Nhà báo Đồng Mạnh Hùng cho rằng, để có thể làm kinh tế báo chí trên nền tảng số, điều quan trọng hàng đầu đối với mỗi cơ quan báo chí vẫn là nội dung tốt. |
Đó là quan điểm của nhà báo Đồng Mạnh Hùng, Trưởng ban Thư ký Biên tập của Đài Tiếng nói Việt Nam trong cuộc trao đổi với Báo Thế giới và Việt Nam nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6.
Báo chí tìm giải pháp trong khó khăn
Ông đánh giá thế nào về thực trạng kinh tế báo chí hiện nay?
Có thể nói, kinh tế báo chí là vấn đề tương đối phức tạp, liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của báo chí. Thời gian qua, dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế - xã hội nói chung, trong đó có các cơ quan báo chí. Dù đã rất cố gắng để có nguồn thu bổ sung cho sản xuất nhưng không ít cơ quan báo chí vẫn đứng trước nhiều khó khăn.
Có một thực tế là báo in, báo điện tử hay phát thanh, truyền hình vẫn dựa khá nhiều vào nguồn thu quảng cáo, khi mà "sức khỏe" doanh nghiệp có vấn đề thì chắc chắn nguồn thu sẽ ảnh hưởng.
Theo Cục Báo chí, nếu như trước đây, doanh thu từ quảng cáo luôn chiếm trên 60%, thậm chí với một số cơ quan báo chí là 90% thì giờ đây sụt giảm nghiêm trọng, đặc biệt là báo in. Còn các nguồn thu khác từ đặt hàng, liên kết sản xuất, hợp tác sản xuất cũng bị sụt giảm mạnh.
Một số đài truyền hình, phát thanh phải khóa kênh hoặc chuyển sang biên tập phát lại nội dung để bù vào những hợp đồng nội dung không được tiếp tục. Tất nhiên, trong khó khăn, nhiều cơ quan báo chí vẫn cố gắng tìm ra những giải pháp cho riêng mình, nhưng về cơ bản vẫn còn rất áp lực.
Nguyên nhân của thực trạng này đến từ đâu, theo ông?
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực tế này. Trước hết là nguồn tiền quảng cáo của các doanh nghiệp đang chạy từ các cơ quan báo chí chính thống chuyển sang các nền tảng số và mạng xã hội. Năm 2022, trong khi quảng cáo trên nền tảng số tăng 22% thì quảng cáo truyền thống như truyền hình, phát thanh giảm 4%.
Một vấn đề nữa là do ngân sách chi cho đầu tư phát triển báo chí chỉ chiếm dưới 0,3% tổng chi đầu tư ngân sách Nhà nước. Thực tế cho thấy, không có nhiều cơ quan chủ quản bố trí ngân sách, nguồn lực để đặt hàng hoặc hỗ trợ cơ quan báo chí thực hiện các nhiệm vụ chính trị, thông tin, tuyên truyền.
Tất nhiên, nguyên nhân còn do một số cơ quan báo chí chưa thực sự năng động trong việc tìm kiếm nguồn thu, nguồn hỗ trợ, tài trợ, chưa thực hiện chuyển đổi số để tạo nguồn thu trên nền tảng số.
Nhiều người băn khoăn có nên đánh đồng kinh tế báo và tự chủ hay không?
Thực chất, đây là hai khái niệm khác nhau nhưng có mối liên hệ với nhau. Các cơ quan báo chí tự chủ thì phải tiến hành làm kinh tế báo chí, nhưng không phải cơ quan báo chí nào làm kinh tế báo chí cũng phải tự chủ. Chính vì vậy, cần phải quy định rất rõ cơ chế tự chủ trong báo chí để tránh những hiểu lầm hoặc lợi dụng “cơ chế tự chủ” để thực hiện những mục đích kinh tế khác nhau.
Hiện nay, do cơ chế tự chủ nên không ít tòa soạn giao khoán định mức kinh tế truyền thông cho các phóng viên đã dẫn đến áp lực về việc làm, thu nhập khiến người cầm bút dễ sa ngã, đôi khi phóng viên đặt mục tiêu có hợp đồng kinh tế hơn là chú trọng đến chất lượng bài viết.
