📞

Người từ Hà Nội về các tỉnh bị cách ly 21 ngày, đúng hay không?

16:07 | 04/02/2021
TGVN. Tết Nguyên Đán sắp đến, người dân có nhu cầu về quê ăn Tết. Tuy nhiên, nhiều người ở Hà Nội lo ngại khi về sẽ bị cách ly tế 21 ngày, theo chuyên gia điều này chỉ đúng với người trong vùng dịch.
Người từ Hà Nội về địa phương phải cách ly y tế tập trung 21 ngày?

Việc cách ly y tế phòng chống dịch Covid-19 hiện bao gồm các hình thức sau: cách ly tại nhà, nơi cư trú; tại cơ sở cách y tế tập trung theo quyết định 878; tại khách sạn theo quyết định 1246; cách ly y tế vùng có dịch theo quyết định 3986; cách ly y tế tại cơ sở khám chữa bệnh theo quyết định 151. Hiện nay Bộ Y tế đã có quy định, hướng dẫn cụ thể về các hình thức cách ly này.

Người từ Hà Nội về địa phương phải cách ly y tế tập trung 21 ngày?

Theo quy định, người từ vùng dịch về các địa phương sẽ bị cách ly y tế tập trung 21 ngày. Vùng có dịch được định nghĩa là khu vực được cơ quan có thẩm quyền xác định có dịch. Hiện nay, khu vực có vùng dịch đã được phong tỏa nghiêm ngặt.

Theo PGS. TS. Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cấp cao Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế), hiện nay căn cứ vào tình hình dịch nên chưa cấm việc người dân Hà Nội không nằm trong vùng dịch đi các nơi. Điều đó đồng nghĩa không phải cứ người ở Hà Nội đi về các địa phương là phải thực hiện biện pháp cách ly tế (cách ly tập trung, cách ly tại nhà) trong 21 ngày.

Tuy nhiên, ông Trần Đắc Phu lưu ý, không chỉ người dân ở Hà Nội mà tất cả người dân nói chung đều phải thực hiện các biện pháp phòng bệnh. Cụ thể, không đi lại những chỗ không cần thiết, có thể di chuyển bằng phương tiện xe riêng hoặc thuê xe là tốt nhất. Nếu đi bằng các phương tiện công cộng thì phải chấp hành theo quy định của đơn vị vận chuyển (nhà xe, hãng hàng không, bến tàu…) như ngồi giãn cách, đeo khẩu trang, thường xuyên khử khuẩn…

"Người dân khi về quê ăn Tết cũng cần tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng chống dịch như không đến chỗ không cần thiết, tránh tiếp xúc đông người, đeo khẩu trang, khử khuẩn… Lý do vì nguy cơ dịch vẫn rất lớn, chứ không chỉ nguy cơ ở các ổ dịch đã được kiểm soát", PGS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

Tương tự, người từ Hà Nội khi về Quảng Ninh, Hải Dương (không vào các vùng dịch) sau khi ăn Tết xong vẫn quay về Hà Nội mà không phải cách ly. Tuy nhiên, cần lưu ý thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch như theo dõi sức khỏe, khai báo y tế.

Thay đổi thời gian cách ly từ 14 lên 21 ngày

Chẳng hạn, việc cách ly tại nhà, nơi cư trú theo quyết định 879. Theo đó, các đối tượng cách ly tại nhà, nơi lưu trú là người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với trường hợp bệnh xác định (F2, F3); người thuộc đối tượng cách ly tập trung có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 theo hướng dẫn của Bộ Y tế; các đối tượng khác theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hoặc Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 hoặc hướng dẫn của Bộ Y tế theo diễn biến cụ thể của dịch bệnh.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, chủng virus SARS-CoV-2 biến thể có khả năng lây nhanh hơn 70% so với chủng cũ, một số trường hợp xét nghiệm phát hiện dương tính sau 14 ngày. Vì thế, để kiểm soát dịch hiệu quả hiện nay thời gian cách ly y tế được thay đổi từ 14 lên 21 ngày.

Đồng thời, trường hợp bệnh nhân F0 được cách ly điều trị tai các cơ sở y tế. Các trường hợp F1 (tiếp xúc gần với ca bệnh) hiện cũng đang được cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung. Các trường hợp F2 thực hiện cách ly tại nhà, F3 phải theo dõi sức khỏe dưới sự giám sát của y tế địa phương.

Để chủ động phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện Thông điệp 5K gồm: Khẩu trang- Khử khuẩn-Khoảng cách-Không tụ tập-Khai báo y tế.

(theo Dân trí)