📞

Nguy cơ mất 'ngôi vương' dân số về tay Ấn Độ, Trung Quốc nỗ lực tìm cách gỡ 'bom hẹn giờ' nhân khẩu học

Hà Chi 17:40 | 13/08/2022
Dù Trung Quốc đã ban hành chính sách cho phép các cặp vợ chồng sinh 3 con để thay thế cho chính sách 1 con sau hơn 3 thập kỷ nhưng tình trạng tăng trưởng dân số của quốc gia đông dân nhất thế giới vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện.
Trung Quốc nhiều khả năng sẽ không còn là quốc gia đông dân nhất thế giới vào tháng 8/2023, theo Liên hợp quốc. (Nguồn: AP)

'Quả bom hẹn giờ' nhân khẩu học

Một nghiên cứu mới đây khảo sát kế hoạch sinh con của các gia đình trẻ cho thấy, giống như nhiều quốc gia khác, các cặp vợ chồng Trung Quốc không còn thích mô hình gia đình đông con và rất ít người muốn có thêm con.

Tháng 7/2022, dự án dân số của Liên hợp quốc đưa ra dự báo cho thấy, dân số Trung Quốc sẽ giảm từ mức 1,43 tỷ người xuống còn khoảng 1,3 tỷ người vào giữa thế kỷ 21, do quốc gia này được đánh giá là đang trong giai đoạn tăng trưởng dân số yếu nhất trong nhiều thập kỷ.

Dự án cũng tiết lộ, vào tháng 8/2023, rất có thể Trung Quốc sẽ không còn là quốc gia đông dân nhất thế giới. Theo đó, dân số Trung Quốc sẽ bắt đầu giảm trong năm nay (sớm hơn 10 năm so với dự báo năm 2019) và dân số Ấn Độ sẽ vượt qua Trung Quốc vào năm 2023 (sớm hơn 7 năm trước dự báo năm 2019).

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết, tỷ lệ sinh tại quốc gia tỷ dân đã giảm xuống 1,3 trong năm 2020 - tỷ lệ thấp hơn rất nhiều so với mức 2,1 cần thiết để duy trì quy mô dân số. Tỷ suất này thấp hơn cả Mỹ là 1,64 và ở Ấn Độ là 2,2.

Một số báo cáo khác còn tiết lộ, tỷ lệ này hiện tại thậm chí đã hạ thấp xuống 1,16, đe dọa gây ra những tác động nghiêm trọng đến tăng trưởng kinh tế, dịch vụ chăm sóc sức khỏe và chi phí sinh hoạt. Một tài liệu còn cho rằng, Trung Quốc đang "đối mặt với một quả bom hẹn giờ nhân khẩu học".

Hiện nay, các rào cản chính khiến nhiều phụ nữ Trung Quốc ngần ngại sinh thêm con chủ yếu đến từ điều kiện kinh tế và khả năng nuôi dạy con.

Vừa qua, một cuộc khảo sát trên hơn 9.200 người ở độ tuổi 18-49 về chính sách sinh con thứ ba được đăng trên Tạp chí Human Reproduction cho thấy, số người lựa chọn sinh con thứ hai chiếm khoảng 60% (56% phụ nữ, 65% nam giới) và sinh con thứ ba chỉ có 13% (10% phụ nữ, 17% nam giới).

Theo cuộc khảo sát, cũng giống như nhiều quốc gia có tỷ lệ sinh thấp khác, tỷ lệ sinh giảm là “kết quả tất yếu của quá trình tăng trưởng kinh tế”. Đồng thời cho rằng, chính phủ cần phải quan tâm giải quyết các rào cản trước tiên bởi chính sách 3 con không đủ sức để hồi phục xu hướng giảm sinh đang ngày càng gia tăng tại Trung Quốc.

Nỗ lực khuyến khích sinh đẻ

Mới đây, quận Longwan ở Ôn Châu, một thành phố thương mại quan trọng của tỉnh Chiết Giang đã công bố kế hoạch trợ cấp cho các hộ gia đình sinh thêm con. Theo đó, các gia đình có hai con sẽ được cấp 500 NDT (khoảng 74 USD) mỗi tháng cho mỗi trẻ dưới ba tuổi, trong khi các cặp vợ chồng có ba con sẽ được hỗ trợ 1.000 NDT/tháng (khoảng 145 USD) cho mỗi trẻ.

