Lễ chào mừng hoàn thành công tác phân giới cắm mốc đường biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị - Hữu Nghị quan, tháng 2/2009 (ông Hồ Xuân Sơn thứ tư từ trái). (Ảnh: NVCC) |
Trao đổi phải kiên trì, hợp tác phải thiện chí
Chia sẻ với TG&VN, nguyên Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn cho rằng, công tác biên giới luôn luôn là vấn đề phức tạp bởi vì biên giới vốn rất nhạy cảm và thiêng liêng đối với mỗi dân tộc. Vì vậy, để giải quyết vấn đề biên giới phù hợp với luật pháp quốc tế, vun đắp tình hữu nghị láng giềng là không đơn giản.
Để làm được điều đó, “chúng ta phải tôn trọng luật pháp quốc tế và các thỏa thuận song phương. Giữa văn bản pháp lý và thực địa có thể tồn tại nhiều khác biệt, nên hai bên phải xem xét kỹ lưỡng nhiều yếu tố khác nữa như lịch sử quản lý, địa hình thực tế và quan tâm đến lợi ích chính đáng của nhau để thương lượng tìm ra giải pháp mà hai bên đều chấp nhận được”, ông Hồ Xuân Sơn nhấn mạnh.
Đối với những khu vực nhạy cảm, theo nhà ngoại giao kỳ cựu, hai bên phải kiên trì trao đổi trên tinh thần hữu nghị, hợp tác, thiện chí để đôi bên cùng thắng.
“Công tác biên giới không thể nóng vội. Với Trung Quốc, chúng ta đã phải mất gần bốn thập kỷ mới hoàn thành công tác hoạch định biên giới và phân giới cắm mốc trên thực địa. Với Campuchia, hoàn thành công tác hoạch định biên giới, khối lượng công việc tồn đọng tuy không nhiều nhưng rất phức tạp nên, hai bên cần tiếp tục cố gắng hợp tác nhiều hơn nữa để sớm có được đường biên giới hòa bình, hữu nghị và ổn định”, nguyên Thứ trưởng chia sẻ.
Nguyên Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn cho rằng, quan hệ láng giềng tốt đẹp dựa trên tình hợp tác hữu nghị, sự tin cậy lẫn nhau là cơ sở quan trọng để đảm bảo một môi trường hòa bình, ổn định để người dân sinh sống gần biên giới đất liền và ngư dân bám biển có điều kiện giao lưu làm ăn, sinh sống tốt. Nhiều người dân Việt Nam giàu lên nhờ vào sự giao lưu biên giới.
“Chúng ta phải nỗ lực xây đắp và quý trọng môi trường hòa bình đó. Đồng thời người dân khu vực biên giới phải nhận biết được và có ý thức bảo vệ, giữ gìn trật tự trị an biên giới, mối quan hệ hữu hảo hai bên. Mỗi người dân đều cần có ý thức đóng góp giữ gìn biên giới, tăng cường tình hữu nghị với người dân nước bạn, vì sự phồn vinh chung”, ông Hồ Xuân Sơn khẳng định.
Cứ cuối tuần là "xách ba lô đi"
Gắn bó với công tác biên giới gần 40 năm, từ khi còn ở Vụ Trung Quốc, Bộ Ngoại giao những năm đầu thập niên 1980 , nguyên Thứ trưởng không nhớ đã bao nhiêu lần đi thực địa biên giới, chỉ nhớ có những thời điểm cứ cuối tuần là “xách ba lô đi”. Ông không nhớ địa điểm ấy ông đã đi lại bao lần, nhưng nhớ như in đường biên ấy dài bao nhiêu cây số, có bao nhiêu cột mốc, cột mốc ấy nằm ở vị trí nào.
“Làm công tác biên giới là phải đi thực địa. Ngồi ở bàn thì không thể giải quyết được”, nguyên Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn chia sẻ. Ông đã có những chuyến đi biên giới “nhớ đời” khi mỗi bước chân như đi giữa lằn ranh của sự sống và cái chết vì phải đi “giữa hai vạch vôi các chiến sĩ biên phòng vạch cho, nếu đi ra ngoài là mìn nổ”.
Khi được bổ nhiệm là Phó Chủ nhiệm rồi Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia từ năm 2007, công việc của ông cũng gắn với những chuyến đi tới các vùng biên. Thời điểm đó, công tác phân giới cắm mốc biên giới của Việt Nam với Trung Quốc đã ở giai đoạn cuối cùng nhưng các khu vực như cửa sông Bắc Luân, thác Bản Giốc hay một số điểm ở Lạng Sơn vẫn chưa đi đến thống nhất nên ông vẫn phải thường xuyên đi lại những chỗ này để tìm hướng giải quyết.
Cuối năm 2008, công tác phân giới cắm mốc giữa Việt Nam và Trung Quốc cơ bản hoàn thành thì chuyển sang đẩy mạnh triển khai công tác biên giới với Lào, Campuchia. Ông cho biết: “Giai đoạn này thì đi thường xuyên. Cứ lúc nào không bận công việc đối ngoại hoặc không phải tham dự các cuộc họp quan trọng ở Hà Nội thì tôi thu xếp đi các tỉnh. Không thể nhớ hết được có những chỗ đi đi lại lại bao nhiêu lần”.
Phải đi thì mới hiểu...
Ông nhớ lại lần chuẩn bị cho chuyến đi thực địa tại một địa điểm cắm mốc biên giới Việt – Lào ở vùng Quảng Nam vì “ngồi nhà nhiều khi sốt ruột tại sao có một cái cột mốc mà xây mãi không xong”.
Nói thế nhưng ông hiểu rõ hơn ai hết những gian khổ của những người đang ngày đêm xây “phên dậu” cho Tổ quốc, cắm mốc chủ quyền thiêng liêng cho đất nước. Ông kể, các điểm mốc giới giữa tỉnh Quảng Nam với các vùng của Lào là vùng núi rất cao, cả xe cơ giới và trực thăng đều không tiếp cận được vì rất nguy hiểm. Bởi thế, đội cắm mốc phải chia nhau gùi vật liệu, khi thì đi bộ, khi di chuyển bằng bè, rồi có khi leo núi cả ngày.
“Phải đi mới thấy sự vất vả của anh em. Ngồi bàn giấy nghe báo cáo thì không thể mường tượng hết được”, nguyên Thứ trưởng chia sẻ.
Lại có lần ông cùng một Thứ trưởng Ngoại giao Lào đi khảo sát vùng biên giới ở huyện Tương Dương, Nghệ An. Biên giới ở đó chạy theo con suối, nước suối chảy rất xiết và có nhiều ghềnh. Ban đầu, cả đoàn đi thuyền khảo sát nhưng đến đoạn ghềnh thì không dám đi nên phải ghé vào bờ để trèo qua cái ghềnh đó.
Trên thuyền chỉ có anh lái thuyền vốn thông thạo địa hình còn cả đoàn phải bám vách đá để trèo qua khu vực khu vực có ghềnh.
Nhớ lại chuyến đi đó, Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn vẫn còn cảm thấy “hết hồn” vì đối tác của ông lúc đó là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lào đã hơn 60 tuổi. “Không thể mường tượng hết được nguy hiểm” nhưng may là “bạn Lào cũng không kêu ca gì vì hai bên thông cảm với nhau, hiểu được những gian nan của công tác biên giới”, ông nói.