Một hiện tượng khác phát sinh từ việc lợi dụng cơ chế tự chủ là tình trạng phóng viên một số báo ngành, đặc biệt là tạp chí điện tử “xé rào” đi viết bài chống tiêu cực hoặc PR cho doanh nghiệp nhưng thực chất là để dọa dẫm vòi tiền, đòi quảng cáo hoặc hợp đồng truyền thông để hưởng lợi cá nhân hoặc nộp lại cho đơn vị dưới danh nghĩa “nuôi sống tòa soạn”.
Cần tách bạch giữa chức năng tuyên truyền và kinh doanh
Hiện nay, mỗi cơ quan báo chí vẫn thực thi nhiệm vụ kép. Đó là thực hiện nhiệm vụ chính trị theo tôn chỉ, mục đích của tờ báo cùng với làm kinh tế, thậm chí cả kinh doanh để tồn tại. Làm sao để tờ báo có vị thế vững vàng, tạo nền tảng tốt trong dòng chảy thông tin và vẫn đảm bảo nhiệm vụ kinh tế báo chí?
Đây là việc khó. Theo Luật Báo chí, các cơ quan báo chí không được quảng cáo trong các chương trình thời sự chính trị, hơn nữa, một số nội dung làm nhiệm vụ tuyên truyền không dễ thu hút quảng cáo. Chính vì vậy, các nhiệm vụ này phải được Nhà nước cấp kinh phí thực hiện.
Còn các cơ quan báo chí sẽ tự chủ, tự tìm nguồn thu trong các chuyên trang, khung giờ dành cho thông tin mềm, thông tin đời sống xã hội, giải trí. Ở đây, cũng cần xác định rõ các cơ quan báo chí chủ lực quốc gia, các kênh phát thanh truyền hình, tờ báo làm chính trị của các địa phương phải được đầu tư và có nguồn ngân sách để hoạt động. Còn các kênh, các tờ báo tăng thêm ngoài nhiệm vụ thì phải tìm kiếm nguồn thu để hoạt động nhưng dù trong bất cứ điều kiện nào thì cơ quan báo chí cũng không được xa rời tôn chỉ mục đích của mình.
Theo chúng tôi, để phát triển một nền kinh tế báo chí, cần tách bạch rõ ràng giữa chức năng tuyên truyền và chức năng kinh doanh của báo chí, cũng như phân định rõ các cơ quan báo chí thực hiện chức năng tuyên truyền, nhiệm vụ chính trị.
Từ đó, có chính sách hỗ trợ, đặt hàng cơ quan báo chí phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin thiết yếu, ưu tiên hỗ trợ đối với cơ quan báo chí chủ lực, cơ quan báo chí có ảnh hưởng lớn, hoạt động có hiệu quả cao, góp phần xây dựng tổ hợp truyền thông mạnh, có sức lan tỏa và ảnh hưởng rộng rãi trong xã hội.
Còn đối với các cơ quan báo chí khác, không thực hiện chức năng tuyên truyền thì hoàn thành các quy định để các cơ quan báo chí này hoạt động như doanh nghiệp.
Sản xuất nội dung số hoàn toàn khác với việc sản xuất nội dung trên các nền tảng truyền thống. (Ảnh minh họa: Internet) |
Để cơ quan báo chí có thể làm kinh tế một cách bền vững, lâu dài thì giải pháp ở đây là gì, theo ông?
Ngoài ý thức và trách nhiệm của người cầm bút, sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan báo chức năng thì cần phải có khung khổ pháp lý để thực hiện những vấn đề này. Luật Báo chí 2016 đã có những quy định cụ thể, tạo hành lang pháp lý cho việc phát triển kinh tế báo, cụ thể tại Điều 21 “Loại hình hoạt động và nguồn thu của cơ quan báo chí”; Điều 37 “Liên kết trong hoạt động báo chí”.
Tuy nhiên, các quy định này vẫn chưa đầy đủ, chưa cụ thể, dẫn đến việc các cơ quan báo chí lúng túng trong hoạt động, mặt khác, tạo điều kiện cho một số cơ quan báo chí, một số nhà báo lợi dụng để vi phạm.
