Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung thăm dây chuyền sản xuất công ty Khánh Tâm. (Ảnh: Phạm Bằng) |
Trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế, cơ hội và thách thức ngày càng lớn, đòi hỏi nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực phải đáp ứng được nhu cầu thị trường - trở thành yêu cầu và đòi hỏi thực tế.
Giai đoạn từ năm 2014-2018, bình quân mỗi năm toàn tỉnh tuyển sinh đào tạo nghề cho hơn 76.500 lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 52% năm 2014 lên 61% năm 2018; trong đó, qua đào tạo nghề tăng từ 46% năm 2014 lên 55,5 năm 2018. Đào tạo nghề đã gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, người sử dụng lao động được quan tâm và có bước đi triển bền vững.
Theo Dự báo dân số, nhu cầu nguồn nhân lực và giải quyết việc làm từ năm 2019 đến 2025, dân số Nghệ An đến năm 2025 đạt khoảng 3.510.000 người, lực lượng lao động xã hội khoảng 2.101.880 người, nhu cầu nguồn nhân lực để cung cấp cho các doanh nghiệp, Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh là 88.200 người, ngoại tỉnh 81.100 người, xuất khẩu lao động 97.700 người.
Nền tảng vững chắc cho phát triển
Nghệ An là tỉnh đông dân, với khoảng 2.929.107 người (số liệu năm 2010), chiếm 3,4% dân số cả nước và đứng thứ tư trong số 63 tỉnh, thành phố (chỉ sau TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và Thanh Hóa). Nguồn nhân lực dồi dào và đang trong thời kì “cơ cấu dân số vàng - tỉ trọng dân số trong độ tuổi lao động cao gấp đôi trong độ tuổi phụ thuộc” là một lợi thế lớn để tỉnh Nghệ An đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.
Trong Quy hoạch phát triển, Nghệ An phấn đấu đến năm 2020 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp, có thu nhập đạt mức trung bình khá so với cả nước. Để đạt được mục tiêu đó, nguồn nhân lực đã luôn thể hiện rõ vai trò quan trọng trong từng bước phát triển của Tỉnh.
Lực lượng lao động của tỉnh Nghệ An có cơ cấu phân theo nhóm tuổi trẻ, thuận lợi để có thể nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật của lao động. Lao động có thể dễ dàng đón nhận những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Từ đó cho thấy, lực lượng lao động của Nghệ An bước đầu đã có sự chuyển dịch đúng hướng, phù hợp với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đó là sự giảm tỷ trọng của lao động nông, lâm, ngư nghiệp và tăng tỉ trọng của lao động công nghiệp - xây dựng và dịch vụ.
Trong những năm qua, trình độ học vấn của lao động đã được nâng lên rõ rệt. Đây cũng là một yếu tố thuận lợi, thể hiện nguồn lao động sớm tiếp thu và thích nghi tốt với những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, yêu cầu tiêu chuẩn làm việc mới khi trình độ phát triển cao hơn.
Tất nhiên, một trở ngại của “thời kỳ dân số vàng” là tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo lớn. Ở Nghệ An cũng vậy, nhìn chung năng lực tiếp nhận, xử lý những kỹ năng và phong cách làm việc theo yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của lực lượng lao động còn thấp. Đồng thời, sự chuyển dịch mô hình, cơ cấu kinh tế khiến cho cung và cầu trong lao động thay đổi, trong khi các ngành đào tạo trong cơ sở đào tạo chưa bắt kịp được xu thế sử dụng lao động của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, hệ thống thông tin chưa phản ánh khách quan, kịp thời sự biến động của thị trường lao động, tính hiệu quả của hoạt động dịch vụ việc làm chưa cao.
Đó chính là những bài toán mà Lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã đặt ra, với mục tiêu sớm cải thiện hệ thống đào tạo nguồn nhân lực, để đáp ứng tốt nhất các yêu cầu mới của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Sắc màu Thành Vinh. |
Thu hút đầu tư bằng thế mạnh nguồn nhân lực
Trình độ phát triển, Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra những yêu cầu mới cho nguồn nhân lực tương lai. Tình hình thực tế cũng đòi hỏi Nghệ An cần có những đổi mới để có thể đào tạo được những lao động có trình độ khoa học kỹ thuật, năng lực vượt trội, đáp ứng các yêu cầu mới, trong đó, khả năng làm việc với công nghệ thông minh và kỹ năng sử dụng ngoại ngữ, sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của Tỉnh, là nhân tố quan trọng trong quá trình thu hút đầu tư, cũng như đóng góp cho mục tiêu phát triển bền vững của địa phương.
