Nhà báo Hồ Quang Lợi cho rằng, dù tác phẩm báo chí có hay mà công chúng không có điều kiện tiếp cận là một điều đáng tiếc.(Ảnh: Phi Khanh) |
Sáng nay (18/3), tại Hà Nội, liên Chi hội nhà báo cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam, Chi hội Tạp chí Người Làm báo - Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức talkshow: "Người làm báo trong kỷ nguyên số". Sự kiện nằm trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc với chủ đề năm 2023 là: "Đoàn kết - Chuyên nghiệp - Văn hóa - Sáng tạo".
Đây là hoạt động thiết thực của những người làm báo, là nơi gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ nghiệp vụ về làm báo trong thời kỳ công nghệ, chuyển đổi số.
Diễn giả của talkshow là các nhà quản lý, nhà báo giàu kinh nghiệm đã và đang có nhiều đóng góp cho sự nghiệp báo chí như: Nhà báo Hồ Quang Lợi, nguyên Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, cố vấn ban biên tập tạp chí Người làm báo; Nhà báo Nguyễn Minh Đức, Phó chủ tịch Hội Nhà báo TP. Hà Nội, Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị; Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, báo điện tử Dân Việt/Nông thôn ngày nay.
Nội dung talkshow xoay quanh vấn đề vai trò của người làm báo trong kỷ nguyên số, những cơ hội và thách thức của người làm báo trong bối cảnh hiện nay, đồng thời đưa ra những quan điểm, kinh nghiệm làm báo trong thời kỳ mới.
Có thể thấy rằng, trong kỷ nguyên số, cùng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ kết nối, số lượng các tờ báo điện tử cũng nở rộ khắp nơi trên thế giới, truyền tải thông tin dưới mọi hình thức. Không ai có thể phủ nhận được công nghệ đã mang tới những tiện ích vượt bậc cho người làm báo, nhưng cũng không ít khó khăn để thực hiện tốt tính ưu việt của công nghệ số.
Trước sự phát triển mạnh mẽ và rộng lớn của công nghệ thông tin vừa tạo thuận lợi cho lĩnh vực báo chí phát triển và cũng là thách thức sống còn đối với người làm báo, đòi hỏi những người làm báo ngày nay phải nhanh chóng bắt kịp với xu thế thời đại.
Trong thời đại 4.0 để thích nghi với thời cuộc, báo chí cũng phải thường xuyên kiểm chứng thông tin nhanh nhạy, bám sát thông tin đại chúng, lắng nghe nguyện vọng của nhân dân, đưa tin tức xác thực đến với nhân dân một cách nhanh nhất.
Dù chúng ta càng ngày càng tiến sâu vào kỷ nguyên số, nhưng những người làm báo phải luôn hướng về giá trị truyền thông, giá trị cốt lõi của báo chí, đó là định hướng xã hội, tính nhân văn, sự chia sẻ của nhà báo với đời sống xã hội. Đặc biệt trong kỷ nguyên số đòi hỏi những người làm báo phải nhanh chóng thay đổi phương cách tác nghiệp để thích ứng, theo kịp sự biến đổi và phát triển của công nghệ thông tin thời kỳ mới.
Nhà báo Hồ Quang Lợi cho rằng, mối quan hệ giữa nội dung và công nghệ vô cùng quan trọng. Ngoài những thông tin thông thường, các nhà báo phải tự học hỏi, để thông tin của mình khác biệt, chuyên sâu. Các nhà báo phải biết sử dụng công nghệ để có thể vừa biết làm báo, biết chụp ảnh, biết làm postcard, dẫn hiện trường... Đây là áp lực lớn, đòi hỏi nhà báo phải làm chủ được báo chí đa phương tiện.
Bàn về mối quan hệ giữa nội dung và công nghệ, nhà báo Hồ Quang Lợi cho rằng, vẫn là vấn đề cái gì là nội dung, cái gì là công nghệ trong báo chí ngày nay. Với báo chí, nội dung phải tốt mới có công chúng, bạn đọc. Nhưng nội dung tốt đã đủ chưa? Ngày nay, chúng ta có phương tiện truyền thông siêu việt, điều đó giúp cho nội dung lan tỏa tốt hơn, hiệu quả của báo chí mạnh mẽ hơn. Nhưng có nên tách biệt giữa nội dung và công nghệ hay không?
Ông Lợi nói: "Tôi ví nội dung là vua, còn công nghệ là nữ hoàng, khi vua và nữ hoàng kết hợp với nhau sẽ tạo ra một tác phẩm xuất sắc và có tầm ảnh hưởng. Nhưng vấn đề ở đây là kết hợp như thế nào? Tôi nghĩ người làm nội dung cũng phải sử dụng công nghệ".
Ông Hồ Quang Lợi đặt vấn đề, ngày xưa làm báo truyền thống chỉ quan tâm làm sao để nội dung cho tốt. Còn bây giờ, người làm báo phải nghĩ sản phẩm của mình đi theo con đường nào, lối hẹp nào để đến với công chúng?
"Có một câu tôi cho là rất hay, đó là 'công chúng ở đâu thì báo chí phải có mặt ở đó'. Tức là, cách chúng ta tiếp cận công chúng là vô cùng quan trọng. Nếu không, dù tác phẩm báo chí có hay mà công chúng không có điều kiện tiếp cận là một điều đáng tiếc", nhà báo Hồ Quang Lợi nhấn mạnh.
Đồng thời, theo ông Lợi, trên thế giới có những nhà báo vừa làm nội dung tốt vừa tác nghiệp công nghệ tuyệt vời. Công nghệ đang làm cho thế giới bất ổn. Do đó, báo chí phải có trách nhiệm làm sao để làm chủ công nghệ, không để chạy theo công nghệ hoặc giết chết cảm xúc của con người.
Chia sẻ quan điểm, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng cho rằng, trong kỷ nguyên số, người làm báo buộc phải hoạt động toàn cầu, bởi nếu không thì tác phẩm sẽ không có nhiều giá trị.
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng bày tỏ, làm báo thời nay có nhiều thách thức nên buộc chúng ta phải hoàn thiện về ngoại ngữ, cách truy tìm thông tin, cách quan hệ với các đồng nghiệp trên thế giới, làm sao để mình không vi phạm luật pháp khi tấn công vào các vấn đề nóng.
"Chúng tôi tận dụng được mối quan hệ và lấy được tư liệu của các nhà điều tra quốc tế. Đây là điều cực kỳ quan trọng, phải xác lập được uy tín cá nhân của mình để họ sẵn sàng làm việc, hợp tác với mình. Có thể nói, đó là một thách thức còn cao hơn cả câu chuyện thời buổi công nghệ số thì làm báo ở Việt Nam như thế nào”, ông Hoàng nói.
Bên cạnh đó, theo nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, ngoài ngoại ngữ, khả năng sử dụng công nghệ thì người làm báo cần “bán” sự thông thái của bạn thông qua quyển sách đó, bài báo đó, thông điệp đó cho cộng đồng...