Bên cạnh đó, việc coi các tạp chí là doanh nghiệp sẽ dẫn tới việc khó kiểm soát, chỉ đạo nội dung tuyên truyền. Nếu không phải là doanh nghiệp thì các tạp chí hoạt động theo mô hình gì? Đây là vấn đề tối quan trọng trong việc chấn chỉnh tình trạng “báo hóa” tạp chí, “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, “báo hóa” mạng xã hội của báo chí nói chung trong thời gian qua.
Cũng từ cơ chế tự chủ đã phát sinh ra nhiều cách thức giúp báo chí làm kinh tế, trong đó có việc liên kết, xã hội hóa. Việc liên kết, xã hội hóa trong hoạt động báo chí nói chung và hoạt động phát thanh nói riêng nhằm huy động các nguồn từ các tổ chức, đơn vị bên ngoài tham gia vào quá trình sản xuất các sản phẩm báo chí.
Qua đó, giúp cho các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương giảm tải nguồn kinh phí, tăng thêm nguồn lực cả vật chất, phương tiện và nhân lực trong quá trình sản xuất. Đây là điều rất cần thiết và đã giúp cho các cơ quan báo chí có thêm nguồn lực để tăng năng lực sản xuất và có những sản phẩm báo chí đạt chất lượng.
Tuy nhiên, hiện nay, Luật Báo chí chưa quy định rõ về hoạt động liên kết sản xuất, hợp tác sản xuất, vì vậy, rất cần có quy định chặt chẽ về hoat động này trong luật báo chí.
Điều 37 Luật Báo chí 2016 mới chỉ quy định về liên kết trong hoạt động báo chí, chưa hề có quy định về hoạt động kinh doanh, dịch vụ của các cơ quan báo chí. Khoản 1 Điều 37 “Liên kết trong hoạt động báo chí” quy định “Cơ quan báo chí được phép liên kết trong hoạt động báo chí với cơ quan báo chí khác, pháp nhân, cá nhân có đăng ký kinh doanh phù hợp với lĩnh vực liên kết theo quy định của pháp luật”.
"Không phải đưa nguyên văn các sản phẩm báo chí lên nền tảng số thì được coi là nội dung số". |
Nếu chỉ được phép liên kết với pháp nhân, cá nhân có đăng ký kinh doanh thì điều này giới hạn phạm vi liên kết của cơ quan báo chí, đặc biệt trong lĩnh vực quảng cáo, sản xuất chương trình, sản xuất sản phẩm báo chí như quy định tại Điểm b, c, d và đ Khoản 1 Điều này.
Các quy định tại khoản 3,4,5,6 điều 37 Luật Báo chí năm 2016 về liên kết trong hoạt động báo chí quy định trách nhiệm của cơ quan báo chí trong việc liên kết còn chung chung, chưa quy định cụ thể về hình thức (hợp đồng liên doanh hay hợp tác kinh doanh...), chưa có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục cũng như hành lang pháp lý cần thuân thủ khi tiến hành liên kết. Chưa có quy định cụ thể về những điều kiện, năng lực, và những cam kết cần phải có của đối tác liên kết nên dẫn đến hiện tượng doanh nghiệp ép báo chí sản xuất theo nội dung của mình hoặc can thiệp quá sâu vào công đoạn sản xuất, thậm chí là cả ở khâu kiểm duyệt…
Khi có những quy định rõ, cụ thể thì sẽ đảm bảo tính khách quan và định hướng trong sản xuất báo chí khi có liên kết.
Nội dung tốt thôi chưa đủ, phải là nội dung số
Hiện nay, nhu cầu của người đọc đã chuyển dần từ báo giấy sang phiên bản số. Vậy để khai thác tốt doanh thu từ môi trường số, các cơ quan báo chí cần phải làm gì?
Báo chí hiện nay đang đứng trước sự cạnh tranh gay gắt từ các loại hình truyền thông trên nền tảng số. Sự cạnh tranh này đến cả từ nội dung cho đến sự chia sẻ công chúng.
Nhu cầu của công chúng là khai thác được thông tin theo nhiều chiều, với nhiều cách thức linh hoạt, phù hợp với cách tiếp cận thông tin của từng cá nhân. Khi đó, các nền tảng số tỏ rõ lợi thế so với các loại hình báo chí truyền thống như phát thanh, truyền hình.