Từ đó, cùng với việc phân bổ lại nguồn lao động một cách hợp lí, có chính sách khuyến khích, thu hút lực lượng lao động có trình độ, việc nâng cao trình độ học vấn, trình độ khoa học kỹ thuật, coi trọng đào tạo nguồn nhân lực cho các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới và công nghệ tự động hóa cũng đã được nghiêm túc đặt ra.
Và để thực hiện, Tỉnh đã tiến hành những bước đổi mới toàn diện công tác đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu thực trạng phát triển kinh tế-xã hội hiện nay và theo xu thế của thời đại. Phát triển nhiều hình thức đào tạo, trong đó, chú trọng công tác đào tạo nghề cho lực lượng lao động trẻ. Ưu tiên đầu tư nâng cấp các cơ sở dạy nghề của Nhà nước, đồng thời đẩy mạnh cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa giáo dục, phát triển các hình thức dạy nghề đa dạng để Nghệ An trở thành trung tâm đào tạo của khu vực Bắc Trung Bộ.
Vấn đề đào tạo và dạy nghề hiện được đặt ở vị trí hết sức quan trọng. Trong đó, đầu tư dạy nghề cho nguồn lao động trẻ, để nguồn lao động này có thể tham gia vào các hoạt động sản xuất phi nông nghiệp, hoặc các hoạt động dịch vụ, trong quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ngoài vốn ngân sách đầu tư nâng cấp các cơ sở dạy nghề, các cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa, phát triển các hình thức dạy nghề đa dạng cũng đang được xúc tiến.
Đặc biệt, với đặc điểm lực lượng lao động nông thôn lớn, yêu cầu đặt ra còn là bồi dưỡng kiến thức, tạo điều kiện để nông dân có thể tiếp cận được với thành tựu của tiến bộ khoa học-kỹ thuật trong nông nghiệp, từ đó cho phép họ nâng cao trình độ kỹ thuật canh tác, tăng năng suất lao động, tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An đã thực hiện tốt chủ trương quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 67 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, gồm 9 trường Cao đẳng, 14 Trung cấp, 22 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, 22 cơ sở có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Trong đó, có 3 trường chất lượng cao, 16 trường được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội lựa chọn đầu tư trường nghề trọng điểm; với 12 lượt nghề cấp độ Quốc tế, 11 lượt nghề cấp độ Khu vực ASEAN, 36 lượt nghề cấp độ Quốc gia. Quy mô tuyển sinh đào tạo 130.000 học sinh, sinh viên/năm.
Cơ cấu ngành nghề, trình độ đào tạo tại Nghệ An đang được điều chỉnh phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động và quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Cơ sở vật chất, trang thiết bị được quan tâm đầu tư; chất lượng đội ngũ giáo viên từng bước được nâng lên, đáp ứng kịp thời nhu cầu học nghề của người lao động trên địa bàn và nhu cầu của thị trường sử dụng lao động, cung cấp lực lượng lao động cho các dự án đầu tư tại địa phương.
Với quan điểm thế mạnh nguồn nhân lực cũng chính là một trong những yếu tố thu hút đầu tư, Nghệ An đang hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua nhiều mũi nhọn như: Đẩy mạnh đào tạo kỹ năng, năng lực thực hành; Chuẩn hoá đội ngũ giáo viên để đáp ứng mục tiêu đào tạo; Tiếp nhận và sử dụng đồng bộ chương trình, giáo trình phù hợp với thị trường lao động cho các nghề trọng điểm cấp độ khu vực và quốc tế; Đẩy mạnh gắn kết với doanh nghiệp; Hoàn thiện các chính sách, khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh mở rộng hợp tác, liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo ở nước ngoài; hợp tác nghiên cứu khoa học; thu hút các nhà đầu tư nước ngoài phát triển cơ sở giáo dục nghề nghiệp, hợp tác đào tạo trên địa bàn tỉnh…