Chào ngả mũ
Nghi lễ này có từ thời “vũ khí lạnh” (tức giáo, gươm, mác,…). Thời điểm đó, khi đánh nhau người ta phải đội mũ sắt. Mũ sắt rất nặng, khi các chiến binh đến nơi an toàn, việc đầu tiên là họ phải bỏ mũ xuống, để cho nhẹ. Như vậy, bỏ mũ là có ý không muốn chém giết nhau nữa. Đi đến nhà bạn, biểu thị hữu hảo, cũng bỏ mũ ra. Tập quán này lâu dần thành một nghi lễ để tỏ lịch sự, lễ độ.
Chào giơ tay
Người Ai Cập cổ chia ra thành nhiều bộ tộc, có những bộ tộc chung sống hòa bình và có những bộ tộc đối địch, thường giao chiến với nhau.
Những người của các bộ tộc hữu hảo, khi gặp nhau trên đường, họ thường bỏ mặt nạ để tỏ lòng kính mến. Đối với các bộ tộc có mâu thuẫn, khi gặp nhau, giao chiến thường xảy ra. Nhưng khi hai bên đã giảng hòa, mọi người đều bỏ mặt nạ ra, tỏ tình hữu hảo. Về sau, động tác bỏ mặt nạ biến thành nghi lễ chào giơ tay.
Bắt tay
Thời cổ, người ta sống bằng nghề đi săn. Nếu bắt gặp người lạ, tỏ tình hữu hảo thì phải bỏ hòn đá và xòe bàn tay ra cho đối phương trông thấy là không giấu vật gì. Về sau, các võ sĩ bắt chước, để tỏ hữu hảo, không đấu nữa thì sờ vào lòng bàn tay nhau để chứng tỏ không còn vũ khí nữa. Sau dần thành cách chào bằng bắt tay.
Chào giơ bàn tay ngang mày
Cách chào này bắt nguồn từ châu Âu. Đương thời, các kỵ sĩ thường đấu võ trước các công chúa và những phụ nữ quý tộc. Khi đi qua chỗ ngồi của công chúa, họ thường hát những bài ca. Lời ca thường ca ngợi công chúa như mặt trời tỏa sáng bốn phương. Do vậy, khi các võ sĩ nhìn thấy công chúa, thường giơ tay lên làm bộ đi ngang qua ánh sáng mặt trời. Lâu dần, cách làm này biến thành cách chào ngang mày.
Chạm cốc
Thời La Mã cổ, vua và các nhà quý tộc thường tổ chức cho các nô lệ đấu võ ở đấu trường. Trước khi quyết đấu, hai bên phải uống một cốc rượu. Để chứng tỏ rượu không bị đối phương pha thuốc độc, trước khi uống, hai người xẻ rượu cho nhau rồi cùng uống. Tập quán này lưu truyền đến ngày nay và trở thành nghi lễ chạm cốc.
Bắn 21 quả đại bác chào mừng
Một nguyên thủ quốc gia đến thăm chính thức một quốc gia khác, thường được bắn 21 quả đại bác chào mừng. Phong tục này bắt nguồn từ các chiến hạm trên biển. Khi một chiến hạm của nước này vào cảng nước khác, thường tự động bắn một loạt đạn không đầu đạn, để tỏ lòng kính trọng. Chiến hạm ngày xưa nhỏ, chỉ đặt được 7 cỗ pháo, cho nên khi vào cảng nước ngoài cũng chỉ bắn được 7 quả. Còn pháo ở cảng phía bên kia thường bắn 21 quả, gấp 3 lần, để đáp tạ và tỏ ý hoan nghênh.
Lâu dần, tập quán này trở thành quy tắc chung của quốc tế, không còn hạn chế ở các chiến hạm mà là nghi lễ không thể thiếu được trong buổi đón tiếp vị khách cấp cao nhất của nhà nước.
Cắt băng khánh thành
Lễ nghi này bắt nguồn từ nước Mỹ và trở nên thịnh hành hiện nay. Sáng sớm, cửa hàng mở cửa và căng một băng vải ở trước cửa để mời khách. Năm 1912, có một nhà buôn người Mỹ đã làm như trên với cửa hiệu của mình. Không ngờ, sắp đến lúc khánh thành thì đứa con gái 10 tuổi của ông dắt con chó cảnh đi qua, làm đứt băng vải chăng ngang cửa. Thế là khách hàng nhầm tưởng cửa hàng đã khai trương, ồ vào mua hết hàng hóa. Người ta nghĩ rằng, đứa bé làm đứt băng khánh thành là điềm lành và từ đó về sau, khi khai trương cửa hiệu, người ta thường mời các cô gái trẻ đẹp đến cắt băng khánh thành. Nhiều năm sau, người ta thay vải bằng dải lụa màu và dùng kéo để cắt. Người cắt băng bây giờ không còn là các cô gái nữa, mà thay vào đó là những người có uy tín trong xã hội, thậm chí là nguyên thủ quốc gia.
Hôn nhau
Phong tục hôn nhau của phương Tây bắt nguồn từ La mã cổ đại. Thời bấy giờ, đế chế La Mã có lệnh cấm phụ nữ uống rượu, do đó, khi các ông chồng đi xa về thường kiểm tra xem vợ mình có uống rượu hay không bằng cách ngửi miệng vợ. Lâu dần, biến thành một kiểu nghi lễ khi vợ chồng gặp nhau. Hiện nay, người phương Tây chỉ hôn nhau trong trường hợp vợ chồng, người yêu gặp nhau và người cao tuổi tỏ lòng yêu mến đối với người trẻ mà thôi.