📞

Nguyên Đại sứ Australia John McCarthy: Việt Nam trải qua chặng đường dài đầy tự hào

Quân Trang 08:00 | 14/10/2023
Ông John McCarthy, nguyên Đại sứ Australia tại Việt Nam (1981-1983) chia sẻ với TG&VN cảm nhận về hành trình dài với nhiều thay đổi đáng tự hào của Việt Nam trong 40 năm qua.
Cựu Đại sứ Australia tại Việt Nam John McCarthy. (Ảnh: Việt Nguyễn)

Cảm xúc của ông sau 40 năm trở lại Việt Nam đúng vào dịp Việt Nam-Australia kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2023)?

Thực ra tôi đã đến Việt Nam sáu lần, bốn lần ở miền Bắc và hai lần ở miền Nam.

Năm 1981, khi tôi mới đến Việt Nam, mức sống của người dân khi đó còn rất thấp. Nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn. Ở Việt Nam, nơi đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh gần như nối tiếp nhau kể từ năm 1939, cái bóng của chiến tranh đã trở nên quá lớn và khiến nhiều người dân cảm thấy khó khăn để vượt qua.

Tuy nhiên, chỉ 40 năm sau ngày tôi rời đi, quá trình mở cửa kinh tế đối với phương Tây sau Hiệp định Paris năm 1991 về vấn đề Campuchia, Việt Nam đã phát triển nhanh chóng. Hiện nay, theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam cao hơn Philippines, trong khi GDP bình quân đầu người thấp hơn Indonesiakhông nhiều. Vậy là trong gần 40 năm, các bạn đã đi được một chặng đường rất dài. Việt Nam có thể tự hào vì điều đó.

Ông nghĩ thay đổi lớn nhất ở Việt Nam là gì?

Tôi nghĩ sự thay đổi lớn nhất là sự mở rộng đáng kinh ngạc về quy mô của nền kinh tế. Khi tôi công tác ở Hà Nội, việc sử dụng tem phiếu còn rất phổ biến. Lương thực thiếu thốn trầm trọng. Nhiều người đã gần ở mức suy dinh dưỡng.

Khi tôi mới đặt chân đến Hà Nội, đường cao tốc chỉ có hai làn xe, mỗi chiều một làn và về cơ bản, đây là cao tốc một làn. Không ít lần, xe của chúng tôi phải dạt sang một bên để cho các phương tiện khác qua lại. Nhiều người vẫn phơi lúa trên đường nối giữa Hà Nội và Nội Bài. Đồng thời, khi đến cầu, chúng tôi vẫn phải dừng lại, dù khi đó có rất ít phương tiện qua lại cây cầu này.

Nay Hà Nội đã có khoảng 10 triệu dân. Với con đường cao tốc mới, các bạn chỉ mất nửa tiếng để đi tới sân bay. Thật thú vị khi có thể chứng kiến sự phát triển nhanh chóng của kinh tế Việt Nam. Tôi cho rằng đây là một thành quả vô cùng ấn tượng.

Đại sứ John McCarthy (hàng trên, thứ hai từ trái sang) tháp tùng Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch trong chuyến thăm Australia vào năm 1984. (Nguồn: ĐSQ Australia tại Việt Nam)

Ông có thể chia sẻ một số kỷ niệm đáng nhớ trong nhiệm kỳ của mình?

Năm 1981, tôi là Chánh Văn phòng Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ của mình, họ đã đề nghị tôi tới Việt Nam với tư cách Đại sứ. Tôi rất hãnh diện vì khi đó tôi còn khá trẻ, chính xác là 38 tuổi. Tôi cảm thấy rất vui mừng và coi việc tới Việt Nam là một điều gì đó rất thú vị.

Ở thời điểm đó, về mặt chính trị, mọi chuyện tương đối khó khăn, bởi các nước phương Tây đã cắt viện trợ cho Việt Nam vào năm 1979. Quan hệ giữa chúng tôi và các bạn vào thời điểm đó không thực sự nồng ấm, song tôi vẫn nhận được sự tiếp đón văn minh và nhã nhặn.

Ngay cả trong giai đoạn không dễ dàng đó, quan chức Việt Nam vẫn chào đón tôi. Chúng tôi trao đổi về những việc đã diễn ra, song không đạt được tiến triển thực chất nào trong quan hệ song phương. Tuy nhiên, đầu năm 1983, mọi chuyện đã khác. Chính phủ mới tại Australia có lập trường gần gũi hơn với Việt Nam. Giữa năm, Bộ trưởng Ngoại giao Australia Bill Hayden tới Hà Nội. Giữa năm 1984, người đồng cấp Việt Nam, ông Nguyễn Cơ Thạch đáp lại khi thăm Canberra.

Từ đó, mặc dù phải mất một thời gian hai bên mới khôi phục được hoàn toàn viện trợ từ Australia tới Việt Nam, song mối quan hệ giữa hai nước trở nên nồng ấm hơn rất nhiều, với nhiều hoạt động trao đổi, giao lưu.

Theo ông, quan hệ Việt Nam-Australia thay đổi thế nào những năm qua?

Nếu bạn nhìn vào dự báo tăng trưởng của Việt Nam và tầm quan trọng chiến lược của đất nước, tôi nghĩ bạn phải nói rằng ngoài Indonesia, láng giềng lớn nhất của Australia, không có quốc gia nào quan trọng với chúng tôi hơn Việt Nam.

Giờ đây, quan hệ song phương, từ mức quan trọng trung bình cách đây 25 năm, trở thành mối quan hệ có tầm quan trọng hàng đầu với cả hai nước.

Trong các cuộc gặp gần đây, hai bên đã thảo luận về việc xem xét nâng cấp quan hệ Việt Nam-Australia. Là người quan sát và tham gia trực tiếp vào thúc đẩy mối quan hệ song phương, ông đánh giá thế nào về khả năng này?

Cá nhân tôi không quan tâm nhiều lắm đến phần tên gọi. Tuy nhiên, tôi nghĩ nó vẫn có tầm quan trọng đặc biệt, bởi nó đưa ra tín hiệu cho cả hai chính phủ. Chính phủ của Việt Nam cũng như Australia sẽ phải đi đầu, cùng với cộng đồng doanh nghiệp để chứng tỏ tiềm năng và cơ hội hợp tác với quốc gia, đối tác còn lại.

Tôi hy vọng trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao, lãnh đạo hai nước sẽ sớm có hoạt động để hiện thực hóa kịch bản ấy.

(thực hiện)