📞

‘Nguồn cảm hứng’ Điện Biên

NGUYỄN HỒNG 14:00 | 28/07/2024
Nếu tháng Năm nhớ về “thiên sử vàng” của mặt trận Điện Biên Phủ, thì tháng Bảy về Xin thắp nén hương thơm/Phút tưởng niệm những anh hùng liệt sĩ - những người đã hy sinh thân mình vì nền độc lập tự do của Tổ quốc hôm nay...
Đoàn công tác đặt vòng hoa tưởng niệm tại Nghĩa trang liệt sĩ A1. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Tuần qua, đoàn công tác Đảng uỷ Bộ Ngoại giao do Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Điện Biên và thăm một số địa chỉ đỏ trên địa bàn tỉnh. Chuyến công tác có ý nghĩa khi diễn ra vào đúng dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), 70 năm ngày ký Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự tại Việt Nam (21/7/1954-21/7/2024) và kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024), .

Địa chỉ đỏ quý báu

Con đường từ Hà Nội đến Điện Biên dài khoảng 400km, mất gần 10 giờ đồng hồ đi xe. Đèo Pha Đin - một trong tứ đại đỉnh đèo của miền Bắc với những khúc cua quanh co, khiến chúng tôi khi lắc bên này, khi nghiêng bên kia.

Nhìn ra cửa sổ ngắm đường lên chiến trường năm xưa, vẳng lên trong tôi là những câu thơ trong bài Hoan hô chiến sĩ Điện Biên của Tố Hữu: Dốc Pha Đin, chị gánh anh thồ/Đèo Lũng Lô, anh hò chị hát/Dù bom đạn xương tan, thịt nát/Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh...

Câu thơ về những người góp phần làm nên “thiên sử vàng” năm xưa đủ khiến người nghe “thầm” như tôi thấy nghẹn ngào, bởi lẽ, dù vất vả, gian lao nhưng anh vẫn hò, chị vẫn hát, dù bom mưa, bão đạn, xương tan, thịt nát thì vẫn luôn sắt son niềm tin chiến thắng cho dân tộc.

Chúng tôi khắc ghi sâu hơn lời Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Điện Biên Phủ như một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử. Nó ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã, đồng thời phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới đang lên cao đến thắng lợi hoàn toàn”.

Trong dòng hồi tưởng về những hy sinh máu xương làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, các thành viên đoàn công tác không khỏi xúc động khi dâng hương tại đền thờ liệt sĩ tại chiến trường Điện Biên Phủ; đặt vòng hoa tưởng niệm tại Nghĩa trang liệt sĩ A1 - nơi an nghỉ của 644 anh hùng liệt sĩ hy sinh trong chiến dịch... Như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết: “Máu đào của các liệt sĩ đã làm cho lá cờ cách mạng càng thêm đỏ chói. Sự hy sinh của các liệt sĩ cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do”.

Trong giờ phút linh thiêng, các cán bộ của ngành Ngoại giao - những chiến sĩ trên mặt trận ngoại giao, bảo vệ lãnh thổ phên dậu Tổ quốc trên bàn đám phán, dành phút tưởng nhớ và biết ơn vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới; Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam và hàng nghìn người con ưu tú của dân tộc đã hiến dâng tuổi thanh xuân và sinh mệnh cho Tổ quốc.

Sau khi thắp nén nhang thơm tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ, đoàn đến tham quan Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ - nơi trưng bày gần 1.000 tài liệu, hiện vật, hình ảnh, bản đồ… để hiểu rõ hơn về trận chiến Điện Biên Phủ lừng lẫy năm xưa.

Đó là cảnh kéo pháo vào trận địa, vận chuyển lương thực, phá đá mở đường; tận mắt xem ngắm chiếc xe đạp thồ của ông Ma Văn Thắng, xe cút kít của ông Trịnh Đình Bầm, áo lụa của đồng chí Nguyễn Phú Xuyên Khung hay máy điện thanh của đồng chí Chu Văn Mùi, các loại đạn pháo; cảnh tái hiện hoạt động các bác sĩ, y tá chăm sóc thương binh cả ta và Pháp trong các hầm trú ẩn, đã cho thấy thực tế đau thương của chiến tranh, sự khốc liệt của súng, pháo và bom mìn.

Bức tranh panorama dài 132m, cao 20,5m, đường kính 42m với tổng diện tích là 3.225m² cùng sự tham gia của hơn 4.500 nhân vật, với khung cảnh núi rừng Tây Bắc. Đó là không khí trùng trùng từng đoàn dân quân thồ hàng, trèo đèo lội suối cung cấp lương thực cho tiền tuyến; những người lính sẵn sàng ra trận mà không một khắc đắn đo hay tiếc thân mình… Chiến dịch Điện Biên Phủ tái hiện sinh động khiến mỗi thành viên đoàn công tác không khỏi bồi hồi và cảm thấy tự hào hơn...

