Ông Nguyễn Ngọc Quang - Phó Chủ tịch Hội cựu chiến binh Việt Nam tại Nga |
Nước Nga là Tổ quốc thứ hai
Ông Nguyễn Ngọc Quang từng là sĩ quan quân chủng phòng không không quân Việt Nam. Năm 1986, ông chuyển sang làm việc tại Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hải Hưng (nay là tỉnh Hải Dương và Hưng Yên). Vào cuối những năm 80 - cao điểm của thời kỳ người Việt Nam sang các nước Đông Âu xuất khẩu lao động, ông đã quyết định đến Nga làm việc chủ yếu vì tình yêu với xứ sở của những bài hát, bộ phim và những cuốn tiểu thuyết ông đã được biết đến từ khi học phổ thông. Từ lâu, ông Quang đã coi nước Nga như là Tổ quốc thứ hai của mình - nơi ông được mở mang kiến thức, cũng như được thỏa ước mơ một lần đặt chân đến.
Những năm sau, cuộc sống xa xứ ngoài nỗi buồn xa quê hương và người thân, cũng mang lại cho ông Quang nhiều thú vị. Đó là những bài học quý mà ông nhận được từ tác phong làm việc công nghiệp, đúng giờ, tận tâm đến việc chấp hành nghiêm túc các quy định, pháp luật... Ngoài ra, những chuyến du lịch khám phá các danh lam, thắng cảnh và thiên nhiên nước Nga đã giúp ông hiểu biết thêm được nhiều vùng đất, con người và những nét văn hóa mới để có thể gắn bó đến tận hôm nay.
Sinh sống ở Moscow, nhưng ông Quang luôn nhận được niềm vui của những người đồng chí trong Hội cựu chiến binh Việt Nam. Ông cho biết ở Nga, có rất nhiều sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, những người lính Cụ Hồ, những thanh niên xung phong thời chống Mỹ cứu nước... đã sang lao động, học tập và làm việc. Cũng như ông, họ luôn đau đáu có một tổ chức, một sân chơi, một mái nhà chung để chia sẻ tình cảm, sớm tối quây quần, được trò chuyện và giúp đỡ lẫn nhau. Đây chính là lý do cho việc ra đời tổ chức Hội cựu chiến binh Việt Nam vào tháng 3/2016 đã được Đại sứ quán Việt Nam tại Nga ủng hộ và quyết định thành lập.
Ấm ấp tình cựu chiến binh Việt
Từ khi thành lập đến nay, Hội cựu chiến binh Việt Nam tại Nga đã qua hai kỳ Đại hội, quy tụ 100 hội viên tại Moscow cùng với gần nghìn hội viên hiện đang sinh hoạt tại các thành phố, tỉnh thành khắp nước Nga. Là Phó Chủ tịch Hội, ông Quang cho biết, mặc dù còn không ít khó khăn về đời sống mưu sinh, song Hội đã quy tụ được nhiều hội viên. Mỗi người một hoàn cảnh, một công việc, một vị thế... nhưng đều mang trong mình tình đoàn kết và tương trợ nhau như chung một chiến hào.
Trong công tác đối nội và đối ngoại, Hội cũng đạt được nhiều kết quả tốt được Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam đánh giá cao. Không những thắt chặt mối quan hệ đoàn kết, gắn bó truyền thống với Hội Cựu chiến binh Nga - những người đã từng tham gia chiến đấu tại Việt Nam trong cuộc chiến tranh giành độc lập và thống nhất Tổ quốc, mà Hội còn gắn kết tình thủy chung giữa người dân Nga với nhân dân Việt Nam. Hội cũng nhận được sự đánh giá cao của lãnh đạo Đại sứ quán Việt Nam về hoạt động củng cố và xây dựng cộng đồng, tham gia tích cực các phong trào đền ơn đáp nghĩa, đóng góp ủng hộ phong trào “Vì Trường Sa thân yêu”, “vì đồng bào miền Trung bị lũ lụt...”...
Mới đây, ông Quang đã về thăm quê hương và được chuyến đi đầu tiên tới Trường Sa. Xúc động khi được đặt chân lên biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc và chứng kiến sự hy sinh gian khổ, kiên cường bám trụ của các chiến sĩ nơi đầu sóng ngọn gió, ông thấy cần phải đẩy mạnh hơn nữa vai trò và trách nhiệm của kiều bào với chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Theo ông, mỗi người Việt Nam ở ngước ngoài cần đẩy mạnh việc tuyên truyền về chủ quyền biển đảo của Việt Nam với người dân và chính quyền nước sở tại để giúp họ hiểu rõ hơn về chủ quyền biển đảo của đất nước và tính chính nghĩa của Việt Nam. Bên cạnh việc vận động ủng hộ phong trào “Vì Trường Sa thân yêu”, kiều bào cần tích tực quyên góp để hỗ trợ xây dựng các Nhà văn hóa đa năng trên những đảo chìm. Ông Quang cho rằng, khi có thêm các Nhà văn hóa đa năng, điều kiện ăn ở, sinh hoạt được cải thiện sẽ giúp các cán bộ chiến sỹ yên tâm làm nhiệm vụ hơn, góp phần nâng cao năng lực phòng thủ, bảo vệ biển trời thiêng liêng của Tổ quốc.
Ông Quang cũng mong kiều bào các nước, nhất là tại các nước phát triển tích cực tìm kiếm nguồn vốn, công nghệ, thiết bị... làm sao để nhanh nhất đưa các hệ thống lọc nước biển thành nước ngọt sinh hoạt trang bị cho toàn bộ các đảo chìm cũng như đảo nổi tại Trường Sa. Việc đảm bảo cuộc sống tốt hơn cho các chiến sỹ trên đảo sẽ góp phần thiết thực để các cán bộ, chiến sĩ thêm chắc tay súng giữ vững chủ quyền của Tổ quốc.