Cố Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan (1937-2023). |
Nhà báo lớn
Đúng sáng sớm ngày 21/6, kỷ nhiệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, tôi nhận được tin buồn nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan từ trần tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Hà Nội, hưởng thọ 86 tuổi.
Bất ngờ quá. Mới cách đây chưa đầy một tháng, các cán bộ từng công tác ở Vụ Thông tin Báo chí - Bộ Ngoại giao có buổi gặp gỡ thân mật và anh Vũ Khoan đến dự. Anh nói chuyện vui vẻ với các đồng nghiệp và tôi không ngờ đó là lần cuối được gặp anh.
Chẳng lẽ có một sự trùng hợp nào đó với Ngày Báo chí Cách mạng vì trong suy nghĩ của tôi, anh Vũ Khoan luôn là một nhà báo lớn. Anh viết rất nhiều, về nhiều đề tài. Anh dành nhiều thời gian trao đổi với các nhà báo, đặc biệt là các nhà báo trẻ, trên các lĩnh vực khác nhau, từ đối ngoại đến kinh tế, rồi chuyện nghề chuyện nghiệp. Đặc biệt khi về hưu, anh viết rất nhiều bài về kinh tế và hội nhập với những đánh giá và nhận xét sắc sảo. Anh đã từng được trao giải báo chí quốc gia về những bài báo xuất sắc của mình.
Các phóng viên tiếp xúc với anh đều cảm nhận được sự cởi mở, chân thành. Anh ít khi từ chối đề nghị viết bài hay trả lời phỏng vấn của các nhà báo. Tiếp phóng viên, anh cũng không khoa trương, cầu kỳ mà luôn toát lên sự giản dị, gần gũi và chân tình.
Có thể nói anh là nhà báo có đóng góp quan trọng vào công tác tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước cùng những chia sẻ tri thức rất quý báu dành cho cho lớp trẻ.
Nhà ngoại giao tài ba
Thế hệ của tôi nhiều người trưởng thành nhờ sự hướng dẫn, dìu dắt tận tình của anh. Anh là một nhà ngoại giao tài ba với tư duy sáng suốt, tầm nhìn xa rộng, phương pháp lập luận khúc triết và thuyết phục, lối hành động nhanh nhạy và hiệu quả. Anh là một trong những người đầu tiên lăn xả vào lĩnh vực ngoại giao kinh tế, chỉ đạo công tác hội nhập, tham gia sâu vào các cuộc đàm phán về hội nhập kinh tế, đặc biệt là đàm phán Hiệp định thương mại song phương với Mỹ (ký kết năm 2001), đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), ký năm 2006.
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan (ngoài cùng, hàng đầu), bà Hồ Thể Lan (hàng đầu, giữa), ông Nguyễn Chiến Thắng (hàng trên, thứ hai từ phải sang) cùng các tác giả sách Chuyện nghề, chuyện nghiệp ngoại giao. |
Nhiều đồng nghiệp của tôi vẫn đùa rằng anh làm việc “như trâu”, luôn hì hục “cày xới trên cánh đồng công việc”. Khi cấp dưới chuyển tờ trình lên, anh chữa nhiều và trả lại rất nhanh. Những chỗ nào anh sửa, anh em đều thấy hợp lý, “không cãi được”.
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: “Thực ra hoạt động ngoại giao bao gồm vô vàn việc thầm lặng, vất vả, tỉ mỉ. Nếu ví hoạt động ngoại giao như một cây cổ thụ thì cái gốc là công tác nghiên cứu; cái thân là giao tiếp, đàm phán, xử lý tình huống; còn các công việc nghiệp vụ như tuyên truyền báo chí, lễ tân, luật pháp, lãnh sự, phiên dịch, hành chính, hậu cần… là những cái cành, nhành lá”. (Trính chuyện nghề, chuyện nghiệp ngoại giao, Nhà xuất bản Hội nhà văn, năm 2013) |
Không chỉ với các lĩnh vực anh phụ trách, với những vấn đề anh không trực tiếp phụ trách nhưng anh vẫn luôn tận tình đưa ra gợi ý, hướng dẫn cho cấp dưới.
