Các công cụ AI dễ dàng tạo ra các sản phẩm công nghệ giả. (Ảnh minh họa) |
“Thời của deepfake”
Ngược với những mặt tích cực, AI, nếu rơi vào tay kẻ xấu, có thể dễ dàng đánh cắp hình ảnh từ tài khoản mạng xã hội của cá nhân và biến chúng thành những thứ liên quan không mong muốn. Thí dụ, các trang web khiêu dâm có thể sử dụng hình ảnh của các cá nhân mà không cần sự đồng ý.
Nhà nghiên cứu Hadi Salman, Viện Công nghệ Massachusetts, Mỹ chia sẻ: “Chúng ta đang ở trong thời đại của deepfake. Giờ đây, bất kỳ ai cũng có thể thao túng hình ảnh và video để khiến mọi người ‘làm’ điều gì đó mà thực ra họ không làm”.
Deepfake là cụm từ được kết hợp từ “deep learning” (học sâu) và “fake”(giả), là phương thức dùng AI tạo ra các sản phẩm công nghệ giả dưới dạng âm thanh, hình ảnh hoặc thậm chí là cả video.
Chỉ trong vài giây, với vài mệnh lệnh đơn giản, AI có thể tạo ra mọi hình ảnh mà “kẻ xấu” mong muốn. Ví dụ: ai đó có thể yêu cầu AI tạo ra một bức ảnh chụp Giáo hoàng mặc chiếc áo khoác Balenciaga và sau đó đăng lên Internet trước khi sự thật lộ ra rằng bức ảnh đó là giả.
Công nghệ AI cũng khiến người dùng kinh ngạc với khả năng tạo ra các tác phẩm nghệ thuật theo phong cách của một nghệ sĩ cụ thể. Ví dụ, bạn có thể tạo một bức tranh vẽ con mèo trông giống như được vẽ với phong cách của họa sĩ danh tiếng Vincent Van Gogh.
Đối với các nghệ sĩ thị giác, những công cụ này có nguy cơ khiến họ mất việc khi các mô hình AI bắt chước phong cách độc đáo của họ và tạo ra các tác phẩm nghệ thuật mà không cần xin phép.
Công cụ chống đỡ AI
Bà Eveline Fröhlich, sống ở Stuttgart (Đức), là một trong số ngày càng nhiều nghệ sĩ đang chống lại sự xâm phạm quá mức của AI và cố gắng tìm cách bảo vệ những tác phẩm hình ảnh của mình trên mạng, tránh bị thao túng.
Gần đây, bà Fröhlich biết đến công cụ có tên là Glaze được các nhà khoa học máy tính tại Đại học Chicago (Mỹ) phát triển nhằm ngăn chặn sự lạm dụng của các mô hình AI.
Ông Ben Zhao, giáo sư ngành khoa học máy tính tại Đại học Chicago, một trong những nhà nghiên cứu hàng đầu của dự án Glaze, nói với CNN rằng, công cụ này nhằm bảo vệ tác phẩm độc đáo của các nghệ sĩ khỏi những đơn vị đào tạo mô hình AI.
Phần mềm Glaze sử dụng các thuật toán máy học tạo ra những thay đổi nhỏ cho hình ảnh kỹ thuật số mà mắt thường không nhìn ra, nhưng lại tạo thành một lớp bảo vệ cho tác phẩm trên môi trường trực tuyến, đánh lừa các mô hình AI, khiến chúng không sao chép được phong cách của tác giả.
Nhờ Glaze, các tác phẩm nghệ thuật như được “phủ lớp áo tàng hình”, cản trở AI “đọc hiểu” hình ảnh.
Chẳng hạn như, ông Zhao giải thích, một nghệ sĩ có thể tải lên hình ảnh bức tranh sơn dầu của chính mình, đã được chạy qua Glaze. Khi các mô hình AI “đọc” bức tranh, chúng sẽ coi bức tranh đó như một bức ký họa bằng than - trong khi con người có thể nhận ra ngay rằng đó là một bức tranh sơn dầu. Sau khi chạy qua Glaze, tác phẩm nghệ thuật giờ đây trông sẽ khác biệt đáng kể trong mắt nhìn của AI.
Nhóm của Zhao phát hành phiên bản đầu tiên của Glaze vào tháng Ba vừa qua và đã có hơn một triệu lượt tải công cụ này xuống. Mới tuần trước, nhóm phát hành phiên bản Glaze trực tuyến miễn phí.