Trong lưu bút của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tại đây có đoạn: “Qua từng bức ảnh và hiện vật quý báu về những tháng ngày ‘khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt’, Đoàn cảm nhận sâu sắc lòng quả cảm và tinh thần anh dũng hy sinh của các anh hùng liệt sĩ, chiến sĩ Điện Biên dưới sự lãnh đạo tài tình và vĩ đại của Đảng, Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm nên chiến thắng ‘lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu’”.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhắc lại, cách đây 70 năm, tại Geneva, Thụy Sỹ, đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm trưởng đoàn, phát huy chiến thắng của

Chiến dịch Điện Biên Phủ, đã giành thắng lợi to lớn trên bàn đàm phán buộc Pháp ký Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam. Họ cùng các cường quốc khác phải tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

“Hiệp định Geneva về Đông Dương là một trong những mốc son lịch sử của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam, mang đậm dấu ấn tư tưởng, phong cách và nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh”, Bộ trưởng viết.

Người đứng đầu ngành Ngoại giao tưởng nhớ, tri ân sâu sắc trước những công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh tại Chiến trường Điện Biên Phủ để giành độc lập tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc cho nhân dân”.

Đoàn cũng tham quan hầm Đờ Cát, cứ điểm Him Lam, đồi A1... Những “cứ điểm” năm xưa đến nay vẫn sừng sững như chứng nhân lịch sử, gợi nhắc về sự hy sinh anh dũng của cha ông, trở thành bài học sống động cho thế hệ trẻ về lịch sử của dân tộc.

Đoàn công tác tham quan hầm Đờ Cát. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Vun đắp cho tương lai

Để sống trong nền hòa bình, độc lập, giới trẻ ngày nay được thừa hưởng thành quả từ sự hy sinh xương máu của biết bao thế hệ đi trước. Chính vì vậy, thế hệ trẻ cần có trách nhiệm gìn giữ, phát huy những giá trị cao quý và cha ông ta để lại, biến những bài học lịch sử thành hành động cụ thể và không ngừng cống hiến cho sự nghiệp xây dựng đất nước ngày càng phát triển.

Mang giá trị lịch sử sâu sắc, Điện Biên Phủ trở thành địa chỉ đỏ trong giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ. Hàng năm, Bộ Ngoại giao đều tổ chức các chương trình về nguồn dành cho cán bộ, nhân viên, đặc biệt là cán bộ trẻ để tìm hiểu về giá trị lịch sử, từ đó vun đắp thêm bản lĩnh chính trị, hiểu thêm về sự hy sinh của thế hệ cha ông, từ đó thấu hiểu giá trị của hòa bình.

Lần đầu tiên đến Điện Biên, Phạm Trang Nhã, chuyên viên Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế, không khỏi xúc động, tự hào và biết ơn đối với thế hệ cha ông đã dũng cảm chiến đấu, hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc.

Chuyến đi thực sự truyền động lực to lớn để Trang Nhã tiếp tục phấn đấu, rèn luyện bản thân, nâng cao năng lực chuyên môn, cống hiến cho công việc, góp phần nhỏ bé vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tiếp nối truyền thống tốt đẹp hào hùng của cha ông ta.

Còn với Trần Bảo Nguyên, chuyên viên Vụ Biên giới đất liền, Ủy ban Biên giới quốc gia, do đặc thù công việc nên đã nhiều lần đến Điện Biên, nhưng chuyến đi này để lại cho Nguyên cảm xúc khó tả. Đặc biệt, đến thăm Cửa khẩu quốc tế Tây Trang giúp Nguyên hiểu rõ hơn về cuộc sống và công việc gian khổ của các chiến sĩ biên phòng, những người lính ngày đêm canh giữ biên cương Tổ quốc.

“Lớp thế hệ cán bộ ngoại giao trẻ cần luôn cố gắng học hỏi, trau dồi để xứng đáng với truyền thống anh hùng của dân tộc, đồng thời, tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, dám nghĩ dám làm của những nhà ngoại giao tiền nhiệm, góp phần đưa đất nước ngày càng phát triển và hội nhập sâu rộng với quốc tế”, chuyên viên trẻ bày tỏ.

Tôi tin rằng, chuyến đi trở về các địa chỉ đỏ đã giúp chúng tôi, thế hệ trẻ được thừa hưởng nền độc lập, tự do ngày hôm nay hiểu rõ về quá khứ, biết trân trọng giá trị lịch sử và văn hóa của dân tộc. ta. Điện Biên Phủ không chỉ là quá khứ, mà còn là nguồn cảm hứng cho tương lai. Chiến thắng Điện Biên Phủ, sau 70 năm, vẫn còn vang vọng như một bài ca bất tử, khích lệ thế hệ trẻ tiếp tục vun đắp lòng yêu nước, đóng góp vào sự nghiệp phát triển đất nước.