📞

Người thức tỉnh các bà mẹ bỉm sữa

17:00 | 20/04/2017
Không phải người ngành y nhưng chị Lê Nhất Phương Hồng (đang sinh sống tại Australia) lại được biết đến như một chuyên gia tư vấn về sữa mẹ đầu tiên trong cộng đồng tại Việt Nam.

Nhiều người biết đến chị Phương Hồng là chuyên gia tư vấn cho con bú bằng sữa mẹ. Nhưng ít người biết để thuyết phục các bà mẹ về sự vi diệu của cơ thể, chị đã tự kích sữa thành công dù không mang bầu, không sinh đẻ hoặc cho con bú, khi con gái út của chị đã 14 tuổi. 

Lê Nhất Phương Hồng.

Dự án “tuổi già”

Từ năm 2000, khi các bà mẹ ở Việt Nam vẫn xa lạ với việc vắt sữa để trữ đông, chị đã nhờ bạn bè mua giúp máy vắt sữa và túi trữ sữa từ Singapore để vẫn có thể nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ. Chị nói rằng, ý tưởng xây dựng trang kiến thức sữa mẹ mang tên Betibuti (Bé Tí Bú Ti) nảy ra vào năm 2011, khi chị xem một chương trình truyền hình về nuôi con sữa mẹ ở Australia. Khi đó, chị vẫn nghĩ đây chỉ là dự án “tuổi già”, khi đã về hưu…

Nhưng cách đây ba năm, khi tình cờ biết được tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ tại Việt Nam thuộc một trong vài nước thấp nhất thế giới, chị Hồng nghĩ rằng mình phải làm gì đó trong năng lực có thể để cải thiện tình trạng này. 

Nghĩ là làm, thời điểm chị bắt đầu mở rộng phạm vi tư vấn, không chỉ với bạn bè, chị em, đồng nghiệp mà cả “thiên hạ trên Facebook”. Đó cũng là lúc các chương trình vận động chính sách nuôi con sữa mẹ của dự án Alive & Thrive (Quỹ Bill và Melinda Gates) bắt đầu có kết quả; chiến dịch “Cái ôm đầu tiên” của WHO... khiến những kiến thức mà chị chia sẻ không còn là “lý thuyết viển vông” tại Việt Nam. 

Chị chậm rãi chia sẻ, muốn làm việc gì cũng phải học hành nghiêm túc, có kiến thức. Được chồng ủng hộ, chị tìm học khóa kiến thức chuyên gia nuôi con sữa mẹ đầu tiên của Học viện Sữa mẹ quốc tế (Canada) qua mạng vào buổi tối và cuối tuần. Điều đặc biệt, khóa học này gồm 10 môn chuyên sâu chỉ dành cho người ngành y muốn trở thành chuyên gia tư vấn sữa mẹ quốc tế. Đầu vào khó, chị chủ động viết thư để xin được ghi danh như một ngoại lệ. Nhờ ngoại ngữ sẵn có và khả năng hiểu các thuật ngữ y khoa một cách chuẩn xác, cuối cùng chị đã hoàn thành khóa học với kết quả cao trong thời gian kỷ lục.

Cũng trong thời gian đó, chị nhận tư vấn qua Facebook cho các mẹ từ 9-12 giờ hằng đêm. Nhờ trao đổi trực tiếp từng ca, có hình ảnh, video các mẹ gửi minh họa, chị có rất nhiều kinh nghiệm tư vấn lâm sàng. Tuy nhiên, chị vẫn mong muốn có cơ hội được thực hành tại bệnh viện và như một cái duyên, chị tình cờ bắt gặp khóa của WABA (Tổ Chức Hành Động vì Nuôi con Sữa mẹ Thế giới) tại Malaysia nên đã đăng ký. Cũng như lần trước, khoá học này chỉ dành cho cấp quản lý của các cơ sở y tế và người quản lý công tác sữa mẹ. Sau ba lần kiên trì giải trình nguyện vọng và mong muốn đóng góp cho cộng đồng của mình, đơn xin học của chị đã được duyệt. Khóa học ấy cả khu vực ASEAN chỉ có 16 suất và chị là người Việt Nam duy nhất.

