm dụng sẽ có nguy cơ lẫn lộn giữa hai loại kiến thức. Như vậy, sẽ tầm thường hóa các tri thức khoa học và những người làm ra chúng và người được đào tạo để chuyển tải.

Theo tôi, tốt hơn hết là dung hòa cả hai, việc giảng dạy không chỉ khép mình vào “lâu đài” của các tri thức khoa học mà quên mất đời sống thường nhật với những câu chuyện thời sự đang xảy ra. Chúng ta cũng không nên chỉ dừng lại ở khả năng “kiến tạo” của các em học sinh mà phải kết hợp, phải hỗ trợ nhau để cùng phát triển.

Tiến sĩ có góp ý gì về việc Việt Nam nên có nhiều đề thi mang tính xã hội bởi theo nhiều ý kiến, học sinh nước ta đang được đào tạo khá xa rời thực tế?

Đúng là chương trình, nội dung giảng dạy hiện nay đang rất xa rời thực tế và đời sống xã hội. Theo tôi, điều này ảnh hưởng không tốt đến động lực học tập của học sinh.

Tại những nước mà tôi biết như Pháp và Phần Lan, việc giảng dạy các kiến thức khoa học thường gắn với đời sống hằng ngày của học sinh. Chẳng hạn, giáo viên yêu cầu học sinh sử dụng các phép tính để tính tiền điện nước, hay tiền chi tiêu của gia đình trong một tháng. Có khi học sinh phải lấy các kiến thức về hóa học để pha chế màu trong môn vẽ. Hoặc các em sử dụng kiến thức văn chương, triết học, chính trị để tập tành bình luận, cho ý kiến trên các vấn đề chính trị xã hội đang xảy ra…

Đó là cách vận dụng những tri thức khoa học vào đời sống thường nhật để phục vụ cho cuộc sống, chứ không phải là làm “tầm thường hoá” các tri thức khoa học.

Ở trên thế giới có phương pháp giáo dục nào gắn với thực tế xã hội để giúp trẻ tự chủ, có thể nói lên chính kiến của mình hay không?

Giáo dục tự chủ cho học sinh về mặt trí tuệ, về mặt cảm xúc tinh thần cũng như về mặt thể chất là mục tiêu số một của các nền giáo dục tiên tiến. Muốn vậy, điều này phải thể hiện xuyên suốt nội dung chương trình giảng dạy và tinh thần học tập của các em.

Trong các buổi họp phụ huynh ở Pháp, chúng tôi thường nghe giáo viên bình luận về các con. Chẳng hạn: “cháu có nhiều điều trong đầu nhưng còn gặp khó khăn khi diễn tả ra miệng”.

Những điều “trong đầu” mà giáo viên đề cập là những chính kiến, suy nghĩ riêng và ý tưởng của cháu về những gì được học. Cũng có thể là các vấn đề xã hội đang xảy ra mà do cháu nhút nhát hay do tư duy chưa được mạch lạc để có thể trình bày một cách thuyết phục… Từ đó, nhà trường ưu tiên rèn luyện để trẻ phát huy được thế mạnh của mình. Theo tôi, đây là một trong những cách thức giáo dục tự chủ cho học sinh mà Việt Nam có thể vận dụng.

Muốn học sinh có tự chủ, có chính kiến nhất thiết phải trang bị cho các em khả năng tư duy độc lập, tinh thần phản biện. Điều này không phải là một môn học hay một phong trào mà phải được thể hiện thông qua toàn bộ chương trình cũng như trong từng môn học và từng hoạt động giáo dục.

Xin cảm ơn tiến sĩ!

(thực hiện)