📞

Người viết tình ca Việt Nam-Lào

Lang Quốc Khánh 07:15 | 22/07/2022
Đã từ lâu, trong mối cuộc giao lưu Việt Nam-Lào đều vang lên giai điệu và lời ca từ bài hát "Tình Việt Lào” của nhạc sĩ Hồ Hữu Thới. Đi cùng những câu hát mộc mạc, trong sáng, đong đầy tình cảm là điệu múa Lăm vông truyền thống Lào.

Đại tá Vi Tố Định, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam-Lào tỉnh Nghệ An, người từng chiến đầu ở chiến trường Lào, nhận xét: “Ca khúc của Nhạc sĩ Hồ Hữu Thới có lời ca rất đặc biệt, truyền cảm, không lẫn với ai.

Giai điệu ca khúc trong sáng, lời ca thắm đượm tình yêu nam nữ nhưng lại khái quát lên tình yêu giữa hai dân tộc Việt Lào gắn bó. Tiết tấu âm nhạc đậm chất dân gian Lào, nghe hát ai cũng cứ gật gù và muốn cùng múa theo nhịp Lăm vông, điệu quốc vũ của Lào mà không muốn dừng”...

Ca khúc chiếm trọn tình cảm người dân hai nước

Ca khúc Tình Việt Lào được nhạc sĩ Hồ Hữu Thới sáng tác năm 2001 sau một chuyến công tác Lào. Ngay khi bài hát được công bố đã chiếm đa số cảm tình của người dân Lào và Việt Nam. Nhạc sĩ Lào còn dịch nội dung bài hát sang ngữ Lào. Từ đó, trong các chương trình văn nghệ, giao lưu liên quan đến quan hệ hữu nghị giữa hai nước thì bài hát được sử dụng thành nội dung chủ đạo của cả chương trình.

Nhạc sĩ Hồ Hữu Thới. (Ảnh: Quốc Khánh)

Nhạc sĩ Buangeun Saphouvong, Thứ trưởng Bộ Thông tin Văn hóa và Du lịch Lào, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ quốc gia Lào, đánh giá: “Đây là bài hát đương đại được yêu thích nhất tại Lào về ca ngợi mối quan hệ Lào- Việt Nam.

Bài hát có nội dung trong sáng, lột tả tình cảm sâu lắng giữa nhân dân hai nước, dễ nhớ, dễ đi vào lòng người bằng giai điệu âm nhạc theo phong cách hát múa dân gian đương đại của cả Lào và Việt Nam.

Nghe bài hát, bất kể ai cũng đều đưa tay múa theo và đôi chân muốn bước theo nhịp lăm vông, điệu múa cổ truyền dân tộc Lào. Lúc ấy mọi người xích lại gần nhau hơn, vui vẻ, chan hòa, xóa mọi khoảng cách”:

Em ở bên này Tây Trường Sơn

Anh ở bên này Đông Trường Sơn.

Ta gửi cho nhau câu hát ân tình

Câu hát dân ca của Lào xủng Lùm Lào Thơng

Câu hát dân ca của quê mình quan họ

Đến với nhau, người ở đừng về.

Em ở bên Tây, anh ở bên Đông.

Hai nước nghe chung tiếng gà gáy sáng.

Đất nước Chăm Pa, đất nước Tiên Rồng.

Chung bước bên nhau xây đắp mối tình

Tình Việt Lào anh em, tình Việt Lào anh em.

Mãi mãi không bao giờ phai.

Bài hát Tình Việt Lào luôn ngân vang trong các buổi giao lưu giữa lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam- Lào, làm cho khán phòng vô cùng ấm áp, chan hòa thắm tình anh em, không còn khoảng cách xã giao khách khí ngoại giao.

Các sinh hoạt của Đại sứ quán Việt Nam tại Lào hay các buổi giao lưu Việt Nam- Lào thì ca khúc luôn mang tính chủ đạo xuyên suốt, cùng với bài Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng, tạo sự gắn kết mọi người với nhau như trong một nhà.

Nhạc sĩ nặng tình với quê hương

Hồ Hữu Thới là con người nặng nghĩa với quê hương, luôn hướng về quê hương. Công chúng yêu nhạc, yêu quê, nhớ quê đều biết ơn ông qua ca khúc nổi tiếng Câu hát quê hương.

Trong sáng tác, ông đã triệt để khai thác âm hưởng, tâm hồn và sức sống của Ví Giặm, bên cạnh đó Hồ Hữu Thới còn man mác bâng khuâng điệu hò khoan Lệ Thủy, sự rộn ràng tưng bừng cùng điệu xòe Tây Bắc; điệu Lăm Khắp, cồng chiêng của người Thái miền Tây xứ Nghệ; đượm tình yêu bao la của Chủ tịch Hồ Chí Minh...

Sinh ra và lớn lên ở nông thôn Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, miền đất cùng cuộc đời Hồ Hữu Thới đi qua chiến tranh, bom đạn, nghèo khó nên con người và tâm hồn nhạc sĩ của ông luôn đau đáu hướng về quê hương, để ông lắng thêm trong mỗi tác phẩm âm nhạc, đi suốt chiều dài câu Ví Giặm, suốt chiều rộng câu dân ca.

Ông từng công tác ở Ty Văn Hóa Nghệ An, làm Phó Hiệu trưởng trường Văn Hóa Nghệ thuật Nghệ Tĩnh, rồi Giám đốc Sở Văn Hóa Thông Tin Nghệ An. Sau khi nghỉ hưu, ông đã ra Hà Nội làm Chánh văn phòng Hội Di sản Văn hóa Việt Nam.

Hồ Hữu Thới được giới trong nghề và công chúng yêu nhạc ví như cây đại thụ trong làng âm nhạc đương đại với hơn 500 ca khúc. Mỗi ca khúc ông sáng tác đều mang một vẻ riêng không lặp lại lối mòn và đều lắng đọng trong công chúng. Khi được hỏi vì sao hơn 50 năm đời, ông sáng tác không mệt mỏi, ông nói: "Nếu không sáng tác tức là mình không còn thở, tim không còn đập".

Mỗi cuộc giao lưu hữu nghị giữa hai nước đều văng lên lời ca "Tình Việt Lào" của nhạc sĩ Hồ Hữu Thới. (Ảnh: Quốc Khánh)

Đến thời điểm hiện tại, ca khúc Tình Việt Lào của Hồ Hữu Thới đang được phổ cập nhiều nhất, có sức lan tỏa rộng lớn nhất tại Lào. Đây cũng là hiện tượng “vượt biên” được yêu thích nhất, đáng kính nể nhất hiện nay.

Đặc biệt, trong năm 2022 là năm có nhiều hoạt động thiết thực chào mừng Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam-Lào thì bài hát càng có chỗ đứng ưu ái đối với công chúng hai nước.

Năm 2015, Bộ Thông tin Văn hóa và Du lịch Lào cũng đã trao tặng Bằng khen cho nhạc sĩ Hồ Hữu Thới vì đã có thành tích xuất sắc nhất, sáng tác tác phẩm âm nhạc ca ngợi, vun đắp mối tình đoàn kết, hữu nghị đặc biệt Việt Nam-Lào.

Nhạc sĩ Hồ Hữu Thới còn nổi tiếng với các ca khúc: Em với thác Sao Va, Sơn La đón Bác Hồ, Hội làng bên sông Lam, Ân tình xứ Nghệ, Tình xứ nghệ, Vinh thành phố nghĩa tình, Em chưa về với biển