Năm 2021, số trẻ sinh ở quận Longwan là 2.713 trẻ, với tỷ lệ sinh là 7,91%, giảm nhẹ so với năm 2020, theo cơ quan thống kê địa phương.

Các địa phương khác, tình hình cũng không mấy khả quan. Đơn cử như số trẻ sinh ra ở Hà Nam, tỉnh đông dân thứ ba của Trung Quốc, đã giảm 9,5% trong 6 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm trước.

Chính sách đề xuất hôm 8/8 là nỗ lực mới nhất của chính quyền Trung Quốc nhằm thúc đẩy tỷ lệ sinh và đẩy lùi cuộc khủng hoảng nhân khẩu học đang bùng phát do dân số già hóa nhanh chóng.

Một số nhà nhân khẩu học tin rằng, dân số Trung Quốc đã đạt đỉnh vào năm 2021, trong khi các nhà chức trách ước tính con số này sẽ bắt đầu giảm trong vài năm tới.

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết, tỷ lệ sinh tại quốc gia tỷ dân đã giảm xuống 1,3 trong năm 2020 - tỷ lệ thấp hơn rất nhiều so với mức 2,1 cần thiết để duy trì quy mô dân số. (Nguồn: Tân Hoa xã)

Bắc Kinh đã ủng hộ một số chính sách mới nhằm thúc đẩy người dân sinh con nhưng nhiều bằng chứng cho thấy giới trẻ Trung Quốc ngày càng thờ ơ với việc lập gia đình, đặc biệt là khi đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế, tài chính.

Các chuyên gia xã hội học đã kêu gọi chính quyền có thêm nhiều chính sách hơn nữa để giúp trang trải chi phí sinh con, chi phí giáo dục và giảm thiểu tác động của việc sinh con đối với việc phát triển nghề nghiệp của phụ nữ.

Ông Zhang Junyan, thành viên của Ủy ban Quốc gia thuộc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc từng đề xuất tại một cuộc họp vào tháng Ba rằng, chính quyền các địa phương nên đưa ra các chính sách để giảm bớt gánh nặng tài chính khi nuôi dạy con cái.

Một số thành phố, địa phương đã lên kế hoạch hành động. Tháng 7/2021, thành phố Panzhihua ở Tứ Xuyên, một tỉnh đông dân ở phía Tây Nam Trung Quốc đã bắt đầu trợ cấp cho các gia đình có từ 2 đến 3 trẻ em khoản trợ cấp hàng tháng 500 NDT cho mỗi trẻ cho đến khi ba tuổi. Đây cũng là thành phố đầu tiên ở Trung Quốc trợ cấp tiền mặt cho các ca sinh.

Changsha, thủ phủ của tỉnh Hồ Nam cũng đưa ra chính sách mới vào tuần trước, theo đó, trợ cấp một lần 10.000 NDT cho các gia đình có ba con.

Tháng 5/2022, thành phố Thiên Tân, giáp với Bắc Kinh, đã thêm 60 ngày nghỉ thai sản có lương cho phụ nữ và 15 ngày nghỉ có lương cho nam giới khi có vợ sinh con. Mỗi phụ huynh có con dưới 3 tuổi cũng được nghỉ phép thêm 10 ngày mỗi năm.

Mặc dù Thiên Tân chưa đưa ra các khoản trợ cấp trực tiếp cho các gia đình dự định sinh thêm con nhưng không phải ai cũng sẵn sàng. Một bà mẹ có con nhỏ 4 tuổi cho biết, ngay cả khi chính quyền thành phố trợ cấp 10.000 NDT thì cô vẫn không đủ động lực để sinh thêm.

“So với nỗi đau đớn khi sinh con, chi phí nuôi dạy, giáo dục một đứa trẻ và ảnh hưởng của việc sinh con đến sự phát triển sự nghiệp của các bậc cha mẹ, đặc biệt là các bà mẹ, thì một khoản trợ cấp hàng chục nghìn NDT không đủ khiến tôi thay đổi kế hoạch", cô chia sẻ.

(theo SCMP, Reuters)