Chúng tôi gặp vợ chồng người lính già tại nhà riêng số 9 ngõ 144/2 An Dương Vương, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, ven đê sông Hồng. Căn nhà này đã trở thành một điểm hẹn quen thuộc của những đồng đội cũ của ông - những cựu chiến binh của chiến trường Trị Thiên khói lửa năm xưa. Bởi nơi đây đang lưu giữ và trưng bày nhiều hiện vật còn sót lại sau cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, kết thúc bằng thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh 30/4/1975.
Ông Nguyễn Mạnh Hiệp bên một số hiện vật tại Bảo tàng. (Ảnh: Trung Hiếu/TGVN). |
Cứ vào dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn, căn nhà khoảng 20m2 của ông Hiệp lại đón nhiều lượt khách từ mọi nơi về tham quan. Cách đây hơn một năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội đã quyết định thành lập Bảo tàng Ký ức chiến tranh Hà Nội tại chính căn nhà của người cựu chiến binh này.
Tuổi tuy đã cao nhưng khi được hỏi về ký ức của những năm tháng chiến đấu gian khổ mà hào hùng, ánh mắt người lính già vẫn lấp lánh những tia sáng rạng ngời khó tả. Năm 1967, người thanh niên 18 tuổi Nguyễn Mạnh Hiệp tình nguyện đi bộ đội mặc dù thuộc diện miễn nhập ngũ do có anh trai là liệt sĩ. Trong những tháng ngày gian khổ mà anh dũng đó, ông cùng đồng đội đập tan cuộc càn quét của 13 tiểu đoàn Mỹ-ngụy năm 1968 tại đồi Abia (Thừa Thiên-Huế), nơi được biết đến với cái tên ghê rợn Đồi Thịt Băm. “Quân Mỹ đặt cho trận đánh ấy cái tên lãng mạn “Tuyết rơi trên đỉnh núi”, nhưng quân ta đã biến nó thành “Máu rơi trên đỉnh núi”, ông trầm ngâm.
Trong lúc khí thế chiến đấu đang hừng hực, ông bị thương nặng tại chiến trường Hải Lăng (Quảng Trị) cuối năm 1969 và được chuyển ra tuyến sau điều trị. Sau đó, ông được điều về làm cán bộ huấn luyện cho các đơn vị và năm 1972, ông chuyển về công tác tại Bộ Văn hóa rồi Bộ Giao thông Vận tải đến lúc nghỉ hưu.
Về ý tưởng xây dựng bảo tàng, ông Hiệp tâm sự: “Bao nhiêu đồng đội đã ngã xuống trên chiến trường ác liệt. Tôi muốn làm gì đó để giữ họ mãi bên mình, cũng để thế hệ trẻ bây giờ biết đến và trân trọng những giá trị thuộc về lịch sử”. Thoạt đầu, thấy ông khuân về nhiều thứ cũ gỉ sét như vỏ bom đạn... bày đầy nhà, lại tốn tiền, bà Phan Hồng Liên vợ ông không vui. Nhưng khi hiểu ý của chồng, bà hết lòng ủng hộ. Từ năm 1990, ông lặn lội khắp các chiến trường xưa, tìm vào các bãi phế liệu, bỏ tiền sưu tầm những “ký ức chiến tranh” còn đây đó. Mỗi hiện vật là một câu chuyện về cuộc kháng chiến gian khổ mà hào hùng của dân tộc.
“Tôi đi khắp Sơn La, Lai Châu, Thanh Hóa, Nghệ An, rồi Tây Nguyên... những nơi tìm thấy nhiều hiện vật nhất chính là Quảng Trị”, ông kể. Vết thương ở đầu năm xưa thỉnh thoảng tái phát khiến ông đau nhói mỗi khi trái gió trở trời, nhưng không thể làm ông dừng bước.
Năm 2009, ông tình cờ biết ở Khe Sanh (Quảng Trị) có vỏ quả bom nặng 500kg. Sợ chậm thì nhỡ việc, ông tức tốc bắt xe vào Quảng Trị bất chấp trời mưa bão. Không đủ tiền, ông vay mượn bạn quen mua vỏ quả bom hết 5 triệu đồng, nhưng tiền thuê xe tải chở ra tốn hơn 7 triệu nữa. “Đã trót ham mê sưu tầm rồi đành phải chấp nhận tốn kém”, ông vừa cười vừa nói. Ông Hiệp tâm sự, trên đường ra Bắc, vỏ bom suýt bị cảnh sát giao thông thu giữ, nhưng sau rồi lại được đi khi ông giải thích đưa về làm bảo tàng. Về đến nhà, trong túi chỉ còn ít tiền lẻ, phải chịu mưa, lạnh, đói, nhưng ông vô cùng mãn nguyện.
Hiện nay, bảo tàng kỷ vật chiến tranh của ông đầy đủ các vật dụng thời chiến của quân đội ta, như mũ cối, ba lô, cặp lồng, hộp thuốc, điện thoại... cho đến các loại vũ khí, máy móc tối tân của địch như súng đạn, máy tra tấn điện, đặc biệt có tấm áo giáp chống đạn dày cộp, nặng trịch của phi công Mỹ đã bị đạn bắn vỡ.
Đặc biệt đập vào mắt người tham quan là chiếc vỏ bom 500kg và 2 quả đạn 175mm - “Vua chiến trường” của quân đội Mỹ trong cuộc chiến. Có cả “cây nhiệt đới” - thiết bị do thám trong hệ thống hàng rào điện tử McNamara của quân Mỹ. Cách trưng bày này giúp người xem thêm ngưỡng mộ những người lính Việt Nam đã làm nên chiến thắng trước đội quân xâm lược hùng hậu, được trang bị tối tân hiện đại. Bảo tàng còn có hơn ngàn tấm ảnh sinh động, gồm rất nhiều ảnh tư liệu do phía bên kia chụp và ảnh các nữ thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh), có những tấm chưa từng được công bố.
Cùng trò chuyện với chúng tôi, cựu chiến binh, đại tá Nguyễn Xuân Hoạt (sống tại Vinh, Nghệ An) nói, ông rất trân trọng công sức sưu tầm hiện vật chiến tranh của ông Hiệp. “Đây là việc làm rất có ý nghĩa. Các cựu chiến binh chúng tôi có thêm một điểm đến quen thuộc để cùng nhau ôn lại những năm tháng máu lửa hào hùng”. Còn đại tá Hồ Hữu Lạng (Nghệ An) chia sẻ: “Anh Hiệp là người có tâm với đồng đội, việc làm của anh rất hợp lòng anh em. Tôi rất cảm động nên hôm nay tôi mang tới đóng góp bộ sưu tập 40 tấm ảnh cho bảo tàng”.
Về phần mình, ông Hiệp ước ao có tiền mua về cho bảo tàng thêm chiếc xe Command car của quân đội ta thời đánh Mỹ và chiếc xe Jeep của Mỹ. “Tôi mong chính quyền địa phương ủng hộ tôi hơn nữa trong việc quảng bá cho bảo tàng, cũng mong bảo tàng sẽ được mở rộng quy mô để phục vụ nhiều người xem hơn, đặc biệt là giới trẻ, học sinh, sinh viên”, ông Hiệp tâm sự.