Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống hiếu học ở vùng quê lúa Thái Bình, thầy Trần quyết theo nghề giáo để nối nghiệp gia đình. Thời gian đi học, ước mơ của thầy là trở thành thầy giáo dạy Văn, nhưng khi vào học tại trường Đại học Sư phạm, thầy lại được phân vào khoa Sử - Địa. Càng học tập và tìm hiểu, thầy Trần càng thêm yêu và say mê với môn Sử. Thầy cho rằng, đó là cơ duyên của thầy với "nghề dạy Sử".
Thầy Trần dạy Sử
Đến thời điểm này, thầy nhớ nhất về những năm tháng bắt đầu sự nghiệp tại trường Cấp 3 Thanh Chương. Đây là một huyện bán sơn địa của tỉnh Nghệ An, nằm dọc hai bờ tả và hữu ngạn dòng sông Lam. Lúc bấy giờ, xứ Nghệ còn nghèo khó, khoai ngô nhiều hơn lúa gạo. Năm 1961, thầy Trần được phân công về đây công tác. Vượt qua những băn khoăn, thầy quyết định xa quê hương đến một chân trời mới để làm việc với sức trẻ và đam mê nghề nghiệp.
Tại vùng đất có truyền thống yêu nước, yêu cách mạng, bài giảng lịch sử của thầy Trần như thắp lên niềm tự hào, tình yêu quê hương, đất nước cho học trò xứ Nghệ. Có lẽ, chính cái nơi giàu tình nghĩa ấy đã vun đắp cho thầy thêm nhiệt huyết để gắn bó với sự nghiệp trồng người.
Năm 1965, thầy chuyển công tác về Thái Bình và sau đó giảng dạy tại khoa Đào tạo giáo viên cấp 2 thuộc trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Năm 1972, đất nước bước vào giai đoạn chiến tranh ác liệt nhất, thầy Trần lên đường nhập ngũ. Khoác áo lính, thầy vẫn làm giàu thêm kiến thức lịch sử của mình bằng cách dành thời gian để nói chuyện với đồng đội về lịch sử dân tộc và nhân loại. Chính thời gian cầm súng chiến đấu ấy lại trở thành tư liệu sống, làm dày thêm kiến thức giảng dạy của thầy.
Nhà giáo ưu tú Phan Kế Trần. (Ảnh: Nguyễn Linh) |
Đất nước thống nhất, thầy trở về tiếp tục sự nghiệp giáo dục tại trường Trung học Phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai (Từ Liêm, Hà Nội). 25 năm cống hiến tại trường, thầy Trần luôn quan niệm, dạy học sinh phải bằng cái tâm và bằng cả trái tim. Trên cương vị người thầy, quan trọng nhất không chỉ là kiến thức mà còn là cái tâm của nhà giáo. Với thầy Trần, khi dạy học cần cố gắng khơi được sự ham học hỏi của học sinh, giúp học sinh tìm được nguồn kiến thức cần thiết, hướng tới mục đích tốt đẹp. Thầy đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý: Nhà giáo Ưu tú năm 1998.
Trong hành trình dạy Sử, để học sinh có hứng thú với môn học khô khan này, thầy tìm hiểu những tác phẩm văn chương có liên quan để minh họa cho giờ học thêm sinh động. Thầy cũng nghiên cứu về các nhà thơ đương đại có mối quan hệ mật thiết với lịch sử dân tộc như Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi, Tố Hữu… Tâm huyết với nghề, tình yêu môn Sử đã khiến thầy gặt hái được nhiều thành công trong sự nghiệp.
Qua Lịch sử, nhắn nhủ điều gì đó cho tương lai
Tâm sự chuyện nghề, thầy Trần nói, dạy Sử mà chỉ dạy để biết quá khứ thôi thì chưa đủ, phải qua Sử, nhắn nhủ điều gì đó cho tương lai. Có nhiều cách làm tăng giá trị của sự kiện khi truyền đến tâm hồn trẻ trung của học sinh như dùng thơ ca, tư liệu, tranh ảnh minh họa.
Đến thăm thầy, điều khiến tôi ấn tượng là bức tranh vẽ tay được đóng khung treo trang trọng tại phòng khách. Bức tranh có nội dung về chiến tích đại phá quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm Mậu Tuất 938. Thầy Phan Kế Trần cho biết, bức tranh đó do thầy vẽ lại từ một truyện tranh lịch sử dân tộc. “Năm 2018 này là vừa tròn 1080 năm chiến thắng Bạch Đằng mà”, thầy Trần nói.
Thường thì mỗi năm, thầy đều vẽ một bức tranh treo tường có ý nghĩa lịch sử trùng với năm hiện tại. Với thầy, đó là “bệnh nghề nghiệp”!
