Chuyến bay QH9066 đưa 300 công dân từ Warsaw, Ba Lan lánh nạn khỏi Ukraine hạ cánh an toàn tại Sân bay Quốc tế Nội Bài, sáng 10/3. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Biết ơn, tự hào về quê hương
Từ khi xảy ra dịch bệnh Covid-19, sảnh nhà ga T2 Sân bay quốc tế Nội Bài vốn vắng lặng do các chuyến bay quốc tế hạn chế, một tuần qua bỗng trở nên nhộn nhịp và khá đông người. Họ tập trung theo từng nhóm, từng hàng ngay ngắn, ánh mắt không ngừng hướng về khu vực nhập cảnh.
Họ là người thân của những người có mặt trên các chuyến bay chở công dân Việt Nam ở Ukraine về nước tránh nạn.
Chị Nguyễn Thị Phương, người bước xuống máy bay đầu tiên, trên chuyến bay đầu tiên đưa công dân Việt Nam ở Ukraine về nước mang số hiệu VN88 hạ cánh tại Sân bay Quốc tế Nội Bài ngày 8/3, không giấu nổi xúc động khi được trở về quê hương an toàn, lại thấy lãnh đạo các bộ, ban, ngành chào đón ngay khi vừa xuống máy bay. Bên ngoài sảnh sân bay, những người thân trong gia đình ngóng chờ chị từng giây phút.
Với chị Phương, đường về nhà trên các chuyến bay - điều vẫn thường diễn ra trong gần 20 năm xa quê - nhưng hôm nay thật khác. Ánh mắt rưng rưng xúc động, chị nói: “Lúc này, tôi cảm thấy mình thật sự may mắn, biết ơn và tự hào về quê hương thương mến”.
Chị nhớ lại hình ảnh dòng người xếp hàng dài hơn 1km ở biên giới. Sau bốn tiếng, chị đến Romania, được cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và các tình nguyện viên chờ sẵn để đưa chị cùng nhiều người Việt từ Ukraine đi lánh nạn về nơi tập trung, lo cho đồ ăn, thức uống và cả nơi ở…
Chị Phương nhớ như in câu nói của các anh chị trong Đại sứ quán Việt Nam tại Romania rằng: “Chúng tôi đã đón bà con, anh chị em từ đây thì chúng tôi phải có trách nhiệm đưa bà con, anh chị em về được quê hương”.
“Thật sự khi nghe được câu đó tôi rất xúc động và tôi cảm giác như mình đã được trở về quê hương của mình chứ không phải đi tị nạn ở nước khác”, chị nghẹn ngào nói.
Còn với Lê Thị Hà, một phụ nữ xa xứ trở về Việt Nam từ trước Tết, chị đã cất công bắt xe đò từ Thanh Hóa ra Hà Nội để đón bạn thân, cũng là hàng xóm khi ở Ukraine là chị Vũ Thị Hồng Quyên về nước lánh nạn trên chuyến bay QH9066 từ Ba Lan, hạ cánh tại Sân bay Quốc tế Nội Bài ngày 10/3.
Chị Hà dự định quay trở lại Ukraine sau khi đã giải quyết xong công việc ở Việt Nam. Thế nhưng, việc chưa xong, lại xảy ra chiến sự, chị đành ở nhà, chồng và hai con ở Ukraine. Cả gia đình đành chia xa đôi ngả. Chiếc điện thoại, cầu nối duy nhất giữa các thành viên hoạt động liên tục.
Chị Hà nhiều lần hoảng loạn khi nghe chồng kể tên lửa bay ngang qua, tiếng bom rơi, đạn nổ ngay cạnh nhà. Rồi chị nghe tin chồng và con đến được Đức, bạn mình là chị Quyên sang đến Ba Lan thì “tôi như sống lại, nửa đêm reo lên vì vui sướng khi chồng gọi điện về thông báo”.
Chị kể, sau khi đến Đức, hiểu được tình cảm và tinh thần đùm bọc lẫn nhau trong cộng đồng người Việt xa xứ, hai con của chị xung phong làm tình nguyện viên phiên dịch viên hỗ trợ cho người lánh nạn từ Ukraine sang Đức, còn chồng chị thì tìm kiếm việc làm thêm để trang trải cuộc sống. Chị Hà yên tâm phần nào về gia đình.
Dù tiếp chuyện nhưng ánh mắt chị Hà không rời khỏi khu vực lấy hành lý, trên tay vẫn ôm bó hồng ngóng đợi. Vừa nhìn thấy chị Quyên, chị chạy đến ôm chặt người bạn tâm giao vào lòng. Cả hai bật khóc nức nở, những giọt nước mắt vui mừng. Vậy là bạn chị đã trở về nhà an toàn.
