Ảnh minh họa. |
Một là, do sự phục hồi của kinh tế Mỹ, khiến cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã quyết định chấm dứt nới lỏng chính sách tiền tệ, thắt chặt thị trường tiền tệ. Đồng đô la mạnh lên khiến giá dầu giảm xuống là điều không tránh khỏi.
Hai là, nhu cầu năng lượng của toàn cầu giảm. Một mặt do việc tiêu thụ năng lượng ở các nước phát triển có xu hướng giảm xuống, trong đó những năm gần đây về cơ bản Mỹ đã đảm bảo được việc tự túc năng lượng, thậm chí còn có thể xuất khẩu vì nước này đã áp dụng được công nghệ chiết xuất dầu và hơi đốt từ “nguồn đá phiến” rất dồi dào ở Mỹ. Mặt khác, Nhật Bản đã khởi động lại ngành công nghiệp điện hạt nhân, việc nhập khẩu năng lượng sẽ giảm bớt. Nhu cầu năng lượng của các nước đang phát triển, nhất là Trung Quốc và Ấn Độ cũng đã ổn định.
Ba là, sản lượng dầu thô của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) không hề suy giảm. Các nhà sản xuất dầu mỏ ở vùng Vịnh, đứng đầu là Saudi Arabia có ý đồ tranh thủ cơ hội đồng đô la mạnh lên và nhu cầu về năng lượng yếu đi để phá vỡ ngành sản xuất dầu bằng đá phiến vốn đang là mối đe dọa duy nhất đối với ngành kinh tế năng lượng. Làm sao chỉ cần giá dầu xuống dưới mức 75 USD/thùng thì ngành công nghiệp dầu mỏ khai thác từ đá phiến sẽ không có lợi nhuận.
Bốn là, giá dầu sụt giảm sẽ khiến cho Nga bị thiệt hại lớn vì ngành công nghiệp năng lượng là xương sống của nền kinh tế Nga, lâu nay nước này đã đầu tư lớn vào ngành công nghiệp này, nếu không duy trì hoặc tăng được năng xuất thì Nga không thể thu hồi được vốn đầu tư mà còn dẫn đến khủng hoảng kinh tế và chính trị nghiêm trọng hơn.
Năm là, mặc dù giá dầu giảm mạnh có tác động tiêu cực đối với các nước phương Tây do Mỹ đứng đầu, nhưng vì một loạt lý do kinh tế và chính trị như muốn gây áp lực lên nước Nga và V.Putin để Nga khó phục hồi được nền kinh tế nên các nước phương Tây vẫn rất mong muốn nhìn thấy giá dầu giảm. Đối với Nga, giá dầu liên tục giảm khiến cho nước này còn nguy khốn hơn bất kỳ biện pháp trừng phạt kinh tế nào.
Giá dầu giảm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế thế giới ra sao?
Do những nguyên nhân trên, giá dầu thế giới tiếp tục rơi xuống mức thấp, rất khó có thể tăng trở lại trong một thời gian ngắn. Điều này không thể không tác động đến hòa bình và sự phát triển của thế giới. Một vài ví dụ như:
Trung Quốc đang được xem là một đầu tàu của nền kinh tế thế giới. Họ đang bước vào thời kỳ quan trọng là đi sâu vào cải cách và chuyển đổi mô hình kinh tế, nếu môi trường xấu đi sẽ trở thành nút thắt cổ chai đối với sự phát triển. Nhưng giá dầu giảm sẽ tạo ra môi trường thuận lợi cho sự chuyển đổi mô hình kinh tế của Trung Quốc, tạo cho họ có nguồn năng lượng sạch và hiệu quả để thay thế than đá và các nguồn năng lượng gây ô nhiễm khác. Sự phát triển ổn định của Trung Quốc sẽ thúc đẩy sự phát triển của khu vực Châu Á- Thái Bình Dương và cân bằng chiến lược toàn cầu về phía Đông, giúp cho mô hình thế giới đơn cực chuyển nhanh hơn sang mô hình đa cực.
