Trung Quốc và Lithuania đang vướng vào một cuộc khủng hoảng ngoại giao. (Nguồn: Dreamstime) |
Vấn đề có tính nhạy cảm
Tuần trước, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã triệu hồi Đại sứ của mình ở Lithuania về nước, đồng thời cho biết rằng bất chấp việc Bắc Kinh đã cảnh báo về những hậu quả có thể xảy ra, mới đây, chính phủ Lithuania vẫn cho phép Đài Loan (Trung Quốc) mở văn phòng đại diện của mình tại Vilnius.
Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đây là sự vi phạm thô bạo các nguyên tắc đã nêu trong thông cáo chung, khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, và nhấn mạnh việc làm này gây tổn hại nghiêm trọng tới chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc.
Đáp lại, Bộ Ngoại giao Lithuania ra tuyên bố: “Chúng tôi lấy làm tiếc trước việc triệu hồi Đại sứ về nước của Bắc Kinh, Lithuania luôn khẳng định nguyên tắc 'một Trung Quốc' và mong muốn phát triển quan hệ hai bên cùng có lợi với Đài Loan giống như các nước trong Liên minh châu Âu (EU) và nhiều nước khác trên thế giới đã làm”.
Đài Loan lâu nay đã là vấn đề nhạy cảm với Trung Quốc. Đáng lưu ý, Vilnius cho phép Đài Loan mở văn phòng đại diện với tên gọi “Đài Loan”, thay vì sử dụng tên gọi “Đài Bắc” theo Trung Quốc, trên lãnh thổ Lithuania.
Việc này bị Bắc Kinh nhận định là thách thức nghiêm trọng và cảnh báo sẽ có biện pháp đáp trả.
Vậy điều gì đã thôi thúc Vilnius tạo ra sóng gió trong quan hệ với Bắc Kinh khi chỉ mới cách đây vài năm, chính quyền Lithuania còn mong muốn phát triển quan hệ kinh tế với Trung Quốc?
Tháng 11/2018, Tổng thống Lithuania Dalia Grybauskaite từng có chuyến thăm chính thức tới Trung Quốc và bày tỏ mong muốn được kết nối với Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của nước này.
Bước ngoặt đến từ Mỹ
Khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung nổ ra, Bộ Ngoại giao Mỹ đã kêu gọi các đồng minh hãy xem xét lại mối quan hệ với Trung Quốc.
Trong khi nhiều nước có thái độ thận trọng và cân bằng trước căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, thì Lithuania lại có động thái "nghiêng" về Mỹ.
Năm 2019, Cục an ninh quốc gia Lithuania đã đưa ra báo cáo, trong đó nói rõ những hoạt động của Trung Quốc sẽ gây nguy hại cho an ninh của Lithuania.
Tổng thống Lithuania Gitanas Nauseda cũng từng tuyên bố những đầu tư của Trung Quốc vào cảng biển của nước này không mở ra triển vọng mới nào, mà thậm chí còn là nguy cơ lớn.
Theo ông Gitanas Nauseda, việc tập đoàn Huawei đang chuẩn bị triển khai mạng 5G ở Lithuania bị cáo buộc hoạt động gián điệp, và phải chấm dứt hoạt động gây ra lo ngại cho các doanh nghiệp nước này.
Năm 2020, Đảng Liên minh Tổ quốc theo đường lối trung hữu của Lithuania đã chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử. Chủ trương của đảng này là đối đầu với Trung Quốc.
Đầu năm nay, các nghị sĩ Lithuania đã đưa vấn đề người Duy Ngô Nhĩ của Trung Quốc vào chương trình nghị sự và kêu gọi đưa vấn đề này ra tòa án quốc tế.
Bình luận về những động thái của Lithuania, giới quan sát nhận định rằng mải theo đuổi mối quan hệ với Mỹ, Lithuania có thể sẽ phải gánh chịu nhiều tổn thất khổng lồ về kinh tế.
Mặt khác, mâu thuẫn ngoại giao với Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh quan hệ của Lithuania với Belarus cũng không mấy tốt đẹp. Điều này đang khiến Lithuania gặp nhiều rắc rối khi dòng người tị nạn từ Trung Đông đổ về Lithuania qua biên giới Belarus.
Biểu tình phản đối chính phủ của người dân Lithuania. (Nguồn AIF) |
Sóng gió ngoại giao giữa Lithuania và Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh ngay trong lòng Lithuania cũng đang khủng hoảng trầm trọng.
Theo thống kê của cảnh sát Vilnius, ngày 10/8 ghi nhận 5.000 người xuống đường biểu tình phản đối chính phủ Lithuania, điều này chưa từng xảy ra ở Lithuania từ năm 2009.
Người dân Lithuania tỏ ra bất bình, phản đối biện pháp chống dịch Covid-19 không hiệu quả của chính phủ. Cuộc biểu tình đã dẫn tới đụng độ, cảnh sát phải dùng đến hơi cay, 26 người đã bị bắt.
Cha đẻ của “nền dân chủ Lithuania” Vitautas Landsbergis, nguyên thủ đầu tiên của Cộng hòa Lithuania sau khi tách ra khỏi Liên Xô năm 1990, bày tỏ không hài lòng về những hành động quá khích của các cuộc biểu tình.
Theo ông này, người Lithuania đã biểu tình mà không biết mình muốn phản đối vấn đề gì, họ hành động khiêu khích, dùng lời lẽ xúc phạm, tạo làn sóng phản ứng gây mâu thuẫn nội bộ.
Trong khi đó, chính phủ Lithuania vẫn gia tăng căng thẳng trong quan hệ với Trung Quốc, mà nhiều nhà phân tích cho rằng dường như các chính trị gia ở Vilnius chưa đánh giá hết mức độ nguy hiểm trong đường lối mà mình đề ra.
| Sự kiện quốc tế nổi bật tuần 9-15/8: Sóng gió mới trong quan hệ liên Triều; Taliban bành trướng ở Afghanistan Afghanistan sắp 'thất thủ'? Căng thẳng ngoại giao Trung Quốc-Lithuania, Mỹ-Belarus, Anh-Đức... là những sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua. |
| Lùm xùm ngoại giao Trung Quốc-Lithuania: Washington khẳng định 'kiên định đoàn kết' với Vilnius Bộ Ngoại giao Mỹ tái khẳng định sự ủng hộ đối với Lithuania khi nước này đối mặt với sức ép từ Trung Quốc liên ... |