Toàn cảnh Hội thảo. (Ảnh: V.A) |
Đó là một phần trong kết quả điều tra quốc gia yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm năm 2015 tại Việt Nam do Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện trong năm 2015, được công bố ngày 8/9 tại Hà Nội.
Tiến sỹ Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, có tổng số 3.856 người trong độ tuổi 16 - 69 được chọn tham gia điều tra. Mục đích cuộc điều tra là thu thập thông tin về các hành vi nguy cơ gây bệnh không lây nhiễm như hút thuốc lá, sử dụng rượu bia, chế độ ăn không hợp lý, thiếu hoạt động thể lực…
Kết quả điều tra cho thấy, hầu hết các yếu tố nguy cơ mắc bệnh không lây nhiễm đều có tỷ lệ cao hơn so với quy định của WHO. Ngoại trừ tỷ lệ ăn thiếu rau và trái cây ở cả hai giới và tỷ lệ thiếu hoạt động thể lực ở nam giới giảm, còn lại các yếu tố nguy cơ khác đều không giảm hoặc tăng cao hơn một cách đáng kể so với kết quả điều tra năm 2010
Một kết quả rất đáng chú ý trong cuộc điều tra này là tỉ lệ sử dụng rượu bia tại Việt Nam có xu hướng ngày càng gia tăng. Có 77,3% nam giới và 11,0% nữ giới hiện tại đang sử dụng rượu bia (tức là có uống ít nhất 1 lần trong vòng 30 ngày qua). Tỷ lệ chung cho cả hai giới là 43,8% và có xu hướng tăng theo thời gian.
Đặc biệt, 44,2% nam giới và 1,2% nữ giới uống rượu bia ở mức nguy hại (trong 30 ngày qua có ít nhất 1 lần uống từ 6 đơn vị cồn trở lên). Đặc biệt, trong 30 ngày qua, gần một nửa (45%) trong số người đang sử dụng rượu bia đã điều khiển phương tiện cơ giới sau khi uống.
Tuy tỉ lệ nam giới ăn thiếu rau và trái cây giảm so với 2010 nhưng vẫn còn ở mức cao so với trung bình của thế giới. Theo đó, 57,2% dân số trưởng thành ăn thiếu rau và trái cây so với khuyến cáo của WHO (400gr/ngày) và tỷ lệ này cao hơn ở nam giới so với nữ giới (63,1% so với 51 4%).
Mức tiêu thụ trung bình 9,4 gam muối trong một ngày/người, cao gần gấp đôi so với khuyến cáo của WHO (dưới 5 gam muối/người/ngày). Đây là lần đầu tiên Việt Nam có số liệu quốc gia về tiêu thụ muối quần thể.
Một điều rất đáng lo ngại đó là, tỉ lệ thừa cân béo phì có xu hướng tăng nhanh và đáng báo động. 15,6% số người dân Việt Nam hiện tại bị thừa cân béo phì, không có sự khác biệt giữa nam và nữ. Tỉ lệ này ở thành thị cao hơn ở nông thôn (thành thị 21,3%; nông thôn 12,6%). Tỷ lệ tăng huyết áp, đường huyết theo đó cũng có xu hướng tăng theo thời gian…
Trong khi đó, việc phát hiện, kiểm soát bệnh chưa nhiều. Chỉ có 43,1% sổ người mắc tăng huyết áp và 31,1% số người tăng đường huyết từng được phát hiện bệnh (tương đương với 56,9% người tăng huyết áp và 68,9% người tăng đường huyết chưa được phát hiện). Chỉ có 13,6% số người mắc tăng huyết áp và 28,9% số người lăng đường huyết/đái tháo đường được quản lý tại cơ sở y tế.
Để đẩy mạnh can thiệp phòng chống các yếu tố nguy cơ của bệnh không lây nhiễm, Bộ Y tế cho rằng cần tập trung vào các yếu tố nguy cơ như tăng cường chính sách pháp luật về phòng chống tác hại của rượu bia. Thực thi các biện pháp hiệu quả theo khuyến nghị của WHO như kiểm soát quảng cáo khuyến mại rượu bia; kiểm soát giờ bán và điểm bán rượu bia; chỉnh sách giá và thuế; và phòng chống tình trạng lái xe sau khi uống rượu bia.