📞

“Người thứ ba” trong quan hệ EU - Ukraine

Chu Văn 14:26 | 11/07/2019
TGVN. Tương lai quan hệ Ukraine - EU luôn phụ thuộc rất nhiều vào cường quốc láng giềng phía Đông. Bình luận của báo Thế giới & Việt Nam. Tổng hợp của Báo Thế giới & Việt Nam. 
Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky (giữa) gặp Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker. (Nguồn: EU)

Ngày 8/7, Hội nghị thượng đỉnh giữa Liên minh châu Âu (EU) và Ukraine lần thứ 21 đã diễn ra tại thủ đô Kiev với nhiều nội dung quan trọng được hai bên thảo luận như tăng cường hợp tác chính trị - kinh tế - an ninh, qua đó định hình tương lai quan hệ song phương. Tham dự Hội nghị có Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker.

Hội nghị một lần nữa cho thấy nhiệt tâm hội nhập châu Âu của ông Zelensky, giống như người tiền nhiệm Petro Poroshenko. Chỉ trong tháng 6 vừa qua, tân Tổng thống Ukraine đã có nhiều chuyến công du đến Bỉ, Pháp, Đức để gặp gỡ các nhà lãnh đạo chủ chốt của EU. Nhằm hiện thực hóa chính sách đối ngoại hướng tới EU, ngày 8/7, Tổng thống Zelensky tuyên bố ông và đội ngũ của mình sẽ quyết tâm hành động nhanh và hiệu quả, bắt tay ngay vào thực hiện cải cách trong khuôn khổ hợp tác với EU.

Tại Hội nghị thượng đỉnh, Ukraine và EU đã ký kết 5 văn kiện hỗ trợ tài chính, theo đó Brussels sẽ dành cho Kiev hơn 120 triệu Euro nhằm giúp chính quyền của Tổng thống Zelensky thực hiện dự án phi tập trung hóa nền kinh tế, chống tham nhũng, thúc đẩy xã hội dân sự và phát triển miền Đông Ukraine.

Giới quan sát cho rằng, kết quả cụ thể nói trên phản ánh những tín hiệu tích cực cho tương lai quan hệ EU - Ukraine. Bởi lẽ, từ khi cuộc khủng hoảng Ukraine nổ ra năm 2013 đến nay, nội bộ EU luôn tồn tại tâm lý e ngại rằng, có nên kết nạp một quốc gia có kinh tế yếu kém và mất ổn định chính trị như Ukraine, làm một thành viên đầy đủ của Liên minh hay không? Đó là chưa kể, việc Ukraine trở thành một phần của EU chắc chắn sẽ chọc giận Nga, làm xấu đi quan hệ Nga – châu Âu.

Tuy nhiên, nhận thức được vị trí địa chính trị quan trọng của Ukraine, những năm qua, EU vẫn duy trì sự ủng hộ chính trị và hỗ trợ kinh tế cho quốc gia Đông Âu này. Tại Hội nghị hôm 8/7, hai nhà lãnh đạo hàng đầu của EU Donald Tusk và Jean-Claude Juncker ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, đồng thời tuyên bố Liên minh sẽ tiếp tục áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế với Nga đến khi tình hình ở miền Đông Ukraine được cải thiện.

Thực ra đây vẫn chỉ là lập trường mang tính nguyên tắc của EU. Trên thực tế, EU không hẳn đã muốn gây thêm căng thẳng với Moscow hay đẩy Ukraine vào thế đối đầu với Nga. Những mâu thuẫn trong quan hệ Nga - Ukraine - EU thời gian qua đã khiến các bên chịu tổn hại trên nhiều lĩnh vực. Vì thế, Brussels đặt ưu tiên hàng đầu cho việc khôi phục thực thi Thỏa thuận Minsk nhằm chấm dứt xung đột ở vùng Donbass.

Trong khi đó, sau Hội nghị thượng đỉnh với EU, Tổng thống Ukraine Zelensky cũng đề nghị gặp mặt Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Minsk (Belarus) để thảo luận vấn đề Bán đảo Crimea và xung đột ở miền Đông Ukraine. Rõ ràng, bên cạnh ý chí muốn hợp tác của giới lãnh đạo ở Kiev và Brussels, tương lai quan hệ Ukraine - EU luôn phụ thuộc rất nhiều vào cường quốc láng giềng phía Đông.