Nhóm nghiên cứu hy vọng công cụ Glaze sẽ góp phần bảo vệ tác quyền của các nghệ sĩ cho đến khi các quy định và luật cụ thể được thiết lập.
Kể từ khi giới thiệu Glaze, ông Zhao cho biết, số lượng các diễn viên lồng tiếng, nhà viết tiểu thuyết, nhạc sĩ, nhà báo tiếp cận ngày càng nhiều. Họ đều liên hệ với nhóm của ông để hỏi về một phiên bản Glaze cho lĩnh vực của họ.
Anh Jon Lam, nghệ sĩ thị giác ở California, đang sử dụng công cụ Glaze để giúp bảo vệ tác phẩm nghệ thuật trực tuyến của mình khỏi bị sử dụng cho huấn luyện các mô hình AI cho biết, anh hiện sử dụng ứng dụng này cho tất cả các tác phẩm nghệ thuật mà anh chia sẻ lên mạng.
Theo anh, trong nhiều năm qua, những nghệ sĩ như anh đã đăng tác phẩm của mình với độ phân giải cao nhất lên Internet như một điều đáng tự hào. “Chúng tôi muốn mọi người thấy những bức ảnh full HD chi tiết và tuyệt vời như thế nào. Tuy nhiên, các nghệ sĩ không biết rằng tác phẩm của họ có thể bị các mô hình AI ‘xơi ngấu nghiến’, sau đó sao chép phong cách và khiến họ bị cạnh tranh không lành mạnh.
“Giờ đây, chúng tôi biết rằng, người ta đang lấy những tác phẩm có độ phân giải cao của chúng tôi và đưa vào những bộ máy AI để cạnh tranh trong cùng một không gian công việc với mình. Vì vậy, chúng tôi phải thận trọng hơn và bắt đầu nghĩ cách để bảo vệ chính mình”, anh nói.
Salman và nhóm của ông vừa phát hành một công cụ khác nhằm bảo vệ hình ảnh khỏi AI. Ứng dụng có tên là PhotoGuard, cho phép người sử dụng đặt một lớp bảo vệ vô hình lên các hình ảnh để ngăn các mô hình AI không thể thao tác với hình ảnh.
Mục đích của PhotoGuard là bảo vệ những bức ảnh đã được tác giả tải lên mạng khỏi “sự thao túng ác ý của AI”, ông Salman cho biết.
Ứng dụng PhotoGuard hoạt động bằng cách điều chỉnh các pixel của hình ảnh theo cách mà con người không thể nhận thấy. Tuy nhiên, sự thay đổi này không thể nhận thấy bằng mắt thường này đủ mạnh và cẩn thận phá vỡ mọi nỗ lực thao túng hình ảnh của các mô hình AI.
Điều này có nghĩa là nếu ai đó cố gắng chỉnh sửa ảnh bằng AI sau khi bức ảnh đó đã được PhotoGuard bảo vệ, thì kết quả là bức ảnh thu được sẽ “không thực tế chút nào”, ông Salman giải thích.
Không được cấp bản quyền
Ở một khía cạnh khác của vấn đề, cho dù các công cụ AI có lấy và thao túng hình ảnh, thì những gì chúng tạo ra cũng không được công nhận có bản quyền.
Kể từ khi xuất hiện và trở nên nổi tiếng, AI đồng thời làm nổ ra một cuộc tranh cãi: những tác phẩm này có bản quyền hay không. Nếu có, chúng thuộc về ai?
Phòng đăng ký bản quyền Mỹ (USCO) đã ra quyết định chính thức về những tác phẩm này. Theo USCO, bất kỳ hình ảnh nào do AI tạo ra dựa trên các câu lệnh - (như các ứng dụng Midjourney, Dall-E và Stable Diffusion hiện nay) đều sẽ không được đăng ký bản quyền tại Mỹ.
Luật pháp Mỹ quy định rằng, các tài sản trí tuệ chỉ có thể được đăng ký bản quyền nếu đó là sản phẩm từ sự sáng tạo của con người. USCO hiện chỉ công nhận các tác phẩm do con người sáng tác. Vì vậy, các bộ máy AI sẽ không được coi là tác giả, và các sản phẩm do chúng tạo ra sẽ không được đăng ký bản quyền.
Giám đốc USCO, bà Shira Perlmutter cho biết: “Nếu các yếu tố truyền thống về quyền tác giả của một tác phẩm được tạo ra bởi một cỗ máy, thì tác phẩm đó không có quyền tác giả của con người, và USCO sẽ không cho đăng ký nó”.