Những bức tượng nổi tiếng với chiếc mũ đỏ trên đảo Phục Sinh. |
Đảo phục sinh ở Nam Thái Bình Dương, nổi tiếng với những tượng đá (moai) trông ra biển. Một số tượng đá này có đội chiếc mũ đỏ. Cho đến nay, câu hỏi về sự xuất hiện của những chiếc mũ đỏ mới dần được hé lộ.Tiến sĩ Sue Hamilton, ĐH London và tiến sĩ Colin Richards, ĐH Manchester là những nhà khảo cổ học đầu tiên khai quật mỏ đá Puna Pau trên đảo Phục Sinh. Trong một lần nghiên cứu, hai người phát hiện dấu tích con đường từng được dùng để vận chuyển đá từ núi lửa tới các bức tượng đặt ven biển.Theo tiến sĩ Hamilton, chiếc mũ đá này tượng trưng cho búi tóc của các vị tù trưởng, những người đã thắng trong các cuộc chiến giành quyền lực nên được tôn vinh bằng bức tượng lớn. Đây cũng là cách thờ cúng tổ tiên của người Polynesia. Họ đã tận dụng đất đá nóng chảy của các vụ phun trào núi lửa để tạo nên chiếc mũ có màu đặc trưng này.
Ông bổ sung: “Cho đến nay, chúng tôi đã xác định được hơn 70 chiếc mũ tại khu vực đặt tượng và trên lối đi. Rất nhiều tảng đá đã bị vỡ hoặc dính chặt vào mặt đất. Mỗi tảng đá đó nặng tới vài tấn, làm bằng xỉ núi lửa, với màu đỏ tượng trưng cho địa vị cao".Tiến sĩ Hamilton cho rằng, các vị tù trưởng đã huy động rất nhiều thổ dân đi lấy đá, rồi sau đó dùng thân cây làm con lăn để vận chuyển tới các bức tượng khổng lồ được đặt trên những chiếc bệ cao. “Khu mỏ nằm ở góc khuất mà từ nhiều hướng trên đảo không thể nhìn thấy được. Những “chiếc mũ đỏ” xuất hiện vào khoảng từ năm 1.200 tới 1.300 sau Công Nguyên. Những gì còn lại trên đảo cho thấy xã hội của người bản địa từng được tổ chức chặt chẽ”, ông nói.
Trước đó, nhà khảo cổ học Katherine Routledge tới hòn đảo này cùng chồng vào năm 1914, thực hiện cuộc thám hiểm mang tính tiên phong nhằm vẽ sơ đồ các bức tượng nổi tiếng. Với sự trợ giúp của một người bản địa, họ tìm thấy 30 bức tượng và thu thập được nhiều giai thoại độc đáo về đảo Phục Sinh. Nguyên nhân dẫn đến sự suy tàn của xã hội trên hòn đảo này vẫn đang là đề tài gây tranh cãi, nhưng nhiều người cho rằng đó là hệ quả từ một cuộc khủng hoảng do cạn kiệt nguồn tài nguyên bởi chiến tranh hoặc dịch bệnh.Hòn đảo này sáp nhập vào Chile từ năm 1888 và trong thập niên 1960, nó được Cơ quan Hàng không - Vũ trụ Mỹ (NASA) dùng làm nơi hạ cánh khẩn cấp cho các tàu con thoi. Thời gian gần đây, mỗi năm đảo Phục Sinh đón khoảng 20.000 du khách, vì vậy, các nhà khoa học kêu gọi bảo vệ những truyền thống của người dân bản địa trước sự "xâm lấn" của nền văn minh hiện đại. Đảo Phục Sinh nằm ở phía Nam Thái Bình Dương, thuộc Chile. Cách Chile lục địa khoảng 3.500 km về phía Tây, đây là một trong những hòn đảo xa xôi nhất thế giới có người sống. Tên của hòn đảo được đặt theo ngày người Hà Lan phát hiện ra, đó là Chủ nhật Phục sinh năm 1722. Hòn đảo có diện tích 163,6 km2, tạo thành từ ba ngọn núi lửa: Poike, Rano Kau và Terevaka.Theo Đất Việt