Tàu vũ trụ và thăm dò không người lái Hằng Nga 4 (Chang'e 4) của Cơ quan Không gian Quốc gia Trung Quốc (CNSA) ngày 3/1 đã hạ cánh thành công trên khu vực Cực Nam - lòng chảo Aitken. Đây là miệng núi lửa lớn nhất, sâu nhất và cổ xưa nhất trên bề mặt của Mặt trăng, theo Guardian.
Khu vực này nằm trong "phần xa" của Mặt trăng, chỉ phần diện tích luôn bị che khuất do Mặt Trăng chỉ hướng một bề mặt về phía Trái đất. Khu vực này cũng được ví von là "phần tối" của Mặt trăng, do con người chưa bao giờ khám phá.
Đồ họa mô phỏng Chang'e 4. (Nguồn: CNSA) |
Thông báo sứ mệnh thám hiểm thành công được đăng tải đầu tiên trên mạng xã hội Twitter.
"Hằng Nga 4 của Trung Quốc đã hạ cánh thành công trên phần xa của mặt trăng, mở ra một chương mới cho nhân loại trong lịch sử khám phá Mặt trăng", theo China Daily.
Tuy nhiên, các kênh truyền thông nhà nước của Trung Quốc sau đó đồng loạt xóa thông báo về Hằng Nga 4 trên mạng xã hội, khiến dư luận hoang mang. Phải qua giữa trưa, xác nhận chính thức về kết quả sứ mệnh mới được thông báo bởi đài truyền hình quốc gia CCTV.
Theo đó, thiết bị thăm dò mặt trăng hạ cánh an toàn vào lúc 10h26 ngày 3/1.
Tàu vũ trụ Hằng Nga 4 tiến vào quỹ đạo bay quanh Mặt trăng vào tuần trước, cách bề mặt vệ tinh Trái đất khoảng 15 km.
Ngô Vi Nhân, kỹ sư trưởng dự án thám hiểm Mặt Trăng, trình bày về Hằng Nga 4 vào tháng 8/2018. (Nguồn: Getty Images) |
Từng có nhiều hình ảnh của phần xa trên được tàu vũ trụ các nước ghi lại. Tuy nhiên, việc gửi thiết bị thăm dò lên khu vực này chưa từng được thực hiện. Hằng Nga 4 được đánh giá là bước tiến lớn của Bắc Kinh trong tham vọng chạy đua thám hiểm vũ trụ với Washington và Moscow. Sứ mệnh thăm dò lần này đặt mục tiêu thu thập các số liệu đo đạc chi tiết về địa hình bề mặt và thành phần khoán sảng trên Mặt trăng.
Nhiều nghiên cứu cho rằng, khu vực lòng chảo Aitken được hình thành sau một vụ va chạm thiên thể cực lớn khi trong giai đoạn đầu sau khi Mặt trăng hình thành. Vụ va chạm có thể đã đưa nhiều vật chất sâu dưới lòng đất lên lớp bề mặt. Các nhà khoa học Trung Quốc hy vọng, Hằng Nga 4 có thể thông qua vụ va chạm cổ xưa để hiểu thêm về sự hình thành của vệ tinh Trái đất.