Ngày còn đi dạy, thầy học vẽ để phục vụ cho việc minh họa bài giảng của mình. Thầy trải lòng, để có bài giảng hay và bổ ích, cần phải có giáo án khoa học, công phu. Sống trong thời bao cấp còn thiếu thốn, thầy thu hút học sinh của mình bằng những sơ đồ, bản đồ, mô hình, mảng lắp ghép hay chi tiết di động do thầy tự sáng chế. Chính nhờ những “phụ kiện” đó, học sinh của thầy thêm yêu mến, hứng thú và chăm chú học tập.
Không chỉ thế, ngoài giờ lên lớp, thầy còn tham gia nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ. Tiếng đàn accordion chào cờ đầu tuần, tiếng violon khi trầm, khi bổng đã in sâu vào tâm trí nhiều lớp học sinh thuở đó. Ngoài ra, thầy Trần còn thường xuyên góp mặt ở Hội diễn văn nghệ thành phố, sáng tác nhạc trong trường học, làm thơ về sự nghiệp dạy học của mình.
Nhiều người nói, thầy Trần là nhà giáo mang trong mình tâm hồn nghệ sĩ. Nhưng người nghệ sĩ đó không giữ gì lại cho riêng bản thân mình. Tất cả thơ, ca, nhạc, họa mà thầy sáng tác phần lớn đều phục vụ cho giáo dục. Như trong câu thơ thầy từng viết năm 1995 khi nhận huy chương “Vì sự nghiệp giáo dục”:
“Quốc sách hàng đầu lo giáo dục
Hiền tài vun đắp cùng chung tay”.
Trong cuộc đời, có một giấc mộng thầy luôn ấp ủ là học nhạc. “Nhưng có thể, cái duyên chưa đủ. Học nhạc để góp phần cho giáo dục cũng là hoàn thành một phần tâm nguyện”, thầy Trần bộc bạch.
Nghề có nhiều “của cải”
Nói về nghề giáo, thầy Trần cho rằng, thầy đã hết sức cố gắng toàn tâm toàn ý hoàn thành trách nhiệm của một nhà giáo. Dẫu vậy, thầy không cho phép bản thân mình nghỉ ngơi. Sau khi nghỉ hưu, thầy vẫn tiếp tục tham gia giảng dạy tại trường Trung học Phổ thông Đông Đô (một trường dân lập) thêm nhiều năm nữa. Những bài giảng lịch sử của thầy tiếp tục được truyền đến các thế hệ học sinh Thủ đô.
Thầy Trần cho rằng, học là để trở về với cái tâm của chính con người mình. Vì vậy, thầy luôn rèn luyện nhân cách để làm gương cho học sinh. Hơn 50 năm đứng lớp, thầy thường xuyên nhắc nhở bản thân không được quên truyền thống dân tộc trong giáo dục cũng như không được quên nguồn gốc của dân tộc trong sự nghiệp trồng người.
Bản nhạc của thầy Phan Kế Trần. (Ảnh: Nguyễn Linh) |
Nghề dạy học không đem lại nguồn thu nhập lớn, nhưng thầy Trần chưa bao giờ lấy điều đó làm thước đo của cuộc sống. Ngược lại, thầy thấy mình có nhiều “của cải” lắm! “Của cải” là những lớp học sinh đã trưởng thành, thành đạt và luôn nhớ về thầy. Thầy kể về PGS. TS. Lê Văn Phớt, về GS. TS. Đỗ Thanh Bình, về Tổng thư kí liên đoàn Hiệp hội giao nhận các nước ASEAN Nguyễn Văn Thâm… với tình cảm vui vẻ có pha chút tự hào.
“Còn nhiều thế hệ học sinh mà tôi không thể nhớ hết. Nhìn các em khôn lớn, trưởng thành chính là món quà vô giá, là nguồn động lực, là hạnh phúc của những người đứng lớp như tôi”, thầy Trần trải lòng.
Thấp thoáng trong mạch kể chuyện của thầy Trần, luôn có bóng hình người vợ, cũng là một nhà giáo - cô Nguyễn Thị Vinh Quy. Cô Vinh Quy là giáo viên dạy môn Văn và cũng là một cô giáo tâm huyết với nghề, luôn phấn đấu hết mình cho sự nghiệp giáo dục, nhiều năm là giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp thành phố. Suốt những năm tháng phấn đấu cho sự nghiệp, cô Quy không chỉ giữ vai trò là đồng nghiệp, người bạn đời mà còn là một chỗ dựa vững chắc để thầy Trần yên tâm công tác.
Hiện tại, cô Quy đã nghỉ hưu nhưng vẫn tích cực tham gia nhiều hoạt động của tổ dân phố như trưởng ban công tác mặt trận ở khu dân cư, tổ trưởng của chi hội phụ nữ, chi hội trưởng chi hội khuyến học, chi hội chữ thập đỏ… Đến bây giờ, thầy và cô vẫn muốn được đóng góp một phần nhỏ bé cho xã hội.
“Tôi vẫn muốn làm tròn trách nhiệm công dân như tôi đã từng cống hiến suốt thời gian qua trong sự nghiệp giáo dục”, thầy Phan kế Trần tâm niệm.