Đến khi anh sang làm Bộ trưởng Bộ Thương mại năm 2000 và Phó Thủ tướng Chính phủ vào năm 2002, anh cũng được nhiều người đánh giá là nhà lãnh đạo nhanh nhạy và hiệu quả.
Con tằm vẫn nhả tơ
Với tôi, trong thành công của anh luôn có bóng dáng của chị Hồ Thể Lan, phu nhân của anh, nguyên Vụ trưởng Vụ Thông tin Báo chí, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao từ năm 1987-1996. Họ như hai người bạn lớn của nhau, trong thành công của người này có bóng dáng vững chắc của người kia, cùng hỗ trợ nhau. Tôi nhớ mãi hình ảnh của anh và chị trên hai chiếc xe đạp song hành trên đường Kim Mã, đi thăm các anh em cấp dưới. Từ khi anh là lãnh đạo Vụ cho đến khi lên làm lãnh đạo Bộ Ngoại giao rồi Phó Thủ tướng và Bí thư Trung ương Đảng anh vẫn giữ nguyên phong thái giản dị, gắn bó gần gũi với cấp dưới như thế.
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan trong một cuộc gặp với các cán bộ từng và đang công tác tại Vụ Thông tin Báo chí. |
Lẽ vô thường là quy luật của cuộc sống, ai rồi cũng phải ra đi, chỉ hơn nhau ở chỗ có để lại yêu thương, tiếc nhớ cho đời. Anh Vũ Khoan là thế. Những ngày cuối cùng trước khi rời cõi tạm, anh vẫn “lọ mọ” bên chiếc máy tính xách tay. Anh như con tằm cần mẫn nhả tơ, rút đến sợi cuối cùng, dù cho tuổi tác và bệnh tật, để lại cho đời không chỉ bao nhiêu tiếc thương mà còn để lại một tấm gương về tinh thần lạc quan, lao động hăng say, tràn đầy trách nhiệm, một tấm gương liêm khiết trong sáng.
Chia buồn với chị Hồ Thể Lan, tôi muốn nhắn với chị, nghĩ về anh chị hãy nghĩ rằng anh đã hoàn thành trọn vẹn cuộc đời của mình, một cuộc đời đáng giá.
Ông Nguyễn Chiến Thắng vào ngành Ngoại giao năm 1971, nguyên là Phó Vụ trưởng Vụ Thông tin Báo chí, Chánh Văn phòng Bộ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban quốc gia về người Việt Nam ở nước ngoài, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Algeria, Cộng hòa Pháp và Vương quốc Campuchia. Ông hiện là Hội viên Hội nhà văn Việt Nam, bút danh Thăng Sắc. |
| Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: Ai bảo làm phiên dịch là khổ? Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan chia sẻ những bài học về phiên dịch ngoại giao nhân dịp 75 năm ngày truyền thống của phiên ... |
| Đón tiếp Phó Nguyên thủ quốc gia đồng thời là lãnh đạo đảng cầm quyền thăm chính thức Điều 14 Nghị định số 18/2022/NĐ-CP về nghi lễ đối ngoại quy định việc đón tiếp Phó Nguyên thủ quốc gia đồng thời là lãnh ... |
| Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: Đôi điều mong mỏi về Ngoại giao và Báo chí Có thể nói, ngoại giao và báo chí (nói đúng ra là các phương tiện truyền thông đại chúng-mass media) vốn là anh em song ... |
| Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan từ trần Nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan đã từ trần vào hồi 7h5, ngày 21/6 tại Bệnh viện ... |
| 'Vòng ngoài Paris' Đúng trưa ngày 30/4/1975, khi được tin giải phóng Sài Gòn, mọi người ùa ra phố hò reo nhẩy múa mừng hòa bình, mừng thống ... |