Bà Lê Thị Hà (bìa phải) và bà Vũ Thị Hồng Quyên nghẹn ngào giây phút gặp lại nhau sau cơn hoạn nạn. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Tinh thần “máu chảy ruột mềm”
Chị Nguyễn Thị Thắm và cậu con trai nhỏ chưa đầy sáu tuổi sơ tán từ Ukraine sang Cộng hòa Czech. Ngày 12/3, hai mẹ con chị khẩn trương bắt tàu từ Cộng hòa Czech để sang Ba Lan cho kịp chuyến bay hồi hương thứ hai. Khi tới sân bay Federik Chopin thì danh sách người về không có tên hai mẹ con. Tình huống cấp bách phát sinh ngoài kế hoạch ở phút cuối trước giờ lên sân bay, khi hầu như đã đủ số lượng người bay và mọi hành khách khác đã lên máy bay.
Chị Thắm nhớ lại, lúc ấy mọi thủ tục đều được đơn giản hóa hết mức. Lãnh đạo Đại sứ quán đã kịp thời liên lạc với lãnh đạo của Tổng Công ty hàng không Việt Nam để giúp chị và con trai có thêm chỗ, kịp lên máy bay về nước.
Một lưu học sinh Đà Nẵng, vừa sơ tán khỏi Ukraine từ Ba Lan viết trong email gửi Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan rằng những ngày ở Ba Lan được tá túc tạm thời tại chùa Nhân Hoà, thủ đô Warsaw, Ba Lan là những ngày đặc biệt của cuộc đời anh.
Dù tiếp xúc chưa đầy 24 giờ nhưng sự bao dung, vị tha, những cuộc nói chuyện thú vị với bài học sâu sắc với sư thầy trị sự và phật tử chùa Nhân Hoà; sự giúp đỡ mọi mặt về nơi ăn, chốn ở, sự sẻ chia về cuộc sống của Hội người Việt Nam ở Ba Lan, các tình nguyện viên; sự giúp đỡ, làm việc không quản ngày đêm của cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan để hỗ trợ sắp xếp nhanh nhất kế hoạch đưa công dân Việt Nam được hồi hương… đã khiến anh luôn cảm nhận được sự nhiệt tình và chào đón của mọi người.
“Nếu có cơ hội, tôi nhất định sẽ quay lại Ba Lan, quay lại nơi luôn luôn rộng cửa đón chờ tôi cũng như những người dân xin tị nạn trong thời gian qua. Những con người năng động, nhiệt thành ấy đã để lại trong tôi nhiều bài học và suy nghĩ sâu sắc”.
Sơ tán khỏi vùng chiến sự và niềm hạnh phúc khi trở về quê hương. |
Tận tâm, tận lực
Kể từ trước khi xảy ra chiến sự tại Ukraine, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt và dành ưu tiên cao nhất cho công tác này. Các biện pháp ngoại giao nhằm bảo hộ công dân Việt Nam được triển khai tổng lực trên nhiều mặt trận.
Và khi chiến sự nổ ra, nhiệm vụ đặt ra hàng đầu là “không được để người dân Việt Nam trong vùng chiến sự bị thiệt mạng, bị thương”, “không được để người dân trong quá trình di tản bị đói, lạnh”, quan trọng nhất là “đưa kiều bào ra khỏi vùng chiến sự an toàn”, “tinh thần nhân đạo, trách nhiệm là việc rất cấp thiết hiện nay”, “máu chảy ruột mềm”.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn gặp đại diện một số cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài ở Việt Nam, điện đàm, liên hệ với các nước liên quan, Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế đề nghị hỗ trợ sơ tán bà con ta tại Ukraine.
Trong khi đó, Đại sứ Việt Nam tại Ukraine và các nước lân cận gặp Bộ Ngoại giao bạn đề nghị có các biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người Việt tại Ukraine, tạo hành lang an toàn để sơ tán công dân Việt Nam.
Những cán bộ, nhân viên Đại sứ quán, những người trực tiếp làm công tác bảo hộ công dân làm việc liên tục không có giờ nghỉ, mỗi ngày ngủ chỉ được 3-4 tiếng, vừa chợp mắt thì tiếng chuông điện thoại lại reo liên hồi. Thậm chí, có cán bộ, nhân viên Đại sứ quán “gần như kiệt sức”.
Sau những chặng bay dài và có phần đặc biệt, dù rất mệt mỏi nhưng bà con đều có tâm trạng phấn chấn vì được trở về quê hương và không giấu nổi niềm xúc động.
Khi bước chân xuống sân bay, mỗi người đều không quên gửi lời cảm ơn tới Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các cơ quan đại diện Việt Nam, kiều bào ở nước ngoài đã quan tâm giúp đỡ, đón bà con về nước lánh nạn. Hơn ai hết, họ là những người thấu hiểu giá trị của hai tiếng “đồng bào” ...