"Trong nền kinh tế báo chí, nếu coi sản phẩm báo chí là hàng hóa, thì phải coi khán, thính, độc giả là khách hàng. Phục vụ khách hàng những sản phẩm họ cần, chứ không phải những sản phẩm mình có, là nguyên tắc hàng đầu của kinh tế thị trường". |
Chỉ với một chiếc smartphone, công chúng có thể thoả mãn mọi nhu cầu của mình, từ tiếp nhận thông tin, giao tiếp xã hội, giải trí và thực thi các nhu cầu cá nhân, họ không cần phải tìm đến các nhà cung cấp truyền thống về mặt thông tin như báo chí nữa.
Vì vậy, chuyển đổi số là vấn đề quan trọng hàng đầu của các cơ quan báo chí hiện nay, trong bối cảnh đang chịu sự cạnh tranh khốc liệt với các loại hình truyền thông trên nền tảng số.
Một điều không thể phủ nhận là môi trường số, thông qua các hệ thống nội dung số, dịch vụ giá trị gia tăng trên mạng viễn thông, các dịch vụ thu phí bạn đọc với nội dung chuyên biệt, hấp dẫn… đang thu hút nguồn thu quảng cáo.
Để kinh doanh trên nền tảng số đòi hỏi các cơ quan báo chí phải có nội dung hay, hấp dẫn phù hợp với công chúng. Hiện nay, một số cơ quan báo chí ở nước ta đã bước đầu triển khai thu phí nội dung như Báo điện tử VietnamPlus, VietnamNet, Người Lao động, Báo Tuổi trẻ... Tuy nhiên, mọi việc mới chỉ ở bước khởi đầu, chưa có đánh giá về hiệu quả của hoạt động này.
Bên cạnh đó, việc đầu tư kinh phí, nhân lực để chuyển đổi số cũng là một vấn đề các cơ quan báo chí phải quan tâm. Các cơ quan báo chí phải có công nghệ và giải pháp phù hợp, đặc biệt là nguồn nhân lực cả về kỹ thuật, sản xuất nội dung. Để có thể làm kinh tế báo chí trên nền tảng số, điều quan trọng hàng đầu đối với mỗi cơ quan báo chí vẫn là nội dung tốt.
Tuy nhiên, có một vấn đề là sản xuất nội dung số hoàn toàn khác với việc sản xuất nội dung trên các nền tảng truyền thống. Nội dung tốt chưa đủ, mà nó phải là nội dung số, để phù hợp với môi trường số, tức là những nội dung mang tính cá nhân hóa ở mức cao, những nội dung mà mỗi khán, thính giả, độc giả đều có thể tìm thấy mình trong đó.
Như đã nói ở trên, trong nền kinh tế báo chí, nếu coi sản phẩm báo chí là hàng hóa, thì phải coi khán, thính, độc giả là khách hàng. Phục vụ khách hàng những sản phẩm họ cần, chứ không phải những sản phẩm mình có, là nguyên tắc hàng đầu của kinh tế thị trường.
Ở đây, có một vấn đề tôi muốn nhấn mạnh, đó là việc không phải chúng ta đưa nguyên văn các sản phẩm báo chí lên nền tảng số thì được coi là nội dung số. Các sản phẩm báo chí nội dung số cần được biên tập, dàn dựng, thậm chí viết lại hoàn toàn cho phù hợp với công chúng số, những người có nhu cầu khai thác thông tin theo nhiều chiều, với nhiều cách thức linh hoạt, phù hợp với cách tiếp cận thông tin của từng cá nhân.
Một điều căn cốt nữa là hiện nay, Luật Báo chí hiện hành chưa công nhận các sản phẩm đặc thù trên số là thể loại báo chí. Vì thế, cần bổ sung điều chỉnh, sửa đổi Luật Báo chí, đồng thời, bổ sung định mức kinh tế kỹ thuật cho hoạt động sáng tạo, sản xuất nội dung trên môi trường số, tạo hành lang pháp lý cho sự phát triển nội dung số được thuận lợi.
Xin cảm ơn ông!