Đối với những người lớn tuổi sinh sống nhiều năm ở Nakhon Phanom, tiếng Việt vẫn được sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày của gia đình. Cộng đồng người Việt ở đây rất quan tâm đến việc dạy tiếng Việt cho các thế hệ sau. Ông Nguyễn Văn Thành, người đã có gần 10 năm giảng dạy cho nhiều lớp học sinh Việt ở trường Apibanbanxa (Trường dạy ngoại ngữ các nước láng giềng) tâm sự: Các em ở đây không hiểu chữ Việt, chỉ biết tiếng Thái. Mình muốn dạy con em mình biết tiếng Việt, không quên nguồn gốc Việt. Được sống sung sướng như ngày hôm nay, chúng tôi rất biết ơn Đảng, Bác Hồ. Mình luôn luôn hướng về Tổ quốc. Cụ thể là nếu có đủ sức, mình sẽ dạy mãi để cho các em biết tiếng Việt.Tuy sống xa đất nước, nhưng những người con ở Nakhon Phanom luôn tâm nguyện gìn giữ nét văn hóa, phong tục, tập quán Việt của ông cha. Không gian thờ cúng ông bà, tổ tiên trong nhà vẫn bài trí theo phong tục Việt như để níu giữ một góc hồn quê hương trong ngôi nhà mình, trong tim mình. Quê hương trong tâm tưởng của họ được gợi nhớ qua những bài thơ, bài hát Việt Nam. Mỗi lần cất tiếng hát ca ngợi Hồ Chủ tịch là lòng anh Nguyễn Văn Dân lại xốn xang, xúc động: Ngày 19/5, vào ban hữu nghị Viều kiều ở Thái Lan tôi đã hát bài hát ca ngợi Người. Tôi thấy Bác luôn ở trong tim mình.Anh Dân còn có ý định mở một ban nhạc lớn để hát những bài hát về Hồ Chí Minh, về dân tộc, về quê hương, đất nước. Ở Nakhon Phanom, nhóm nhạc Quang Lê gồm 16 người, do anh đứng ra phụ trách thường xuyên trình diễn, phục vụ kiều bào vào những dịp đám cưới, lên nhà mới của người Việt. Không chỉ có nhóm Quang Lê hoạt động xã hội nhỏ lẻ, mà các phong trào vì cộng đồng của các hội đoàn người Việt ở đây cũng rất mạnh. Mỗi khi nhà nào có việc, các thành viên trong Hội cùng bà con thôn xóm đều đến chia vui, thăm hỏi, và chung tay giúp đỡ tận tình. Bà Vũ Thanh Nga kể: Bây giờ trong cộng đồng người Việt ở Nakhon có hội Làng Hiếu ở Pạc-pà. Mỗi làng có một hội làng Hiếu, nằm trong chi hội Việt kiều, kàm việc thiện. Hội làng Hiếu tập hợp anh em thanh niên có tinh thần hăng hái giúp đỡ kiều bào, khi vui, buồn, đều giúp đỡ không phân biệt giàu nghèo, nghi lễ làm như nhau. Kiều bào yêu cầu làm gì mình đều giúp đỡ. Dù rằng cuộc sống hiện giờ vẫn còn nhiều khó khăn, vất vả, bà con phải sinh sống bằng đủ thứ nghề để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt gia đình, nhưng tình làng, nghĩa xóm, nghĩa cử hướng về quê hương đất mẹ vẫn luôn được gìn giữ, vẹn nguyên trong tim của những người con Việt nơi xa. Truyền thống của người Việt Nam, phong tục tập quán của ông cha sẽ tiếp tục được bảo tồn và duy trì cho các thế hệ sau. Lan Phương