Đối với Mỹ và các nước phát triển phương Tây vốn tình trạng kinh tế trì trệ trong thời gian dài vừa qua, nay giá dầu giảm sẽ tạo động lực cho họ phát triển, trong đó chỉ số giá các lĩnh vực như giao thông vận tải, xây dựng, du lịch, thực phẩm, bán lẻ ... cũng sẽ giảm theo giá dầu. Kinh tế phương Tây vốn dựa nhiều vào khả năng tiêu dùng nhờ đó mà sẽ được phục hồi, có sự phát triển mới trên cả lĩnh vực kinh tế, chính trị và quân sự ... Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất là nếu giá dầu sụt giảm kéo dài có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng nợ công, thậm chí là khủng hoảng tài chính vì ngành công nghiệp năng lượng thu hút nhiều vốn đầu tư. Chỉ trong vòng 5 năm qua, 3/4 số trái phiếu phát hành tại Mỹ liên quan đến lĩnh vực năng lượng, nếu giá dầu sụt giảm mạnh và kéo dài có thể khiến các khoản đầu tư mất tất cả.
Đối với nước Nga do Tổng thống V.Putin lãnh đạo đang gặp rất nhiều khó khăn, bao gồm khó khăn về tài chính, đồng ruble mất giá, lạm phát tăng cao và bị các nước phương Tây trừng phạt về kinh tế, nếu giá dầu giảm kéo dài, chắc chắn sẽ dẫn tới một cuộc khủng hoảng kinh tế, thậm chí là bất ổn chính trị. Có một số người ở các nước phương Tây còn chủ trương nhân cơ hội này làm cho Nga sụp đổ, khiến nước này phải "tan rã lần thứ hai" (sau sự tan rã của Liên Xô trước đây). Tuy nhiên, cũng có ý kiến phản bác lại rằng sự tan rã của Liên Xô trước đây thì có lợi cho phương Tây nhưng trong bối cảnh cục diện thế giới hiện nay, bối cảnh làm cho Nga tan rã là hết sức thiển cận, khiến cho tình hình thế giới ngày thêm nguy hiểm. Bởi vì thế giới hiện nay đang phát triển theo hướng đa cực, cân bằng chiến lược giữa các nước lớn vốn rất mong manh, đã vậy các thế lực cực đoan và chủ nghĩa khủng bố lại đang lan tràn, nếu một nước lớn có ảnh hưởng thế giới về tất cả các mặt kinh tế, an ninh, ngoại giao như Nga mà bất ngờ sụp đổ thì sẽ là một điều hoàn toàn không có lợi đối với một thế giới đang có những chuyển đổi nhanh chóng. Hơn nữa, nước Nga ngày nay thực lực quốc gia, khả năng quyết đoán của các nhà lãnh đạo, tính tự tin dân tộc ... lại hoàn toàn khác với Liên Xô trước khi sụp đổ. Nếu bị dồn vào chân tường, Tổng thống V.Putin sẽ phản công mạnh mẽ, có thể tạo thêm căng thẳng cho phương Tây, nhất là đối với Châu Âu và Ukraina, thậm chí Nga còn gây ra những mối đe dọa cho hoà bình và phát triển của Châu Âu cũng như thế giới bằng cách tạo ra các tình huống khó xử ở Iraq, Trung Đông, bán đảo Triều Tiên, tăng cường phối hợp với Iran trong các vấn đề ở Syria để làm giảm thực lực của Mỹ, Châu Âu và các đồng minh ở Trung Đông, tăng cường hợp tác với Trung Quốc. Mới đây, Tổng thống Nga V. Putin đã thông báo việc ngừng xây dựng đường ống dẫn dầu khí thiên nhiên "dòng chảy phương Nam" mà ban đầu dự kiến định đi qua Bulgaria đến miền Nam Châu Âu để chuyển sang Thổ Nhĩ Kỳ rõ ràng là một quyết định mang tính chính trị hơn là kinh tế./.
ĐÔNG NGÀN