Tháng 12/2013, chị Hồng tiếp tục học trực tuyến và hoàn thành chứng chỉ "Lập trình Ăn uống cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ" của UNICEF và Đại học Cornell của Mỹ. Khi đã có trong tay ba chuỗi chứng chỉ uy tín nhất trong ngành tư vấn nuôi con sữa mẹ đẳng cấp quốc tế, nhận được thư khen ngợi của tổ chức Alive & Thrive tại Việt Nam (11/2014), trong niềm xúc động vô cùng, chị nói: “Việc ai đó xác lập rằng chuyên gia sữa mẹ phải là người ngành y chính là một rào cản. Bất kỳ ai cũng có thể giới thiệu một loại sữa bột mà không cần bằng cấp gì…Thế mà để giúp người mẹ cho con bú bằng chính bầu sữa của mình, việc mà vốn dĩ chúng ta đã làm hàng triệu năm trước khi sữa công thức ra đời lại cần nhiều bằng cấp và trình độ cao siêu thế?”.

Hội Betibuti thu hút rất nhiều bà mẹ bỉm sữa tham gia hoạt động.

Giúp người là tự giúp mình

Trong câu chuyện với tôi, điều chị cảm thấy hạnh phúc nhất là giúp các bà mẹ tin vào sự lập trình hoàn hảo của tạo hóa, để cho thế hệ sau được hưởng khởi đầu tốt đẹp nhất. “Hãy nuôi con như thời tiền sử! Thật lòng, tôi chỉ muốn giúp các bà mẹ bỉm sữa tìm lại niềm tin nơi chính họ, chính cơ thể và bản năng làm mẹ của mình”, chị nhắn nhủ.

Chị Lê Nhất Phương Hồng là:

- Sáng lập viên chuyên trang kiến thức nuôi con sữa mẹ Betibuti (6/2013).

- Sáng lập viên Hội Sữa Mẹ (Bé Tí Bú Ti) - 10/2013

- Chị được nhiều tổ chức quốc tế công nhận là chuyên gia Tư vấn Nuôi Con Sữa Mẹ, dinh dưỡng chuyên sâu cho trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ...

- Tác giả cuốn sách “68 Ngộ nhận và giác ngộ nuôi con sữa mẹ” - Huy chương Đồng Sách hay Việt Nam 2016.

Là một chuyên gia ngân hàng “lấn sân” sang tư vấn về sữa mẹ nhưng chị không cảm thấy đơn độc. “Càng đi, tôi càng nhận được sự hỗ trợ của những hoa tiêu cộng đồng. Cái duyên lớn đã đưa chúng tôi đến với nhau và đến với hơn 200.000 thành viên của Hội để cùng học hỏi kiến thức, kỹ năng nuôi con sữa mẹ đúng theo chỉ dẫn của WHO và UNICEF”. Tất cả hoạt động của chị được thực hiện chủ yếu trên Facebook nên khoảng cách địa lý giữa Australia và Việt Nam dường như không bị ảnh hưởng.

Khi được gọi là “người thầy của các bà mẹ bỉm sữa”, chị Hồng chỉ cười hiền: “Điều tôi tâm đắc nhất là ngộ ra rằng, giúp người chính là tự giúp mình. Nghề kiếm cơm có thể đổi, khách hàng có thể nay đối tượng này, mai đối tượng khác, nhưng chúng ta phải có trách nhiệm nuôi dưỡng và dạy dỗ con cái ngay từ khi chúng sinh ra”, chị chia sẻ quan niệm.

Không đặt ra mục tiêu, cũng không dựng thành dự án, mỗi ngày chị đi theo linh cảm của mình để trả lời câu hỏi “có thể giúp gì được hơn nữa cho cộng đồng?”. Động lực của chị dường như lớn hơn mỗi khi có các mẹ giác ngộ, sửa sai và thốt lên rằng “ước gì em biết chị sớm hơn, hiểu điều này sớm hơn…”.

Cứ như vậy, chị hào hứng với những dự định trong tương lai và mong muốn kết hợp với những chuyên gia hàng đầu về giáo dục ở Việt Nam mở một trung tâm tư vấn mang tên: Nghề làm bố mẹ. “Nuôi con sữa mẹ vốn dĩ là một chân lý. Đừng đẻ rồi than thở con đầu nên bối rối, hoang mang không có kinh nghiệm, rồi dùng kiến thức Google để nuôi dạy con!”, chị Hồng thẳng thắn.